Từ đề xuất mua lại ACV đến những khoản lãi khủng của hệ sinh thái bao quanh các cảng hàng không

Từ ông lớn cảng hàng không ACV cho đến những hãng vận tải hành khách hàng đầu Vietnam Airlines, Vietjet đều khó có thể làm ngơ trước sức hấp dẫn của ngành dịch vụ phụ trợ tại các sân bay.

Những ngày đầu tháng 9, dư luận xôn xao bởi đề xuất mua lại cổ phần ACV được Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị đến Thủ tướng, trong dự thảo đề án quản lí, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hàng không.

Động thái trên bắt nguồn từ việc sau khi cổ phần hóa ACV, vì lí do an ninh nên các khu bay như đường băng, đường lăn được xếp vào diện thuộc quản lí và do Nhà nước bố trí kinh phí duy tu, sửa chữa.

Tuy nhiên, Nhà nước đến nay chưa bố trí được vốn còn ACV có nguồn lực nhưng lại không được làm do vướng cơ chế.

Giữa nhiều nguồn dư luận trái chiều, có ý kiến cho rằng việc cổ phần hóa ACV giống như đã chào bán mặt tiền kinh doanh, trong khi Nhà nước lại phải lo việc sửa sang hạ tầng để cho doanh nghiệp khai thác, thu lợi.

ACV anh

ACV sở hữu 22 cảng hàng không trên khắp cả nước, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế. Hoạt động kinh doanh lãi lớn, doanh nghiệp này tích lũy được lượng tiền, tiền gửi lên đến gần 32.200 tỉ đồng tính đến hết tháng 9/2019.

Hệ sinh thái bao quanh các sân bay thu lãi lớn

Ngành hàng không bao gồm chuỗi dịch vụ từ vận tải, cảng đến các dịch vụ phụ trợ. Trong chuỗi giá trị ngành, cảng hàng không là nơi chịu trách nhiệm cung cấp cơ sở hạ tầng cho hầu hết các hoạt động kinh doanh khác ngoài vận tải hàng không.

ACV sở hữu 22 cảng hàng không trên khắp cả nước, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế. Là doanh nghiệp ở vị thế độc quyền trong một ngành có triển vọng tăng trưởng rõ ràng tạo nên sức hút của ACV, khi cổ phiếu của doanh nghiệp này đã tăng gần 140% tính từ ngày đầu tiên lên sàn giao dịch UPCoM.

9 tháng đầu năm 2019, ACV đạt doanh thu thuần 13.500 tỉ đồng và báo lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) hơn 5.898 tỉ đồng, con số đưa ACV vào hàng ngũ những doanh nghiệp đại chúng có lãi lớn nhất.

Dịch vụ hàng không bao gồm: dịch vụ hạ cất cánh máy bay; các dịch vụ phục vụ mặt đất, soi chiếu an ninh dành cho hàng hóa; dịch vụ dành cho hành khách như nhà ga, phòng chờ.

Dịch vụ phi hàng không bao gồm những dịch vụ như cho thuê mặt bằng, quảng cáo, bán hàng miễn thuế, cung cấp các tiện ích, giải trí cho hành khách tại cảng hàng không.

Cả 2 loại hình dịch vụ kể trên gọi chung là dịch vụ phụ trợ hàng không.

Khoảng 80% doanh thu của ACV đến từ việc cung cấp dịch vụ hàng không, phần còn lại là các dịch vụ phi hàng không.

Trong mảng dịch vụ hàng không, ACV còn sở hữu 13% cổ phần tại CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC - Mã: SCS). Chiếu theo mức vốn hóa thị trường của SCSC, giá trị của khoản đầu tư của ACV đang có giá trị xấp xỉ 980 tỉ đồng.

SCSC, với địa bàn hoạt động chủ yếu gói gọn trong sân bay Tân Sơn Nhất, là doanh nghiệp chiếm 35% thị phần dịch vụ nhà ga hàng hóa quốc tế và nội địa Việt Nam. 

Trên thị trường chứng khoán, SCSC đang được các nhà đầu tư định giá với giá trị hơn 7.470 tỉ đồng.

Cơ sở cho mức giá đó, lũy kế 9 tháng, SCSC đạt doanh thu thuần 549 tỉ đồng và lãi ròng 367 tỉ đồng. Công ty đã duy trì được đà tăng trưởng trong một giai đoạn dài, tuy có giảm tốc lại trong năm 2019, nhưng viễn cảnh tiềm năng vẫn rất sáng sủa.

