Từ Bắc đến Nam cùng 'đánh, đuổi' dịch tả heo châu Phi

Dịch tả heo châu Phi vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại các tỉnh, thành trên cả nước. Cơ quan chức năng và người dân dồn mọi nguồn lực để bảo vệ ngành chăn nuôi heo của địa phương.

'Báo động đỏ' về dịch tả heo châu Phi

Ninh Bình

Theo báo Ninh Bình, ngày 14/5, TP Tam Điệp nhận được tin báo có 2 hộ nuôi heo rừng tại thôn 12 xã Đông Sơn có hiện tượng heo ốm chết, các cơ quan chức năng của huyện đã xuống lấy mẫu, gửi đi xét nghiệm, cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF). Đến ngày 17/5, tiếp tục có 2 hộ ở thôn Yên Phong và thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn trình báo nghi heo mắc bệnh, tổng đàn khoảng 1.200 con.

Trước đó, huyện Nho Quan ngày 1/4, nhận được báo cáo của hộ dân tại thôn Ngải, xã Văn Phong về việc đàn lợn của gia đình bị ốm, chết nghi mắc bệnh dịch ASF. Đến đầu tháng 5/2019, huyện Nho Quan đã công bố hết dịch.

Tuy nhiên, đến nay dịch tả heo châu Phi lại bùng phát và lây lan nhanh trên huyện Nho Quan, tính đến ngày 19/5, đã có 13 xã có dịch tả heo châu Phi. Huyện Nho Quan đã tiêu hủy gần 1.100 con với tổng trọng lượng khoảng 76.000 kg. 

Nam Định

Tính đến ngày 20/5, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) đã có 20/20 xã, thị trấn xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi. 1.575 hộ hộ dân tiêu hủy 11.409 con heo, tổng trọng lượng tiêu hủy 563,1 tấn.

Trong đó, xã Nam Hồng và Nam Hùng là những nơi có số heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi cao của huyện Nam Trực. Cụ thể, tại xã Nam Hồng đã tiêu hủy 1.204 con, chiếm trên 80% tổng đàn heo của xã; xã Nam Hùng sau 36 ngày kể từ ngày phát sinh ổ dịch đầu tiên đến nay đã tiêu hủy 1.659 con, với tổng trọng lượng phải tiêu hủy là 86,1 tấn, số heo phải tiêu hủy chiếm gần 70% tổng đàn heo của xã.

Thanh Hóa

Theo báo Thanh Hóa, hiện bệnh dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 35 hộ gia đình ở 9 thôn thuộc các xã Nam Giang, Xuân Thiên, Thọ Hải (huyện Thọ Xuân), buộc phải tiêu hủy 122 con heo với trọng lượng gần 6,3 tấn.

Hà Giang

Tại tỉnh Hà Giang, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại xã Tân Trịnh thuộc huyện Quang Bình với tổng số heo bị bệnh phải tiêu hủy là 55 con, trọng lượng trên 2.100kg. 

Yên Bái

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái), ngày 15 - 16/5, trên địa bàn đã xuất hiện ổ bệnh dịch tả heo châu Phi tại hộ gia đình ông Mông Văn Tiếng, thôn Cốc Bó, xã Liễu Đô.

UBND huyện đã chỉ đạo ngành chức năng, UBND xã Liễu Đô tiêu hủy toàn bộ số heo mắc bệnh trong ngày 17/5 với tổng số 72 con, tổng trọng lượng gần 4,6 tấn. 

Tuy nhiên đến ngày 19/5, huyện Lục Yên phát hiện thêm các tình trạng heo chết chưa rõ nguyên nhân tại các xã Lâm Thượng, Khai Trung, Tân Phượng với tổng số heo chết là 49 con.

Thừa Thiên Huế

Ông Nguyễn Đắc Tập, Phó Chủ tịch UBND Thị xã Hương Thủy, thông tin trong hai ngày 18 và 19/5, một hộ dân tại phường Phú Bài có 2 trong số đàn lợn 8 con chết không rõ nguyên nhân.

Sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng thị xã đã đến lấy mẫu máu gửi xét nghiệm, đồng thời tiêu hủy 2 con heo chết bằng cách chôn lấp và rắc vôi, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh. Đến tối 20/5, kết quả mẫu xét nghiệm cho thấy dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi.

