Trước thềm Black Friday, so găng chuyện làm ăn của các đại gia kinh doanh hàng hiệu ở Việt Nam

Trong những ngày cận kề Black Friday, khi người ta bận chen chân để tìm mua những món hàng xa xỉ với mức giá siêu khuyến mại thì đây cũng là lúc các đại gia kinh doanh hàng hiệu 'xắn tay' vào mùa thu hoạch lớn nhất năm.

Ngày "Thứ Sáu đen" được ấn định là ngày ngay sau Lễ tạ ơn, ngày lễ của người Mỹ được tổ chức vào Thứ Năm của tuần thứ 4 trong tháng 11 hàng năm. Từ những năm 1950, khái niệm này dần được phổ biến trên toàn thế giới như một ngày hội của những tín đồ mua sắm. 

Riêng ở góc độ doanh nghiệp, Black Friday còn được coi là mùa thu hoạch lớn nhất năm bởi đây là thời điểm mà các công ty tích cực tung ra mức giá hấp dẫn nhằm thúc đẩy tiêu dùng và "bôi đen" con số lợi nhuận của mình (Trước đây, để tiện theo dõi sổ sách, kế toán thường dùng mực đen để ghi lợi nhuận và mực đỏ để ghi số lỗ). Đây cũng là lí do mà ngày Thứ sáu đặc biệt này được gắn liền với màu đen thay vì đỏ hay bất kì một màu sắc nào khác.

Riêng đối với năm 2020, khi nền kinh tế toàn cầu đang hứng chịu những chấn thương do COVID-19 gây ra, vai trò của Black Friday dường như lại càng quan trọng hơn và được hi vọng sẽ giúp cải thiện kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam "ngược dòng" nhờ... COVID-19

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có dấu hiệu nào cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát tại Mỹ và các nước châu Âu. Việc người dân hạn chế đến những nơi đông người như trung tâm thương mại và có xu hướng dành dụm tiền để chi tiêu vào các vật dụng thiết yếu hơn khiến cho nhu cầu mua sắm sản phẩm thời trang mắc tiền giảm đi nhanh chóng.

Được biết, chỉ trong ba tháng từ tháng 3 đến tháng 5/2020, hãng thời trang H&M của Thụy Điển ghi nhận khoản lỗ gần 5 tỉ kronor (tương đương 534 triệu USD), tổng doanh thu của hãng thời trang này giảm 50% so với cùng kì năm ngoái, xuống còn 28,7 tỉ kronor. Hiện H&M đã phải đóng của khoảng 350 cửa hàng, tương đương 7% số cửa hàng của doanh nghiệp này trên toàn thế giới.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Nike cũng không khá khẩm hơn với mức lỗ lên tới 790 triệu USD, doanh thu công ty này giảm 38%, xuống còn 6,3 tỉ USD chỉ sau ba tháng. Riêng tại Bắc Mỹ, thị trường lớn nhất của Nike, doanh thu đã giảm tới 46%.

Khi màu sắc u ám đang bao phủ gần như toàn bộ nền công nghiệp thời trang thế giới, thì tại Việt Nam, nơi dịch bệnh được chính phủ kiểm soát tốt hơn, "ông vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn lại đang hồ hởi chia sẻ kết quả kinh doanh tăng trưởng chưa từng thấy.

Trước thềm Black Friday, so găng chuyện làm ăn của các đại gia kinh doanh hàng hiệu ở Việt Nam - Ảnh 1.

Johnathan Hạnh Nguyễn lại đang hồ hởi chia sẻ kết quả kinh doanh "nở hoa" giữa mùa COVID-19. Ảnh: chụp màn hình từ sự kiện Café Doanh nhân HUBA.

Cụ thể, tại sự kiện Cafe Doanh nhân HUBA được tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, ông Hạnh cho biết: "Trong khi nhiều người đang lo ngại về những khó khăn mà COVID-19 gây ra, thì tình hình kinh doanh hàng hiệu của tôi lại trái ngược 100%. Bởi trong lúc dịch bệnh xảy ra, các quí ông, quí bà không bay sang Singapore, Hongkong hay nước khác để mua sắm nữa, mà mua tại Việt Nam."

Ông Hạnh cũng cho biết thêm, trong khoảng thời gian vừa qua, doanh thu mảng hàng hiệu đã tăng trưởng 15%. Bên cạnh đó, chi phí công ty còn giảm được 20% do tiền thuê nhà được giảm và công ty tập trung vào các kênh mua sắm online. Chính những điều chưa từng có tiền lệ này đã giúp cho lợi nhuận của ông vua hàng hiệu được đẩy lên bao giờ hết.

Ông Hạnh không phải là người duy nhất có cái nhìn lạc quan về thị trường bán lẻ đồ xa xỉ tại Việt Nam. Mới đây, cùng với việc tư vấn thành công cho kế hoạch mở hai cửa hàng flaship của Louis Vuitton và Christian Dior, Savills nhận định: "Thị trường bán lẻ đồ xa xỉ tại Việt Nam vẫn khá ổn định với nhu cầu nội địa được ghi nhận không sụt giảm quá nhiều, dù lượng khách du lịch quốc tế có giảm".

Trước những thông tin khả quan về triển vọng của thị trường phân phối hàng hiệu tại Việt Nam, thật khó để không tò mò về hoạt động của những doanh nghiệp đứng sau các nhãn hiệu đắt tiền như Rolex, Hermes, Burberry, Bvlgari, ... những thương hiệu mà mọi tín đồ thời trang đều mơ ước. 

