Trung Quốc siết tín dụng, đà tăng phi mã của thị trường hàng hóa sắp dừng lại?

Từ đầu năm đến nay, nhu cầu chưa từng có của Trung Quốc chính là một trụ cột quan trọng giúp thị trường hàng hóa tăng trưởng phi mã. Song đến hiện tại, nhu cầu của đất nước tỷ dân dường như dang dần chững lại, nguy cơ gây tác động tiêu cực lên giá hàng hóa.

Trung Quốc siết tín dụng, điềm báo xấu cho thị trường hàng hóa

Để phục hồi nền kinh tế hậu đại dịch COVID-19, chính phủ Trung Quốc đã tích cực bơm thêm tín dụng cũng như kích thích một số lĩnh vực như xây dựng và bất động sản. Nhu cầu nguyên liệu thô của thị trường tỷ dân từ đó gia tăng đột biến.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã chi 150 tỷ USD nhập khẩu dầu thô, quặng sắt và đồng. Do nhu cầu và giá hàng hóa cùng tăng cao, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái 36 tỷ USD.

Trong bối cảnh giá hàng hóa trong và ngoài nước nhảy vọt lên mức cao kỷ lục, các quan chức Trung Quốc đang cố gắng ghìm cương thị trường và trấn áp nạn đầu cơ, thổi giá.

Ý thức được rủi ro xuất hiện bong bóng tài sản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cũng đã dần hạn chế bơm tiền vào nền kinh tế từ cuối năm ngoái. Đồng thời, nguồn vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng cũng có dấu hiệu chững lại.

Dữ liệu kinh tế tháng 4 cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lưu lượng tín dụng (credit impulse) của Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh. Theo Bloomberg, điều này có thể khiến xu hướng tăng giá của thị trường hàng hóa trở nên mất cân bằng.

Khi Trung Quốc giảm kích thích kinh tế, tác động rõ rệt nhất sẽ thể hiện ở những kim loại thường được dùng trong lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng như nhôm, đồng, thép và nguyên liệu sản xuất thép - quặng sắt.

Bà Alison Li, trưởng bộ phận nghiên cứu của hãng thép Mysteel ở Thượng Hải, cho biết: "Tín dụng là một động lực quan trọng cho giá hàng hóa. Theo tính toán của chúng tôi, giá hàng hóa sẽ đạt đỉnh khi tín dụng đạt đỉnh".

"Đương nhiên tín dụng này là tính chung toàn thế giới, song Trung Quốc chiếm một phần lớn trong tổng tín dụng toàn cầu, đặc biệt là khi đề cập đến các khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và cơ sở hạ tầng", bà Li nói thêm.

Trung Quốc siết tín dụng, đà tăng phi mã của thị trường hàng hóa sắp dừng lại? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, ảnh hưởng khi Trung Quốc siết tín dụng có thể lan rộng hơn, đe dọa sự phục hồi của giá dầu và thậm chí là cả thị trường nông sản của đất nước tỷ dân. Một số người tiêu dùng cũng đang tạm ngừng mua các kim loại như đồng và thép vì giá của hai kim loại tăng quá nóng.

"Khi Trung Quốc siết dòng chảy tín dụng, nhu cầu hàng hóa của nước này sẽ chịu tác động tiêu cực. Cho đến nay, các khoản đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng chưa cho thấy sự giảm tốc rõ ràng, nhưng chúng có xu hướng giảm trong nửa cuối năm nay", nhà kinh tế Hao Zhou của ngân hàng Commerzbank lập luận.

Chưa phải lo vội

Sự lệch pha giữa việc Trung Quốc siết tín dụng và ảnh hưởng của động thái này đối với hoạt động thu mua nguyên liệu thô của doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy thị trường hàng hóa có thể chưa đạt đỉnh, Bloomberg lưu ý.

Một số lĩnh vực còn được chính quyền Bắc Kinh khuyến khích tăng công suất, chẳng hạn như dầu mỏ và luyện đồng. Doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tiếp tục mua thêm nguyên liệu thô cho hai ngành này, dù với tốc độ chậm hơn trước.

Trung Quốc siết tín dụng, đà tăng phi mã của thị trường hàng hóa sắp dừng lại? - Ảnh 2.

Ông Tomas Gutierrez - chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Kallanish Commodities, cho hay: "Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn đầu của đợt siết chặt tín dụng".

"Thông thường, nhu cầu quặng sắt sẽ phản ứng với độ trễ vài tháng sau khi Bắc Kinh siết tín dụng. Còn nhu cầu thép vẫn đang ở mức cao kỷ lục vì nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục phục hồi và chính phủ vẫn bơm tiền...".

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, động thái siết chặt tín dụng có thể chỉ ảnh hưởng đến nhập khẩu nông sản của Trung Quốc, nhà phân tích Ma Wenfeng của Beijing Orient Agribussiess Consultant thông tin.

Khi hạn chế bơm tiền vào nền kinh tế, chính phủ Trung Quốc có thể kiềm chế nạn đầu cơ, qua đó làm dịu giá nông sản trong nước vì các doanh nghiệp tư nhân sẽ không còn dư dả nguồn tiền để nhập khẩu hàng.

Cũng nhờ đó mà các công ty nhà nước Trung Quốc có thể mua thêm nông sản nước ngoài để bổ sung vào kho dự trữ chiến lược, cũng như để đáp ứng các yêu cầu mua hàng trong thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Hơn nữa, chính phủ Trung Quốc đã tuyên truyền trong nội bộ rằng Bắc Kinh sẽ không siết chặt tín dụng quá mức. "Thực chất, chính phủ Trung Quốc không quá lo ngại về việc thắt chặt dòng vốn tín dụng", chuyên gia Harry Jiang của Yonggang Resources cho hay.

Ngoài ra, trong thời gian tới, diễn biến của thị trường hàng hóa toàn cầu có thể sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của các nền kinh tế khác như Mỹ và châu Âu, chứ không chỉ giới hạn ở nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Larry Hu, kinh tế trưởng tại Macquarie Group, lập luận: "Trước đây, điểm bước ngoặt của thị trường kim loại công nghiệp thường trùng với chu kỳ tín dụng của Trung Quốc. Song, lần này không giống với trước, vì Mỹ đang tung ra nhiều kích thích tài khóa hơn Trung Quốc và nhu cầu của Mỹ cũng rất lớn".

Đồng thời, ông Hu còn nhận thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang khá thận trọng, họ không muốn siết chặt chính sách quá mức để gây ra biến động lớn đến triển vọng phục hồi của nền kinh tế.

"Tôi đoán là, đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản sẽ chững lại nhưng không quá nhiều. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng không thay đổi nhiều trong vài năm qua cũng như trong năm nay", ông Hu nói thêm.

Cuối cùng, Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh tiêu dùng trong nhiều năm qua, biến tiêu dùng thành một động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và chính phủ không còn phải phụ thuộc quá nhiều vào bất động sản và cơ sở hạ tầng, quản lý Bruce Pang của công ty China Renaissance Securities nhấn mạnh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-quoc-siet-tin-dung-da-tang-phi-ma-cua-thi-truong-hang-hoa-sap-dung-lai-20210524180957644.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/