Tại TP Huế, dịch ASF đã xuất hiện ở phường An Tây với 7 con heo chết và tiêu hủy, tổng trọng lượng là 290 kg.

Hà Nam

Xã Văn Xá thuộc huyện Kim Bảng là xã có dịch tả heo châu Phi đầu tiên của tỉnh Hà Nam. Tại xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân dịch cũng đã lây lan đến từ ngày 16/4.

Điện Biên

Theo thông tin từ Trạm Thú y huyện Điện Biên Đông, đến nay ngoài Pú Nhi là xã đầu tiên xuất hiện dịch ngày 4/4 thì đến nay huyện Điện Biên Đông có thêm 4 xã có dịch tả heo châu Phi, gồm Mường Luân, Phì Nhừ, Chiềng Sơ, Phình Giàng. 

Huyện đã tổ chức tiêu hủy 303 con heo mắc dịch và nguy cơ mắc dịch ASF.

Từ Bắc đến Nam cùng đánh, đuổi dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1.

Dịch tả heo châu Phi đang lay rộng tại nhiều địa phương của cả nước.

Khẩn trương phòng, chống dịch tả heo châu Phi 'như đánh giặc'

Ninh Bình

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan có nhiều trang trại qui mô lớn, vì vậy việc chủ động phòng chống dịch bệnh tả heo châu Phi là rất cần thiết và cấp bách.

Những việc làm cần triển khai ngay lúc này là tiêu hủy triệt để số heo đã mắc bệnh theo đúng qui trình, đảm bảo vệ sinh môi trường, sớm hoàn thành kịch bản ứng phó với dịch tả heo châu Phi, gửi về Sở NN&PTNT để tổng hợp, nghiên cứu, xây dựng kịch bản chung cho toàn tỉnh.

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các hộ chăn nuôi trong việc chăm sóc, phòng bệnh cho đàn heo...

Hà Nam

Ngay sau khi công bố có dịch, tỉnh Hà Nam đã triển khai đồng bộ những biện pháp chống dịch như thành lập các chốt kiểm soát, tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc, tiêu hủy heo bệnh.

Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Phú Phúc, một trong những xã có số lượng lớn heo bệnh phải tiêu hủy, cho biết dịch diễn ra trong thời gian dài và hầu như ngày nào cũng phải tiêu hủy heo bệnh. Vì thế, nếu lãnh đạo xã không trực tiếp tham gia chống dịch thì rất khó khăn trong việc huy động lực lượng.

Ông Đỗ Thế Trọng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT Bình Lục, nhận định hiện nay, dịch tả heo châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, tăng nhanh cả về số xã, số hộ chăn nuôi có dịch và lượng heo phải tiêu hủy. 

Mặc dù đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, nhưng tổng đàn lợn của xã Ngọc Lũ (Bình Lục) lên đến gần 45.000 con vẫn được duy trì, do xã tập trung khoanh vùng dập dịch có hiệu quả, hạn chế lây lan, Phó Trưởng phòng NN&PTNT Bình Lục cho hay.

Từ Bắc đến Nam cùng đánh, đuổi dịch tả heo châu Phi - Ảnh 2.

Các địa phương đang tập trung thực hiện các biện pháp chống dịch như thành lập các chốt kiểm soát, tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc.

Nam Định

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhấn mạnh, ngành NN&PTNT phải thường xuyên theo dõi hướng dẫn các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, nắm chắc tổng đàn heo trước khi xảy ra dịch cũng như số lượng từng loại heo hàng ngày phải tiêu hủy để đảm bảo thống kê chính xác. 

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền để người dân khi phát hiện heo ốm, heo chết phải báo ngay cho lực lượng thú y cơ sở, chính quyền địa phương biết để có biện pháp xử lí...

UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan của việc hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi.

Thanh Hóa

Theo UBND huyện Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), huyện triển khai dập tắt ổ dịch, hướng dẫn cụ thể hộ chăn nuôi và cán bộ thú y địa phương áp dụng các biện pháp như tiêu hủy, tiêu độc, khử trùng, xử lý ổ dịch; cách ly, khoanh vùng để tránh lây lan trên diện rộng, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi cũng như ngành nông nghiệp. 

Đồng thời, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo mắc bệnh, triển khai tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc cấp độ cao ở vùng có dịch, vùng uy hiếp 1 ngày 1 lần trong tuần đầu tiên và các vùng xung quanh 3 lần/tuần, thực hiện liên tiếp trong 3 tuần. 