Quĩ đầu tư Vietnam Holding, đang quản lí gần 150 triệu USD, từng bày tỏ sự lạc quan về SCSC, đồng thời cho biết doanh nghiệp này là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Quĩ tại Việt Nam.

Một khoản đầu tư khác của ACV là 48% cổ phần tại CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS - Mã: SGN).

Hoạt động mang lại hầu hết doanh thu của SAGS là phục vụ hành khách, hành lí và cả máy bay khi còn tiếp đất, bao gồm: thủ tục hàng không, thu vé giờ chót, vận chuyển hành lí, điều phối chuyến,… phần còn lại là dịch vụ phi hàng không.

Những công việc đó đem về cho SAGS hơn 1.145 tỉ đồng doanh thu trong 3 quí đầu năm, cùng khoản lợi nhuận ròng hơn 237 tỉ đồng.

Với mảng dịch vụ phi hàng không của ACV, ngoài 1.580 tỉ đồng doanh thu ghi nhận vào kết quả kinh doanh 9 tháng, Công ty còn sở hữu 49% CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO - Mã: SAS).

SASCO, với mũi nhọn là bán hàng miễn thuế, còn được hậu thuẫn bởi Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group, sở hữu 25% SASCO) của "ông vua hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn.

Độc quyền kinh doanh hàng miễn thuế tại sân bay nhộn nhịp Tân Sơn Nhất, SASCO thu bình quân gần 3,6 tỉ đồng/ngày, tính riêng mảng này, trong 9 tháng đầu năm nay.

Bên cạnh đó, SASCO cũng cung cấp một loạt dịch vụ như phòng chờ, nhà hàng, quảng cáo hay dịch vụ đưa đón tại cảng hàng không,…

Lũy kế cả 3 quí đầu 2019, doanh nghiệp này đạt tổng doanh thu 2.113 tỉ đồng và lãi ròng gần 323 tỉ đồng.

sasco hang mien thue

Một cửa hàng miễn thuế của SASCO tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. (Nguồn: SASCO)

Ngoài những cái tên trong hệ thống ACV, còn không ít doanh nghiệp khác vẫn đang thu lãi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm từ việc cung cấp các dịch vụ bao quanh các cảng hàng không.

Từ việc hành khách đặt chuyến taxi, xe buýt đến sân bay, mua một món hàng miễn thuế hay bước qua cánh cửa soi chiếu, ăn một suất ăn trên máy bay,… từng khâu một đều đang được các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, kiếm lời.

Và không chỉ riêng hành khách, những đối tượng từ hàng hóa cho đến máy bay cũng được phục vụ tận tình với các dịch vụ sân đậu, cung cấp nhiên liệu, soi chiếu, dịch vụ mặt đất,…

Theo một báo cáo của công ty chứng khoán FPT (FPTS), các dịch vụ phi hàng không tại 2 cảng Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn còn khá rời rạc và đơn giản, chưa triển khai được một chuỗi các dịch vụ nhà ga sân bay tích hợp.

Cùng với đó, tỉ trọng hành khách quốc tế qua hệ thống cảng tại Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực, trong khi đây là nhóm khách hàng có thể khai thác phí phục vụ ở mức cao.

Hai yếu tố này vừa là hạn chế hiện hữu nhưng cũng cho thấy tiềm năng phát triển lớn của ngành cảng hàng không và các dịch vụ đi kèm.

Các hãng hàng không tham gia chia phần

Lĩnh vực vận tải hàng không tăng trưởng vốn là nguồn cội cho sự phát triển của ngành dịch vụ phụ trợ. Các hãng hàng không từ đó cũng không thể làm ngơ với phần chia tại hệ sinh thái béo bở bao quanh các sân bay.

Như Vietnam Airlines, đang sở hữu cổ phần tại một loạt các đơn vị hoạt động trong ngành dịch vụ phụ trợ hàng không.

Khoản đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực này của hãng hàng không với biểu tượng sen vàng là CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (NCTS - Mã: NCT). Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, NCTS đạt doanh thu 509 tỉ đồng và báo lãi ròng 175 tỉ đồng.

Mới đây, hãng hàng không giá rẻ Vietjet cũng đã có văn bản xin phép Cục hàng không cho phép tự triển khai dịch vụ phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh từ đầu năm sau.

doanh nghiep hang khong dich vu phu tro

Danh sách những doanh nghiệp lớn trong ngành dịch vụ phụ trợ hàng không. (Nguồn: FPTS, TV tổng hợp)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tu-de-xuat-mua-lai-acv-den-nhung-khoan-lai-khung-cua-he-sinh-thai-bao-quanh-cac-cang-hang-khong-20191114160436507.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/