VDSC chỉ ra điểm sáng cho kinh tế Việt Nam từ cuộc xung đột Nga - Ukraine

Với việc các đối tác phương Tây tìm kiếm nhà cung cấp thay thế cho nguồn cung thiếu hụt từ Nga, hàng xuất khẩu từ Việt Nam có thể là một lựa chọn.

Theo báo cáo chiến lược mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xung đột giữa Nga - Ukraine đã dấy lên rủi ro rất lớn về triển vọng kinh tế toàn cầu vì những biện pháp cấm vận từ Mỹ, EU đang và sẽ triển khai đối với Nga, cùng với chiều ngược lại là biện pháp trả đũa phương Tây dựa trên những vị thế kinh tế và địa chính trị mà Nga đang nắm giữ. 

Cuộc xung đột có thể tác động tới tiến độ các dự án năng lượng, dầu khí

Đối với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này đối với Việt Nam, VDSC nhìn nhận tác động chủ yếu sẽ thông qua ảnh hưởng của giá dầu lên lạm phát và giá hàng hóa lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Đối với tác động trực tiếp, các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đối với hoạt động thương mại của hai nước với Việt Nam là rất hạn chế. 

Trong năm 2021, hai quốc gia Nga và Ukraine chiếm khoảng 0,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, tương đương với 6,2 tỷ USD.

Đối với xuất khẩu, hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đến hai quốc gia trên là chè và cà phê, sự phụ thuộc của hai mặt hàng này đối với thị trường Nga – Ukraine lần lượt là 10% và 6%. 

Đối với nhập khẩu, khoảng 10- 12% giá trị nhập khẩu phân bón và than đá đến từ thị trường Nga và khoảng 7% giá trị nhập khẩu lúa mỳ đến từ cả hai thị trường Nga và Ukraine.

Về hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến ngày 20/2, các nhà đầu tư Nga có khoảng 151 dự án có vốn đăng ký tại Việt Nam với tổng giá trị vốn đầu tư chỉ khoảng 953,8 triệu USD, số dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam của nhà đầu tư Ukraine là không đáng kể. 

Tổng vốn đăng ký của cả hai nước tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,2% tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Trong tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt – Nga đến năm 2030 vào tháng 12/2021 có đề cập đến việc thúc đẩy hợp tác một số lĩnh vực năng lượng và dầu khí giữa PVN và một số đối tác Nga đã hiện diện tại Việt Nam từ khá lâu (Gazprom, Novatek, Zarubezhneft). 

Ảnh hưởng lâu dài của chiến tranh và cấm vận có thể khiến cho tập đoàn PVN gặp thêm khó khăn về tiến độ triển khai các dự án năng lượng và dầu khí.

VDSC chỉ ra điểm sáng cho kinh tế Việt Nam từ cuộc xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 1.

Ngoài ra, Việt Nam đang trong giai đoạn mở cửa du lịch trở lại với quốc tế, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến lượng khách du lịch đến từ Nga. 

Trước khi dịch bệnh xảy ra, số khách Nga đến Việt Nam là khoảng 646.524 khách, chiếm khoảng 3,6% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Dù vậy, khách Nga thường có thời gian lưu trú dài khoảng hơn 10 ngày với mức chi tiêu bình quân khá cao khoảng 1.500 USD/người.

Đối với tác động gián tiếp, VDSC nhìn nhận rủi ro dễ thấy nhất đến từ việc tăng giá hàng hóa, nổi bật là giá dầu thô, điều này sẽ ảnh hưởng đến triển vọng lạm phát. Rủi ro tiềm tàng là nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cơ bản sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. 

Vấn đề suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa được đề cập nhiều tuy nhiên đang là một rủi ro đang gia tăng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam. 

Ở khía cạnh tích cực, lộ trình thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương (ECB và Fed) có thể sẽ chậm hơn so với nhiều dự báo được đưa ra trước khi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine xảy ra. 

Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội từ câu chuyện này

Trước diễn biến liên tục leo thang của chiến tranh và các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, giá dầu đã nhanh chóng vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Rất khó đoán định liệu có các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn khi mà cả Nga và phương Tây đều có những lợi ích tương hỗ về mặt kinh tế, đặc biệt là ở khía cạnh dầu khí. 

