Từng tham vọng trở thành Uber trong bán lẻ giày dép, startup của Việt Nam vừa tuyên bố dừng bước sau 4 năm hoạt động

Không thể tìm kiếm người đồng hành, Founder Saado thông báo đóng cửa công ty.

Trên Facebook cá nhân, Phùng Lê Lâm Hải - nhà sáng lập Saado - startup với sản phẩm dép sandal thương hiệu Việt, đã thông báo chính thức dừng bước sau một thời gian hoạt động. Theo vị CEO, có hai nguyên nhân dẫn đến thất bại của Saado, đó là không gọi được vốn và không có người đồng hành.

Saado đóng cửa và bài học tài chính cho các startup trẻ

Theo Hải, anh chỉ nắm giữ 20% vốn góp trong công ty, không đủ % để biểu quyết, do đó các nhà đầu tư ngần ngại khi rót vốn vào. "Mình chỉ có 20% vốn góp để quyết định dẫn tới rất khó gọi vốn vì các nhà đầu tư không thể đầu tư vào công ty cho linh hồn có số % biểu quyết thấp như vậy. 

Không có bào chữa nào cho vấn đề này ngoài sự thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật và quản trị công ty (governance) vào năm 2017, 2018 khi mình bắt đầu tìm người cùng sáng lập", Lâm Hải chia sẻ. Anh cũng nói rằng bản thân đã gặp được nhiều nhà đầu tư cá nhân nhưng họ muốn cấp vốn cho một deal hoàn toàn mới thay vì một deal khá khó như hiện tại.

Ngoài ra, anh cho biết mình không để vừa lo chuyện gia đình vừa lo công ty khi không có người đồng hành. "Người đồng sáng lập muốn rút vốn vì khó khăn do COVID-19 và cả hai bên không đi đến thống nhất được nên đành dừng lại vì khác nhau nhiều thứ về quan điểm kinh doanh, quản lí điều hành và sự quan tâm thật sự như những người làm 'cha mẹ' cho đứa con này", anh nói.

Tuy nhiên, theo Lâm Hải, vấn đề chủ chốt trong thất bại của startup vẫn là tỷ lệ nắm giữ vốn của người sáng lập quá thấp. Vì điều này không những không tìm kiếm được nhà đầu tư mà ngay cả tìm tài năng đồng hành cũng rất khó, bởi "họ đi làm đâu chỉ vì mỗi lương". 

"Bản thân mình cũng không đủ động lực cho đứa con mà mình chỉ có 20% quyền biểu quyết cho cả trường hợp thành hay không thành của dự án sau này. Kể cả có khi sứ mệnh hoàn thành thì việc bị mất quyền điều hành tại công ty sẽ luôn là một rủi ro cho bản thân mình trong tương lai vốn đang diễn ra ở thì hiện tại", vị CEO bày tỏ.

Từng tham vọng trở thành Uber trong bán lẻ giày dép, startup của Việt Nam vừa tuyên bố dừng bước sau 4 năm hoạt động - Ảnh 1.

Đội ngũ Saado. (Ảnh: Facebook Phùng Lê Lâm Hải).

Anh cho hay công ty không gặp vấn đề gì trong bán hàng vì thương hiệu và mô hình kinh doanh đã được đúc kết rất tinh gọn. Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, tại 5 thị trường của mình công ty có giai đoạn bị đồng loạt lock down (đóng cửa), hàng tồn kho còn nhưng không đủ khả năng để vực dậy công ty.

Hơn nữa, theo Lâm Hải nhận định, các yếu tố về vĩ mô, vi mô và tính hấp dẫn ngành giảm xuống nhiều so với các hạng mục kinh doanh khác ít nhất cho tới 2025 so với mong muốn tầm nhìn tăng trưởng/kỳ vọng cá nhân. 

Đơn cử giá thành nguyên vật liệu tăng, khó cạnh tranh với Trung Quốc nội ngành trong dài hạn về công nghệ và nguồn nguyên vật liệu chi phí xăng dầu/logistic tăng, lạm phát, môi trường kinh doanh thiếu ổn định và chưa biết thị trường khi nào là đáy, dung lượng thị trường không đủ lớn so với kỳ vọng và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Tất cả những lý do trên khiến CEO Saado quyết định dừng bước. "Các yếu tố trên khiến mình ra quyết định dừng lại cuộc chơi này thay vì cố gắng cố chấp hay giữ thể diện cá nhân vì sai lầm không nên có này", anh viết. "Tuyệt đối không bào chữa gì cho các sai lầm cá nhân, coi đó là một trải nghiệm để dạy cho mình bài học về tiền, con người và tài chính".