Cùng với đó, vận động người chăn nuôi cam kết "5 không": Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo chết, heo bệnh; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt xác heo chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý.

Huyện Thọ Xuân duy trì các chốt kiểm dịch kiểm soát 24/24 giờ việc vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn. Tổ chức nhập bổ sung hàng trăm lít hóa chất để cấp phát cho các xã, thị trấn tiến hành phun tiêu độc khử trùng...

Từ Bắc đến Nam cùng đánh, đuổi dịch tả heo châu Phi - Ảnh 3.

Heo mắc bệnh sẽ được tiến hành tiêu hủy và triển khai tổng vệ sinh khử trùng.

Hà Giang

Ngày 20/5, Sở NN&PTNT đã có Công văn số 643/SNN-CTY gửi các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố về việc triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên tỉnh.

Sở đề nghị huyện Quang Bình công bố dịch bệnh dịch tả heo châu Phi trên huyện theo qui định; phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y xác định vùng dịch, vùng bị uy hiếp, vùng đệm để tập trung chỉ đạo khoanh vùng, xử lí ổ dịch; thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển heo, sản phẩm từ heo và phun tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào vùng dịch. 

Bên cạnh đó, chỉ đạo cấp xã thành lập ngay các Tổ công tác tiêu hủy, chốt chặn, giám sát dịch, tổ phản ứng nhanh để thực hiện các biện pháp chống dịch... Hỗ trợ người chăn nuôi có heo phải tiêu hủy theo qui định.

Yên Bái

Ông Triệu Văn Thuộc, Phó chủ tịch UBND xã Mường Lai cho biết: "UBND xã đã tiến hành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh, trực 24/24 giờ tại các trục đường vào xã; tuyên truyền trên Đài Truyền thanh xã về tác hại của bệnh dịch tả heo châu Phi và giải pháp phòng, chống".

Không chỉ có xã Mường Lai, các xã giáp ranh với các huyện như Minh Tiến, Lâm Thượng.. cũng tăng giám sát tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi.

Tại huyện Lục Yên, ông Hoàng Xuân Đán, Phó chủ tịch UBND huyện cho hay: "Ngay sau khi xảy ra ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi tại xã Liễu Đô, UBND huyện đã chỉ đạo các xã thành lập các trạm chốt để khoanh vùng, ngăn ngừa tình trạng vận chuyển, đưa heo không rõ nguồn gốc vào huyện".

Điện Biên

Đánh giá tình hình dịch tả heo châu Phi vẫn có diễn biến phức tạp và nguy cơ lan rộng, huyện Điện Biên Đông yêu cầu những nơi có dịch cần công bố dịch, tổ chức tiêu hủy heo bệnh, lập chốt và duy trì trực các chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, tổ chức tiêu độc khử trùng bằng hóa chất và vôi bột theo đúng qui trình phòng, chống dịch.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhằm sớm phát hiện các trường hợp heo ốm, chết để có biện pháp xử lý, bao vây dập dịch không để lây lan ra diện rộng.

Thừa Thiên Huế

Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết hiện đang là thời điểm "dầu sôi lửa bỏng" của công tác phòng chống dịch; trong khi 3 địa phương Hương Văn, Hương Vinh, Hương Phong chưa phát sinh ổ dịch mới thì 2 phường Hương Chữ và Hương An tiếp tục phát hiện dịch. 

Do đó, ngoài việc nghiêm ngặt việc xử lí, chôn lấp, vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực ổ dịch và vùng lân cận, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cũng yêu cầu các địa phương có phương án dự phòng chống dịch như chuẩn bị các vị trí chôn lấp, lực lượng, thiết bị, phương tiện vận chuyển tránh bị động khi thực hiện.

Ngoài ra, thị xã cũng sẽ hỗ trợ một phần kinh phí phòng chống dịch ngoài kinh phí của địa phương chủ động. Các xã, phường có dịch khẩn trương kiểm tra cam kết của các hộ nuôi; địa phương có nguy cơ phải rà soát lại tổng đàn heo; không để xảy ra tình trạng "biến heo lành thành lợn chết" để chờ hỗ trợ trong thời điểm giá lợn có thể xuống thấp do tiêu thụ hạn chế.