Dù vậy, đà tăng của giá dầu được dự báo sẽ có thể tiếp diễn trong thời gian nữa với ngưỡng kỳ vọng tiếp theo là 120 USD/thùng và tiếp theo nữa là 150 USD/thùng. Song, thống kê quá khứ cho thấy giá dầu thế giới tăng nhanh và cũng giảm rất nhanh trong một thời gian ngắn khi xảy ra bất ổn địa chính trị. 

VDSC chỉ ra điểm sáng cho kinh tế Việt Nam từ cuộc xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 2.

Theo Tổng cục thống kê, khi giá xăng dầu tăng 10% (cố định các yếu tố khác), thì lạm phát của nền kinh tế sẽ tăng trực tiếp của vòng 1 khoảng 0,35%-0,36%, nếu tính cả vòng 2 thì lạm phát khoảng 0,87%-0,90%, tác động đối với tổng chi phí của nền kinh tế tăng khoảng 0,352%. 

Giá dầu Brent bình quân cả năm 2021 là xấp xỉ 71 USD/thùng, từ đầu năm đến nay bình quân là gần 91 USD/thùng, tương ứng với mức tăng 28%. 

Nếu giá dầu tiếp tục leo thang sau đó giảm lại nhanh chóng và mức bình quân khoảng 90 USD/thùng được duy trì suốt cả năm thì tác động lạm phát cả hai vòng vẫn xoay quanh ước tính 3,8% của VDSC. 

Trong trường hợp, mức giá dầu bình quân năm nay là 100 USD/thùng thì lạm phát sẽ có thể tăng cao hơn dự phóng và vượt ngưỡng mục tiêu của Chính phủ là 4%.

Hiện tại, việc một số ngân hàng của Nga bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIFT) sẽ khiến cho việc giao thương giữa Nga và các nước gặp khó khăn và phải tìm cách thức thanh toán thay thế, đồng nghĩa với việc gián đoạn nguồn cung sẽ có thể diễn ra. 

Điều này đã dẫn đến đà tăng giá mạnh của rất nhiều loại nguyên vật liệu cơ bản từ dầu thô, khí đốt, ngũ cốc, kim loại từ cơ bản đến quý hiếm. VDSC cho rằng cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine sẽ ảnh hưởng đến giá nguyên liệu đầu vào của rất nhiều ngành nghề. 

Nếu xếp hạng theo vai trò của Nga và chuỗi cung ứng toàn cầu thì tác động lớn nhất là dầu thô, tiếp đến là khí đốt, theo sau đó là sản xuất lương thực (lúa mì, dầu hướng dương, bắp, phân bón), và cuối cùng là các sản phẩm kim loại phục vụ cho ngành sản xuất công nghiệp ô tô, điện tử, máy bay, vật liệu bán dẫn như nickel, palladium và platinum. 

Theo phân tích từ Natixis, các biện pháp trả đũa từ Nga có thể tập trung việc hạn chế việc xuất khẩu các mặt hàng kim loại như Nhôm, Titanium và Uranium1. Đây được coi là một trong những lựa chọn có sức nặng để đối trọng lại các biện pháp trừng phạt từ các nước phương Tây. 

Đối với Việt Nam, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới sẽ gián tiếp tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Điểm sáng trong bức tranh này là với việc các đối tác phương Tây tìm kiếm nhà cung cấp thay thế cho nguồn cung thiếu hụt từ Nga, hàng xuất khẩu từ Việt Nam có thể là một lựa chọn. 

Dù vậy, các chuyên gia VDSC cho rằng việc nắm bắt được cơ hội trong khủng hoảng sẽ rất tùy thuộc vào khả năng đáp ứng đơn hàng của doanh nghiệp, mức độ tồn kho nguyên liệu giá thấp và khoảng cách giữa tốc độ tăng giá đầu ra so với tốc độ tăng của chi phí đầu vào.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/vdsc-chi-ra-diem-sang-cho-kinh-te-viet-nam-tu-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-20220308101612821.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/