UBS đồng ý mua Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD, ngân hàng trung ương cho vay khẩn cấp 108 tỷ USD

Ngày 19/3 theo giờ địa phương, ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ là UBS đã đồng ý mua lại ngân hàng lớn thứ hai là Credit Suisse với giá 3 tỷ CHF, tương đương 3,2 tỷ USD. Các cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng trong thương vụ này nhằm ngăn bất ổn của ngành ngân hàng lan rộng.

Chủ tịch UBS Colm Kelleher (bên phải) bắt tay Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann trong một cuộc họp báo tại thành phố Bern sau khi thông báo thươn vụ sáp nhập ngày 19/3/2023. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Ngày 19/3, UBS Group đã đồng ý mua lại đối thủ đang chìm trong khủng hoảng Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD, thương vụ được thực hiện hoàn toàn bằng cổ phiếu, không sử dụng tiền mặt. Nhà đầu tư sở hữu 22,48 cổ phiếu Credit Suisse sẽ được đổi lấy 1 cổ phiếu UBS.

Quá trình hợp nhất dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2023. Theo UBS, ngân hàng sau sáp nhập sẽ quản lý tổng cộng 5.000 tỷ USD tài sản, bao gồm tài sản thuộc sở hữu của ngân hàng cũng như tài sản của các khách hàng và nhà đầu tư ở các quỹ.

 

Thông cáo của Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) có đoạn viết: “Thông qua thương vụ UBS mua lại Credit Suisse, một giải pháp đã được tìm ra nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thụy Sỹ trong bối cảnh hết sức bất thường này”.

SNB cho biết ngân hàng trung ương này đã phải làm việc với chính phủ Thụy Sỹ, Cơ quan Quản lý Thị trường Tài chính Thụy Sỹ (Finma) để đi đến thỏa thuận sáp nhập giữa hai ngân hàng lớn nhất đất nước.

Thông cáo của Chủ tịch UBS Colm Kelleher viết: “Thương vụ mua lại này rất hấp dẫn với cổ đông UBS, nhưng chúng ta phải hiểu rõ rằng, về phía các cổ đông của Credit Suisse, đây là một cuộc giải cứu khẩn cấp. Chúng tôi đã cấu trúc một thương vụ với mục tiêu bảo vệ những giá trị còn lại trong Credit Suisse đồng thời hạn chế rủi ro của mình”.

Trong một cuộc họp báo chiều 19/3, khi được hỏi UBS có thể rút lui khỏi thương vụ này hay không, Chủ tịch Colm Kelleher nói: “Chúng tôi cam kết sẽ biến thỏa thuận này trở thành một chiến thắng vang dội. Không có lựa chọn nào ở đây cả. Đây là thương vụ thiết yếu đối với cấu trúc tài chính của Thụy Sỹ và hệ thống tài chính toàn cầu”.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) cam kết cho vay tối đa 100 tỷ CHF (tương đương 108 tỷ USD) để hỗ trợ thương vụ mua lại khổng lồ này. Chính phủ Thụy Sỹ cũng sẽ chi tối đa 9 tỷ CHF (gần 10 tỷ USD) để bù đắp những khoản lỗ phát sinh từ một số loại tài sản trong một khoảng thời gian xác định trước, mục đích là “để giảm rủi ro của UBS”, thông cáo của chính phủ viết.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Sỹ Karin Keller-Sutter phát biểu tại cuộc họp báo tối 19/3: “Đây là một giải pháp thương mại, không phải cuộc giải cứu của chính phủ”.

Cuộc họp báo ngày 19/3/2023 tại thành phố Bern, Thụy Sỹ. Từ trái qua phải: Chủ tịch Credit Suisse Axel Lehmann, Chủ tịch UBS Colm Kelleher, Bộ trưởng Tài chính Karin Keller-Sutter, Tổng thống Thụy Sỹ Alain Berset, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương (SNB) Thomas Jordan, Chủ tịch Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính Marlene Amstad. (Ảnh: Bloomberg).

Thương vụ UBS mua lại Credit Suisse được dàn xếp vội vã trong hai ngày cuối tuần để có thể được công bố trước khi các thị trường tài chính mở cửa giao dịch vào sáng thứ Hai (20/3), tránh việc nhà đầu tư hoảng loạn và bán tháo.

Cổ phiếu Credit Suisse vừa ghi nhận tuần lao dốc tệ hại nhất kể từ khi COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ hôm 16/3 đã cam kết cho vay tối đa 50 tỷ CHF (tức 54 tỷ USD) để hỗ trợ thanh khoản. 

Trong ba năm từ 17/3/2020 đến 17/3/2023, giá cổ phiếu Credit Suisse lao dốc 70% trong khi UBS tăng 120%. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Jerome Powell) ra thông cáo chung, hoan nghênh thương vụ giữa UBS và Credit Suisse: “Vị thế vốn và thanh khoản của hệ thống ngân hàng Mỹ đang vững mạnh, hệ thống tài chính Mỹ rất dẻo dai. Chúng tôi liên tục giữ liên lạc chặt chẽ với các đối tác quốc tế để hỗ trợ hoạt động triển khai chính sách”.

Tại cuộc họp báo ngày 19/3, ông Axel Lehmann, Chủ tịch Credit Suisse, cho biết sự bất ổn tài chính xuất phát từ việc hàng loạt ngân hàng địa phương tại Mỹ sụp đổ đã tác động tiêu cực tới Credit Suisse đúng lúc ngân hàng đang suy yếu, gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, ngân hàng Thụy Sỹ này báo lỗ 7,3 tỷ CHF (tức 7,9 tỷ USD). Trong 10 năm từ 2012 đến 2022, Credit Suisse phải chi hơn 10 tỷ USD để dàn xếp các vụ kiện tụng và bê bối.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ubs-dong-y-mua-credit-suisse-voi-gia-32-ty-usd-ngan-hang-trung-uong-cho-vay-khan-cap-108-ty-usd-202332061836245.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/