Từ Bắc đến Nam cùng đánh, đuổi dịch tả heo châu Phi - Ảnh 4.

Cơ quan chức năng, địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa dịch ASF.

Long An

UBND tỉnh Long An tuyên truyền, vận động, tiêu độc, khử trùng đến kiểm dịch. 

Biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch tả heo châu Phi hiện nay vẫn là phòng bệnh. UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng tăng cường rà soát các chợ, điểm trung chuyển, điểm tập kết, cơ sở giết mổ gia súc tập trung; xử lý nghiêm trường hợp hợp buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. 

Thành lập các trạm kiểm soát ở một số địa phương, trục lộ giao thông; kiểm tra, giám sát tuyến biên giới để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

Về phía người chăn nuôi cần cam kết thực hiện "5 không".

Vĩnh Long

Để phòng dịch xâm nhiễm vào chuồng trại, ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) khuyến cáo việc người chăn nuôi cần phải làm ngay là phải cách ly chuồng trại với các nguồn có nguy cơ mang mầm bệnh, không cho người lạ vào khu vực chuồng trại, ra vào phải thay quần áo, sát trùng, đồng thời tích cực tiêu độc khử trùng trong và ngoài khu vực chăn nuôi. 

Ngoài ra, chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn được xem là giải pháp giúp người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Song song đó, ngành chức năng cũng thực hiện "5 không".

Từ Bắc đến Nam cùng đánh, đuổi dịch tả heo châu Phi - Ảnh 5.

Các chốt kiểm dịch động vật tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển heo, sản phẩm từ heo và thực hiện phun tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào vùng dịch.

Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau

Trước tình hình dịch tả heo châu xảy ra tại Hậu Giang, những địa phương lân cận đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch bệnh vào tỉnh.

Sóc Trăng thành lập thêm 2 chốt kiểm dịch lưu động trên tuyến Quản lộ Phụng Hiệp và Quốc lộ Nam Sông Hậu, ngoài các chốt kiểm dịch đã có sẵn trước đây, trực 24/24 để kiểm soát vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo vào địa bàn cũng như quá cảnh qua tỉnh.

Tại Huyện Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre) đã lập 17 tổ cấp xã và 129 tổ tại ấp, khu phố để xử lý và tiêu hủy heo bệnh; đóng các chốt chặn kiểm soát không cho vận chuyển heo ra vào địa bàn khi có dịch; vận động hộ chăn nuôi xử lí và chôn lấp heo bệnh ngay tại nhà, không bán đổ bán tháo heo bệnh; không vứt xác heo ra môi trường...

Tại Cà Mau, theo báo cáo mới nhất từ các trạm kiểm soát, chốt chặn kiểm tra phương tiện vận chuyển heo nhập tỉnh trên địa phận huyện Thới Bình, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận các phương tiện vận chuyển không đảm bảo.

Đồng Nai

Bên cạnh các giải pháp phòng, chống dịch lay lan, tại Đồng Nai, Sở Công thương phối hợp với Sở NN&PTNT kêu gọi khoảng 12 doanh nghiệp trên lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt heo thống nhất biện pháp thu mua, giết mổ heo và cấp trữ đông thịt heo để đảm bảo nguồn cung thịt heo.

Vấn đề được nhiều sở ngành, doanh nghiệp quan tâm nhất là việc đầu tư xây dựng kho để cấp đông. Vì hiện các doanh nghiệp tuy có kho nhưng số lượng cấp đông rất nhỏ chỉ từ 500 - 1.000 kg.

Do vậy, các doanh nghiệp thống nhất sẽ thuê kho cấp đông ở các tỉnh khác như Bình Dương hay TP HCM để dự trữ thịt heo để giảm bớt nỗi lo heo không có nơi tiêu thụ và khi dịch đi qua sẽ thiếu thịt heo.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi – Thú y tỉnh Đồng Nai, cho rằng cấp đông chỉ là giải pháp tình thế trong tình hình hiện nay. Cơ sở giết mổ cần phải đảm bảo đủ năng lực, điều kiện vệ sinh thú y theo quy định; khi cấp đông cần phải cấp đông sâu từ âm 25 độ C đến âm 40 độ C thì mới bảo quản được thịt trong thời gian dài. Đồng thời phải được sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tu-bac-den-nam-cung-danh-duoi-dich-ta-heo-chau-phi-2019052210504155.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/