UBS giải cứu Credit Suisse, rủi ro cho thị trường toàn cầu đã dứt?

Nhờ sự dàn xếp của giới chức Thụy Sỹ, UBS đã đồng ý mua lại đối thủ đang gặp khó khăn là Credit Suisse với giá 3 tỷ CHF (tương đương 3,25 tỷ USD) vào hồi cuối tuần qua.

UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD. (Ảnh: Reuters).

Hồi cuối tuần qua, nhờ sự dàn xếp của các cơ quan quản lý Thụy Sỹ, UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse. Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ từ chính phủ và ngân hàng trung ương Thụy Sỹ rằng hệ thống tài chính sẽ ổn định trở lại, thoả thuận này dường như không thể giúp giảm bớt lo ngại về rủi ro hệ thống đối với thị trường toàn cầu.

Sau nhiều năm thua lỗ nặng nề và vướng vào những bê bối gây tốn kém, cú lao dốc gần đây nhất của cổ phiếu Credit Suisse bắt đầu với sự sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ là Silicon Valley Bank và Signature Bank.

Cú rơi càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse là Ngân hàng Quốc gia Arab Saudi cho biết họ sẽ không cung cấp thêm bất kỳ hỗ trợ tài chính nào cho nhà băng Thụy Sỹ này nữa.

Thông tin về khoản vay lên tới 50 tỷ CHF từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) không thể trấn an nhà đầu tư và cuối cùng buộc UBS phải “giải cứu khẩn cấp” Credit Suisse.

Trong cuộc họp báo hôm 19/3, Chủ tịch Axel Lehmann cho rằng “những diễn biến mới bắt nguồn từ các ngân hàng Mỹ đã tác động đến Credit Suisse ở thời điểm bất lợi nhất”.

“Thị trường nhanh chóng mất niềm tin với chúng tôi và sự leo thang trong vài ngày qua cho thấy rõ ràng rằng Credit Suisse không thể tồn tại ở mô hình hiện tại nữa”, ông Lehmann nói tiếp.

“Chúng tôi rất vui vì đã tìm ra giải pháp mà tôi tin rằng sẽ giúp mang lại sự ổn định và an toàn lâu dài cho các khách hàng, nhân viên, thị trường tài chính và cả Thụy Sỹ”, vị chủ tịch bày tỏ.

Theo CNBC, thoả thuận mua lại Credit Suisse của UBS dự kiến sẽ kết thúc trong năm nay và tạo ra một gã khổng lồ ngành ngân hàng với tổng tài sản đầu tư hơn 5.000 tỷ USD.

Credit Suisse đã được giải cứu, cổ phiếu của ngân hàng này và cả UBS đều đi xuống trong phiên giao dịch ngày 20/3.

 

“Trời quang mây tạnh”?

Trong một lưu ý vào cuối ngày 19/3, Goldman Sachs cho rằng thoả thuận giữa UBS và Credit Suisse, cùng các cam kết bơm thanh khoản và bù lỗ từ SNB, đang giúp “trời quang mây tạnh” và giảm thiểu rủi ro đuôi (tail risk).

Các chiến lược gia tại gã khổng lồ Phố Wall bày tỏ sự lạc quan khi vụ sụp đổ của các ngân hàng khu vực Mỹ không gây thiệt hại nặng nề đến các tổ chức tài chính khác trên thế giới.

Trong khi đó, ông Cole Smead, CEO của hãng quản lý tài sản Smead Capital Management, cho rằng nhà đầu tư có thể tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn từ các tài sản của thực thể mới hình thành từ vụ UBS mua lại Credit Suisse.

Song, một số chuyên gia vẫn e ngại về tác động tiềm tàng của thoả thuận trên đến thị trường. Ông James Sym, trưởng bộ phận đầu tư cổ phiếu của River & Mercantile, cho rằng thị trường đang trong chế độ “tìm kiếm và tiêu diệt [rủi ro]”.

“Theo tôi, thoả thuận mua lại có thể giúp giải quyết những vấn đề riêng của Credit Suisse, nhưng không chắc nó đủ lớn để ngăn chặn thị trường rơi vỡ”, ông Smead cảnh báo.

Dù vậy, ông nói thêm rằng phần còn lại của hệ thống ngân hàng châu Âu đã “trở nên mạnh mẽ hơn nhiều” so với trước đây. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng tại lục địa già đã xây dựng bộ đệm vốn lớn hơn để chống lại rủi ro hệ thống.

Một số nhà phân tích tin rằng dù thoả thuận mua lại đã loại bỏ lo ngại về vận mệnh của Credit Suisse, rủi ro sẽ nằm đâu đó trong những chi tiết nhỏ mà các bên soạn ra trong những tuần và tháng tới.

“Một trong những vấn đề là mức giá mua lại 3,25 tỷ USD (khoảng 0,5 CHF/cp), con số này chỉ tương đương 4% giá trị sổ sách và khoảng 10% giá trị thị trường của Credit Suisse vào đầu năm nay”, nhà kinh tế Neil Shearing của Capital Economics cho hay.

“Mức giá đó cho thấy một phần đáng kể trong khối tài sản trị giá 570 tỷ USD của Credit Suisse có thể sẽ bị suy giảm giá trị hoặc bị coi là có nguy cơ suy giảm giá trị. Điều này có thể dẫn đến những xôn xao mới về sức khoẻ của các ngân hàng”, ông nói.

Vị chuyên gia kinh tế nói thêm rằng thoả thuận vẫn đối mặt với rủi ro “vì lý do pháp lý hoặc tài chính, hoặc niềm tin của UBS bị sứt mẻ và nhà băng này không còn muốn mua lại Credit Suisse”.

Lô trái phiếu AT1

một phần của thoả thuận, Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính Thụy Sỹ (FINMA) đã tuyên bố xoá bỏ lô trái phiếu bổ sung cấp 1 (AT1) trị giá 16 tỷ CHF của Credit Suisse. Một số nhà đầu tư lo sợ động thái này sẽ gây ra hệ luỵ cho tín dụng toàn cầu.

“Trái phiếu AT1 được triển khai ở châu Âu sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 với vai trò là một công cụ giảm xóc khi các ngân hàng bắt đầu phá sản”, CIO Charles-Henry Monchau của Syz Bank giải thích.

Theo ông Monchau, việc toàn bị lô trái phiếu AT1 của Credit Suisse bị xoá sổ là một “diễn biến đáng lo ngại” do trong cơ cấu vốn, các trái chủ của trái phiếu không đảm bảo thường xếp hạng cao hơn người nắm giữ cổ phần.

Ông cho rằng điều này đặt ra câu hỏi về giá trị thực của trái phiếu chuyển đổi dự phòng (CoCo) và “có nguy cơ ảnh hưởng đến tín dụng toàn cầu”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ubs-giai-cuu-credit-suisse-rui-ro-cho-thi-truong-toan-cau-da-dut-20233218176826.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/