Từng bán 25.000 đôi giày với chi phí marketing 0 đồng

Ở thời kỳ hoàng kim của mình, Saado đã từng bán 25.000 đôi giày (bán sỉ số lượng lớn) trong vòng 6 tháng với chi phí tiếp thị 0 đồng. Đó là khoảng thời gian Saado mới 1 tuổi và công ty bán giày qua tài khoản mạng xã hội cá nhân nhà sáng lập. Lúc đó, Lâm Hải cho biết mục tiêu của anh là bán 1 triệu đôi giày trong vòng 5 năm tới.

Được thành lập từ năm 2018, Saado là một công ty sản xuất giày và dép cao su siêu nhẹ chủ yếu phục vụ thị trường châu Á. Sau đó, thương hiệu Saado đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam, rồi Lào, Campuchia và Myanmar.

Công ty cũng từng bước xâm nhập thị trường Thái Lan, Nepal và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Saado cũng hướng tới thị trường Mỹ qua kênh phân phối của Amazon. Trong một bài phát biểu, Hải từng hy vọng sẽ tiếp tục nâng cao vị thế của ngành sản xuất giày dép Việt Nam trên trường thế giới, khi mà Việt Nam đang là nước xuất khẩu giày dép nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

"Việt Nam luôn được biết đến như là công xưởng, là nơi sản xuất là những sản phẩm của thế giới. Thế nhưng sản phẩm của chúng ta lại hiếm khi được công nhận với đại đa số người dùng. Qua Saado, tôi muốn thay đổi thực trạng này", Lâm Hải từng chia sẻ. 

Khi đó, nhà sáng lập trẻ còn ôm tham vọng biến Saado trở thành "Uber trong thi trường bán lẻ". Với hệ thống bán lẻ và chuỗi cung ứng sẵn có, Saado tự tin có thể giúp những sản phẩm của những công ty khởi nghiệp khác đến tay khách hàng nhanh hơn. 

Hệ thống giáo dục hiện tại của Việt Nam không giúp các bạn trẻ có thêm kinh nghiệm kinh doanh và tôi muốn hỗ trợ thế hệ kế cận bằng cách trao cơ hội cho họ để có thể giúp các công ty khởi nghiệp vươn ra thị trường quốc tế", Lâm Hải chia sẻ về tham vọng của mình.

Để làm điều đó, Saado đã hỗ trợ về dịch vụ khách hàng, hậu cần và kho bãi trong khi các startp chỉ cần cung cấp hàng như đúng đơn đặt của khách. Mô hình kinh doanh của Saado đã đoạt giải thưởng "Ý tưởng kinh doanh sáng tạo nhất châu Á" năm 2018. Ngoài ra, Saado cũng là một trong ba startup của Việt Nam được trình bày ý tưởng tại chương trình SEPT dành cho các doanh nhân quốc tế tại đại học Leipzig, Đức.

Chia sẻ về quyết định dừng bước, Lâm Hải nói rằng anh sẽ chịu trách nhiệm chính cho tới khi có phán quyết về các nghĩa vụ liên quan như trách nhiệm dưới góc độ luật pháp. 

"Xin hết và điều mong cầu duy nhất không phải là những lời an ủi cho những dại khờ, tình yêu, mong cầu, hy vọng, khát khao, những đêm thức trắng, tâm huyết, hàng giờ bay trên không đi tìm cơ hội nghiên cứu và phát triển thị trường mà bản thân đã trải qua, học được những bài học về con người và làm người đối với mình giá trị hơn rất nhiều. 

Nếu anh em quý mình sẽ hiểu tính mình. Mình đóng cánh cửa này với tinh thần trách nhiệm cao nhất và sẽ tìm và bắt đầu với một hành trình 'tiếp nối sứ mệnh' xây dựng thương hiệu quốc tế tiếp theo tại một brand (thương hiệu) nào đó".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tung-tham-vong-tro-thanh-uber-trong-ban-le-giay-dep-startup-cua-viet-nam-vua-tuyen-bo-dung-buoc-sau-4-nam-hoat-dong-20220308075237703.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/