Vì sao DN bất động sản muốn ngân hàng tham gia giải cứu trái phiếu?

Nghị định 08 đã đưa ra nhiều giải pháp tình thế cho các chủ thể phát hành trái phiếu. Mặc dù vậy, một số ý kiến cho rằng, việc xử lý khối nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản vẫn cần có sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng.

(Ảnh minh họa: H.L).

Dự thảo Thông tư 16/2021/TT-NHNN đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến có một số thay đổi quan trọng.

Theo đó, dự thảo ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN đến hết ngày 31/12/2023. Ngân hàng chỉ được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM mà ngân hàng này đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán.

Điều kiện kèm theo là bên mua trái phiếu doanh nghiệp từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ tiền tại thời điểm ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu; doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp,…

Đánh giá về Dự thảo, bà Hồ Thị Kiều Trang, Trưởng phòng Cao cấp - Nghiên cứu ngành Bất động sản, CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết, các ngân hàng đóng vai trò giống như một đơn vị trung gian tạo ra thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Nếu quy định trên được thông qua, ngân hàng mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư cá nhân và sau đó sẽ trở thành trái chủ của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Như vậy, việc này sẽ giải quyết được một phần vấn đề cho các công ty đang gặp vấn đề về dòng tiền.

“Đây là một trong những thay đổi quan trọng, nếu ngân hàng và doanh nghiệp ngồi lại với nhau để đàm phán và đưa ra một phương án cụ thể sẽ phần nào giúp giải quyết những vấn đề của thị trường trái phiếu hiện tại”, bà Trang nói.

Tuy nhiên, Dự thảo cũng có một số quy định chặt chẽ hơn so với Thông tư 16. Đơn cử, các tổ chức tín dụng sẽ không được phép mua trái phiếu nếu doanh nghiệp phát hành có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt quá 5 lần. Ngoài ra, Dự thảo đang siết chặt việc ngân hàng mua TPDN trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại doanh nghiệp khác; để hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư với doanh nghiệp khác.

“Nhìn chung, có cả điểm nới và điểm siết. Nhưng những điểm siết chặt hơn sẽ đảm bảo việc phát hành cũng như mua, bán trái phiếu doanh nghiệp trong tương lai sẽ được diễn ra một cách minh bạch hơn và đúng đắn hơn”, vị này nhận định.

 

Việc sửa đổi Thông tư 16 để tổ chức tín dụng mà cụ thể là các ngân hàng thương mại được phép mua lại trái phiếu nếu doanh nghiệp đáp ứng được một số điều kiện được cho là cơ sở pháp lý thúc đẩy việc giảm áp lực thanh khoản cho thị trường này.

TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, việc ngân hàng - trái chủ lớn nhất (ước tính chiếm khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành), tham gia tháo gỡ vướng mắc cho trái phiếu doanh nghiệp rất có ý nghĩa trong việc khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

Và ngược lại, thị trường bất động sản có dòng tiền “chạy", các nhà phát hành trái phiếu không vỡ nợ, các ngành nghề "ăn theo" như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng phục hồi sẽ tránh việc đổ vỡ một cách liên hoàn, ngăn hệ lụy xấu cho cả hệ thống tài chính tiền tệ và nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo ông Đính, cần bổ sung quy định các điều kiện để tổ chức tín dụng được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lại nợ như tinh thần Nghị định 08 vừa qua.

Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản đang có khoản nợ trái phiếu không lâm vào cảnh “chết tắc”, mở ra cho họ hy vọng, có thêm thời gian cơ cấu nợ, có phương án thích hợp để tái cấu trúc lại sản phẩm, có cơ hội phát triển, có lợi cho thị trường, nhà đầu tư và kinh tế nói chung.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) trước đó cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và NHNN.

Theo đó, vị này đề nghị NHNN cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn với khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành và ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và các tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các trái chủ.

Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại thì doanh nghiệp và các trái chủ thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị NHNN xem xét sửa đổi điểm a khoản 8 Điều 4 Thông tư 16 cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành theo hai phương án (một là bãi bỏ, hai là ngưng thi hành trong thời hạn kể từ ngày Thông tư mới có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024, tương tự như thể thức quy định của Nghị định 08).

“Hiệp hội nhận thấy, nếu có cơ chế, chính sách nói trên thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08 sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các trái chủ”, HoREA nêu quan điểm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vi-sao-bat-dong-san-muon-ngan-hang-tham-gia-giai-cuu-trai-phieu-2023331115446982.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/