Cuộc chơi của IPP và Tam Sơn ở phân khúc xa xỉ

Là một trong những người đầu tiên đưa các món hàng xa xỉ ở trời Tây về Việt Nam, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đã sớm xây dựng cho mình một vị thế đáng nể trên thị trường phân phối hàng hiệu.

Hai công ty con đảm nhiệm việc kinh doanh thời trang của IPP là Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC)Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC).

Trước thềm Black Friday, so găng chuyện làm ăn của các đại gia kinh doanh hàng hiệu ở Việt Nam - Ảnh 2.

Các thương hiệu mà ACFC phân phối. Đồ họa: HM

Trong khi DAFC là đơn vị phân phối loạt nhãn hiệu cao cấp như Burberry, Bvlgari, Cartier, Rolex, Versace... thì ACFC lại là người tiên phong trong việc mang thời trang của Tommy Hilfiger, GAP, Levi's, Diesel, Mango, Nike,... về Việt Nam.

Tính riêng năm 2019, tổng doanh thu hai công ty này đạt mức 3.054 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 194 tỉ đồng.

Trước thềm Black Friday, so găng chuyện làm ăn của các đại gia kinh doanh hàng hiệu ở Việt Nam - Ảnh 3.

Đối thủ đáng gờm nhất của IPP trong phân khúc hàng cao cấp là Công ty CP Tam Sơn - thành viên của Tập đoàn Openasia. 

Chính thức mở cửa hàng đầu tiên vào năm 2005, Công ty CP Tam Sơn được biết đến với việc mang Hermès và Kenzo tới Việt Nam. Sau 15 năm phát triển, hiện công ty đang quản lí gần 20 cửa hàng bán lẻ tại các vị trí trung tâm ở Hà Nội và TP HCM, phân phối loạt thương hiệu đình đám khác như Bottega Veneta, Saint Laurent, Boss Hugo, Patek Philippe...

Trước thềm Black Friday, so găng chuyện làm ăn của các đại gia kinh doanh hàng hiệu ở Việt Nam - Ảnh 4.

Hermes - Một trong những thương hiệu xa xỉ nhất hành tinh được phân phối bởi Tam Sơn. Ảnh: Tam Sơn

Dù chưa đạt mức doanh thu khủng như IPP, nhưng Tam Sơn lại là "quán quân" trong cuộc đua kiếm lời từ kinh doanh hàng xa xỉ phẩm cho tầng lớp trung và thượng lưu. 

Kết thúc năm 2019, Tam Sơn thu về 263 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, trên tổng doanh thu 1.931 tỉ đồng. Như vậy, tỉ suất lợi nhuận/doanh thu của của công ty này ở mức 13.6%, cao gấp đôi so với con số 6,5% của 2 công ty nhà ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Trước thềm Black Friday, so găng chuyện làm ăn của các đại gia kinh doanh hàng hiệu ở Việt Nam - Ảnh 5.

Tranh nhau chiếc bánh ở phân khúc thấp hơn

Đánh vào phân khúc sản phẩm bình dân hơn IPP và Tam Sơn, Công ty CP Maison Retail Management International của bà Phạm Thị Mai Son hiện đang phân phối loạt nhãn hiệu Charles & Keith, Pedro, Puma, Topman, Mango, Maxmara, Karen Millen, Coast, Bebe, Warehouse, Oasis.. mức giá của mỗi sản phẩm này dao động từ khoảng 800.000 đồng/sp đến vài chục triệu đồng.

Với hệ thống hơn 60 cửa hàng trên toàn quốc, doanh thu của Maison không ngừng tăng trưởng. Từ mức 856 tỉ đồng năm 2016, đến năm 2019, doanh thu công ty này đạt mức 1.494 tỉ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của công ty đạt 78 tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận/doanh thu ở mức 5%.

Trước thềm Black Friday, so găng chuyện làm ăn của các đại gia kinh doanh hàng hiệu ở Việt Nam - Ảnh 4.

Maison tung loạt chương trình khuyễn mại mùa Black Friday dành cho các thương hiệu đình đám. Ảnh: Maison.

Nhận ra sức hấp dẫn của thị trường kinh doanh thời trang tại Việt Nam, các nhãn hàng nước ngoài đình đám như Zara, H&M và gần đây nhất là Uniqlo cũng đã hội tụ tại Việt Nam để tranh thị phần.

Là thành viên của tập đoàn Inditex, một trong những tập đoàn bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới, Zara được phân phối tại Việt nam bởi công ty Mitra Adiperkasa, đây là một đối tác của tập đoàn này tại Indonesia.

Sau 4 năm chen chân vào thị trường, doanh thu của Mitra Adiperkasa Việt Nam tăng trưởng 400%, đạt 1.642 tỉ đồng vào năm 2019, lợi nhuận trước thuế ở mức 98 tỉ đồng.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh của Zara là H&M cũng kiếm bội tiền trên thị trường Việt Nam. Tính riêng năm 2019, Công ty TNHH H&M Hennes & Mauritz Việt Nam đã mang về cho nhãn hiệu này doanh thu 1.116 tỉ đồng, 72 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế.

Đến Việt Nam trễ hơn một chút là ông trùm thời trang Nhật Bản, Uniqlo. Dù chưa tròn 1 năm kể từ ngày khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP. HCM, các sản phẩm của Uniqlo vẫn luôn thu hút sự quan tâm của các tín đồ thời trang. Do vậy, người ta hoàn toàn có thể kỳ vọng việc Uniqlo cũng sẽ "làm nên chuyện" trong mùa Black Friday này.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/truoc-them-black-friday-so-gang-chuyen-lam-an-cua-cac-dai-gia-kinh-doanh-hang-hieu-o-viet-nam-20201118202315558.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/