Nguyên tắc 'công bằng' của TTCK bị lung lay khi xử phạt doanh nghiệp này mà bỏ qua doanh nghiệp khác?

Nhiều doanh nghiệp thực hiện cùng một hành vi nhưng Ủy ban Chứng khoán chỉ xử phạt một mình Vietnam Airlines, dẫn tới những nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch trên thị trường.

Cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ra quyết định xử phạt Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) 20 triệu đồng vì doanh nghiệp này “không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty”.

Theo quan sát của chúng tôi, báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 do Vietnam Airlines công bố ngày 25/5 chỉ thể hiện tổng lương, thù lao của Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát trong năm 2021 là hơn 8 tỷ đồng, không có con số của riêng mỗi người.

Trước đó vào hôm 31/5, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã ra công văn nhắc nhở Vietnam Airlines liên quan tới vấn đề này. Sau đó, Vietnam Airlines đã công bố bổ sung thông tin về thù lao của từng người trong ban lãnh đạo.

Điều đáng nói là trên thị trường chứng khoán có rất nhiều doanh nghiệp cũng công bố thông tin tương tự như Vietnam Airlines đã làm trong báo cáo tài chính năm 2021, tức là chỉ có số tổng và không cụ thể từng người, nhưng cho đến nay Vietnam Airlines là doanh nghiệp duy nhất bị HOSE nhắc nhở rồi sau đó bị UBCK xử phạt hành chính. 

Giả thuyết “Vietnam Airlines là doanh nghiệp đầu tiên bị phát hiện vi phạm nên bị xử phạt đầu tiên” cũng không hợp lý.

Gần như tất cả doanh nghiệp niêm yết đều công bố báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán trong ba tháng đầu năm 2022.

Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính vào ngày 25/5, tức là muộn hơn các doanh nghiệp khác hai tháng, với lý do là COVID-19 gây khó khăn trong việc tổng hợp chứng từ và xử lý số liệu.

Nếu UBCK rà soát báo cáo tài chính của các doanh nghiệp để xử phạt thì lẽ ra phải phát hiện vi phạm của các doanh nghiệp đã công bố thông tin từ tháng 3 trước, rồi sau đó mới thấy báo cáo của Vietnam Airlines vào tháng 5.

Từ nhiều ngày qua, chúng tôi đã đặt câu hỏi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh về việc tại sao chỉ một mình Vietnam Airlines bị nhắc nhở và xử phạt, nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng việc nhiều doanh nghiệp cùng vi phạm nhưng chỉ một mình Vietnam Airlines bị Ủy ban Chứng khoán xử phạt cho thấy “sự bất thường” và “không công bằng”.

Theo ông Đức, vi phạm của Vietnam Airlines không quá nghiêm trọng hay đặc biệt, tổng giá trị thù lao 8 tỷ đồng trong một năm là bình thường trên thị trường, không phải nhiều bất thường tới 80 tỷ.

Thiếu sót trong công bố thông tin của Vietnam Airlines không ảnh hưởng đáng kể tới giá cổ phiếu hoặc gây đánh giá sai lệch về tình hình tài chính doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức cho hay, vì vậy không có lý do gì để xử phạt riêng Vietnam Airlines mà bỏ qua cho các doanh nghiệp khác. “Nếu phạt thì cùng phạt”, ông Đức nói.

Ban đầu Vietnam Airlines chỉ công bố tổng thù lao của ban lãnh đạo là 8 tỷ đồng trong năm 2021. Sau khi HOSE nhắc nhở, Vietnam Airlines đã công bố bổ sung lương, thù lao của từng người. (Ảnh chụp báo cáo tài chính và công bố thông tin bổ sung của Vietnam Airlines).

Báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán của nhiều doanh nghiệp cũng không có thông tin chi tiết về lương và thù lao của từng người trong ban lãnh đạo, chẳng hạn như: Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL - Mã: OIL), Chứng khoán VNDirect (Mã: VND), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID), ... Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã không xử phạt những doanh nghiệp này như đã làm với Vietnam Airlines.

Tổng tiền lương và thù lao cho ban lãnh đạo BIDV năm 2021 là gần 35,8 tỷ đồng, không có thông tin chi tiết từng người. (Ảnh chụp từ báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán).

Trước diễn biến bất thường trên thị trường tài chính nửa đầu năm, Chính phủ đã yêu cầu các cấp quản lý cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường cổ phiếu để lành mạnh hóa thị trường, tăng cường các biện pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán để bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường, đặc biệt xử lý nghiêm, kịp thời tình trạng thao túng, làm giá, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững. 

Gần đây, UBCK đã có nhiều động thái cho thấy hoạt động tăng cường giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán được đẩy mạnh, đặc biệt sau khi  Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo về các hình thức kỷ luật đối với tập thể và các cá nhân là nguyên lãnh đạo, lãnh đạo của UBCKNN, Sở GDCK Việt Nam (VNX), Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). 

UBCK cũng cho biết tăng cường giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, UBCK sẽ đẩy mạnh công tác giám sát thị trường chứng khoán, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/uy-ban-chung-khoan-khong-cong-bang-trong-xu-phat-doanh-nghiep-202282165159205.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/