Trung Quốc: Giới đầu tư vật vã đòi tiền các công ty vỡ nợ trái phiếu

Khi các công ty phát hành trái phiếu ở Trung Quốc lâm vào túng quẫn tài chính, giới đầu tư sẽ phải đối mặt với hành trình gian nan để thúc ép họ trả nợ với hy vọng vớt vát phần nào số tiền đã đầu tư.

Hành trình đòi nợ mệt mỏi

Các vụ vỡ nợ trái phiếu đang gia tăng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhiều công ty phát hành trái phiếu vay nợ giờ đây hoặc là không còn khả năng hoàn trả cho trái chủ số tiền đầu tư ban đầu của họ, hoặc là không đủ khả năng trả lãi suất theo định kỳ.

Trung Quốc: Giới đầu tư vật vã đòi tiền các công ty vỡ nợ trái phiếu - Ảnh 1.

Cảng Đan Đông ở Liêu Ninh. Công ty Cảng Đan Đông tự ý bán tài sản cho Tập đoàn Chiêu Thương Trung Quốc với giá rẻ mà không hỏi ý kiến các chủ nợ. Ảnh: Visual China

Trong tình huống đó, một số nhà đầu tư có thể vẫn không buông khoản nợ xấu này, kiên trì khiếu nại, kiện tụng để đòi lại một phần tiền nợ. Các nhà đầu tư khác có thể mua nợ xấu trái phiếu với giá rẻ, một chiến lược rủi ro cao nhưng có thể tạo ra lợi nhuận lớn nếu công ty nợ trái phiếu vượt qua khó khăn và kinh doanh tốt trở lại.

Tuy nhiên, bức tranh thị trường trái phiếu ở Trung Quốc hiện nay rất ảm đạm khi tỷ lệ trả nợ của các công ty vỡ nợ trái phiếu suy giảm mạnh.

Năm 2016, có đến 46% trong số những công ty vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc vẫn xoay sở trả một phần nợ gốc hoặc lãi suất cho trái chủ, theo Công ty dữ liệu tài chính Wind Information, có trụ sở ở Thượng Hải. Năm ngoái, tỷ lệ này chỉ là 13%.

Đối với nhiều nhà đầu tư trái phiếu, hành trình đòi nợ các doanh nghiệp vợ nợ rất tốn kém và mệt mỏi.

“Có quá nhiều bất ổn trong câu chuyện thu hồi nợ vì thiếu một cơ chế xử lý các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc. Thực trạng này khiếu nhiều nhà đầu tư rời bỏ thị trường trái phiếu Trung Quốc ”, Ivan Chung, nhà phân tích ở chi nhánh hãng xếp hạng tín dụng  Moody’s tại Hồng Kông, nói.

Trung Quốc có đầy đủ luật bảo vệ giới đầu tư khi công ty phát hành trái phiếu chây trì trả nợ nhưng việc thực thi còn lỏng lẻo. Các tòa án do nhà nước kiểm soát thường ra phán quyết ưu ái cho những công ty vỡ nợ có vai trò lớn trong nền kinh tế địa phương, thay vì hỗ trợ những nhà đầu tư đang bị nợ tiền.

Trong một vụ đòi nợ ở TP. Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, tòa án địa phương từ chối thụ lý đơn kiện của những nhà đầu tư đang tìm cách thu hồi nợ từ Công ty Cảng Đan Đông (Dandong Port). Công ty này đã nộp đơn xin phá sản hồi tháng 4 năm ngoái sau khi vỡ nợ 7 loại trái phiếu kỳ hạn với tổng trị giá 8 tỉ nhân dân tệ (1,2 tỉ đô la Mỹ).

Harold Ruvoldt , luật sư đại diện cho nhiều trái chủ và cổ đông của Cảng Đan Đông cho biết các chủ nợ muốn được cung cấp báo cáo tài chính mới nhất của công ty, song các tòa án địa phương từ chối hỗ trợ.

Ông nói: “Rõ ràng, chúng tôi có quyền tiếp cận thông tin tài chính nhưng tòa án địa phương chưa bao giờ lắng nghe yêu cầu của chúng tôi”.

Một lãnh đạo ở Tòa án Nhân dân Trung cấp TP. Đan Đông cho rằng không có quy định nào bắt buộc tòa phải thụ ký các vụ kiện đó. Người này nói: “Chúng tôi không vi phạm bất kỳ quy định pháp luật nào”.

Giới đầu tư cho biết các vụ việc như vậy gây ức chế.

“Để tạo ra một thị trường nợ xấu (distressed debt) vận hành tốt, trái chủ phải có quyền bán tài sản của các công ty vỡ nợ trái phiếu để thu hồi tiền trong vòng một năm sau ngày vỡ nợ”, Shen Xiao, nhà quản lý danh mục trái phiếu của Công ty Zhongji Investments ở Bắc Kinh, nói.

Không tham vấn ý kiến chủ nợ trước khi tái cấu trúc

Khi tình hình vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc bắt đầu tăng vào năm 2014, hầu hết công ty vỡ nợ đều được nhà nước dàn xếp giải cứu. Tuy nhiên, số vụ vỡ nợ trái phiếu hiện nay ở Trung Quốc đang tăng vọt với tổng trị giá trái phiếu vỡ nợ lên đến mức 144 tỉ nhân dân tệ (20,8 tỉ đô la) vào năm ngoái, tăng gấo ba lần so với năm 2016.

Trung Quốc: Giới đầu tư vật vã đòi tiền các công ty vỡ nợ trái phiếu - Ảnh 2.

Vì hết tiền, Công ty Chuying Agro-Pastoral Group đề xuất trả nợ cho trái chủ bằng thịt dăm bông và thịt heo “sinh thái”. Ảnh: IC

Nhiều tỉnh thành Trung Quốc giờ đây trong tình trạng căng cứng tài chính, không đủ khả năng giải cứu những doanh nghiệp khó khăn dù giới quan chức địa vẫn muốn làm như vậy để bảo đảm an ninh việc làm.

Do đó, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc bắt đầu khuyến khích những doanh nhiệp vỡ nợ né các quy định pháp luật trong thời gian đàm phán trả nợ.

Công ty Cảng Đan Đông đã bị chính quyền TP. Đan Đông tiếp quản vào tháng 5 năm ngoái. Hai trái chủ cho biết công ty đã không không tham vấn ý kiến của trái chủ trước khi thông báo kế hoạch tái cấu trúc bao gồm chuyển đổi nợ thành cổ phần và bán các tài sản cốt lõi cho Tập đoàn Chiêu Thương Trung Quốc với giá rẻ mạt vào hồi tháng 11-2019.

“Đây là kịch bản tồi tệ nhất vì chúng tôi không nhận được đồng nào và trị giá cổ phần của chúng tôi chẳng còn sụt giảm mạnh sau thỏa thuận bán tài sản cho Tập đoàn Chiêu Thương Trung Quốc”, một trái chủ nói.

Luật sư Ruvoldt cho hay dù nhiều lần yêu cầu, ông vẫn không có cơ hội gặp gỡ ban lãnh đạo của Công ty Cảng Đan Đông để đề xuất kế hoạch tái cấu trúc thay thế hoặc để lên tiếng phản đối kế hoạch tái cấu trúc do công ty này tự đưa ra.

“Nếu bạn đầu tư vào một công ty ở Trung Quốc và công ty đó gặp khó khăn tài chính, bạn có thể mất trắng toàn bộ khoản đầu tư mà không có cơ hội được lắng nghe. Họ không xem xét các phương án tài chính tối ưu nhất, không tìm cách đàm phán với tất cả chủ nợ để tiến đến một quyết định đồng thuận”.

Những trường hợp hành xử như Cảng Đan Đông không phải là ít nhưng giới đầu tư chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt vì không còn cách nào khác.

Một số doanh nghiệp vỡ nợ trái phiếu đưa ra giải pháp chưa từng có tiền lệ. Chẳng hạn, vào năm 2018, Công ty sản xuất thịt heo Chuying Agro-Pastoral Group đề xuất trả nợ trái phiếu ngắn hạn trị giá 500 triệu nhân dân tệ cho các trái chủ bằng...thịt dăm bông hoặc các sản phẩm thịt “sinh thái”. Không còn sự lựa chọn nào khác, một số trái chủ chấp nhận phương án trả nợ bất thường này.

Nhận thấy giới đầu tư đang mất niềm tin, hôm 27-12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) và Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc đã công bố dự thảo hướng dẫn cơ chế xử lý các vụ vỡ nợ trái phiếu. Dự thảo nhấn mạnh tầm quan trọng các cuộc họp giữa doanh nghiệp vỡ nợ với với chủ nợ để bàn thảo phương án trả nợ đồng thời hối thúc các ngân hàng bảo lãnh phát hành trái phiếu và các cơ quan xếp hạng tín dụng phải gánh trách nhiệm nhiều hơn.

Tuy nhiên, Yang Peiming, đối tác của Công ty luật Llinks ở Thượng Hải, cho rằng các hướng dẫn này chỉ đưa ra các nguyên tắc chung chung trong xử lý trái phiếu vỡ nợ, chứ không đưa ra các chi tiết về thực thi, chẳng hạn như yêu cầu tòa án tối cao Trung Quốc phải tuân thủ các biện pháp cụ thể trong các vụ kiện đòi nợ trái phiếu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-quoc-gioi-dau-tu-vat-va-doi-tien-cac-cong-ty-vo-no-trai-phieu-20200113130456451.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/