Trung Quốc đã bớt lo về áp lực lạm phát khi giá hàng hóa bắt đầu hụt hơi

Cơn sốt hàng hóa kéo lạm phát giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc leo lên mức đỉnh 26 năm đang có dấu hiệu hụt hơi khi các động lực giúp giá hàng hóa phi mã trong năm qua thoái lui.

Áp lực lạm phát thoái lui

Theo nhận định của Bloomberg, cú sốc giá hàng hóa khiến chỉ số PPI của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong 26 năm đang bắt đầu suy yếu khi mà các động lực trên thị trường dần thoái lui.

Hiện tại, cuộc khủng hoảng năng lượng khiến giá than nhảy vọt lên mức kỷ lục đã tạm thời lắng dịu, trong khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khiến người dân giảm bớt tiêu dùng và đi lại, từ đó đẩy nhu cầu nhiên liệu máy bay đi xuống.

Ở diễn biến khác, cuộc khủng hoảng nợ của các công ty phát triển bất động sản tại Trung Quốc đang giúp hạ nhiệt giá thép và đồng.

Trung Quốc đã bớt lo về áp lực lạm phát khi giá hàng hóa bắt đầu hụt hơi - Ảnh 1.

Bà Xiao Fu, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại một chi nhánh của Bank of China, cho biết dù các nhà đầu tư có quan điểm lạc quan ở bên ngoài Trung Quốc tin giá hàng hóa sẽ tăng cao hơn vì tồn kho dầu thô và kim loại đang đi xuống, các thương nhân tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại khá thận trọng.

Chia sẻ qua điện thoại, bà Xiao Fu nhấn mạnh: "Tại Trung Quốc, áp lực lạm phát có thể đã được kiểm soát phần nào so với ở nước ngoài".

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực giá cả trong năm 2022. Olympic mùa đông sắp diễn ra và chính sách giảm phát thải của Bắc Kinh vẫn tiếp tục.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư cũng đang nuôi hy vọng rằng chính quyền trung ương sẽ ra tay hỗ trợ lĩnh vực bất động sản đang chìm sâu vào khủng hoảng, từ đó thúc đẩy nhu cầu kim loại công nghiệp.

Hơn nữa, mặc dù giá của hầu hết hàng hóa đều đang ổn định, nhưng vẫn tương đối cao so với cùng kỳ năm trước. Chưa kể, ảnh hưởng của những đợt tăng giá trước đó vẫn còn đang đè nặng nền kinh tế tỷ dân.

Lạm phát vẫn có thể bùng lên

Mùa đông khắc nghiệt

Các biện pháp chống COVID-19 của Bắc Kinh ngày càng trở nên nghiêm khắc, vì Trung Quốc hiện là nước duy nhất trên thế giới còn theo đuổi chiến lược "zero COVID".

Trong bối cảnh các lệnh hạn chế được áp dụng tại nhiều tỉnh thành, bao gồm cả Bắc Kinh, hoạt động đi lại của người dân đã giảm đáng kể. IHS Markit ước tính, nhu cầu nhiên liệu máy bay trong quý cuối năm sẽ giảm khoảng 10%.

Nhu cầu xăng dầu cũng đang giảm sút do người tiêu dùng ít mua xe hoặc ít sử dụng xe hơn. Riêng đối với dầu diesel, Bắc Kinh còn thúc giục doanh nghiệp tăng cường sản lượng và giảm xuất khẩu để ổn định lượng hàng tồn kho.

Trung Quốc đã bớt lo về áp lực lạm phát khi giá hàng hóa bắt đầu hụt hơi - Ảnh 2.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng năng lượng xảy ra vào tháng 9, Bắc Kinh còn đẩy mạnh việc khai thác than đá. Đất nước tỷ dân có thể tránh được tình trạng thiếu năng lượng trên diện rộng khi mùa đông gần kề.

Hiện, giá than ở Trung Quốc vẫn thấp hơn một nửa so với mức đỉnh của tháng 10 năm nay và các kho dự trữ than đã ổn định hơn. Bloomberg cho rằng điều đó giúp giảm bớt áp lực trên thị trường năng lượng và toàn chuỗi cung ứng than tại Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích Yuntao Liu của hãng tư vấn Energy Aspects cho biết, Trung Quốc cũng sẽ muốn một bầu trời trong xanh cho Olympic mùa đông khai mạc vào đầu tháng 2 năm nay. Do đó, cung - cầu dầu thô đều bị hạn chế do doanh nghiệp phải tuân thủ quy định về môi trường của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, thời tiết mùa đông khắc nghiệt có thể thử thách nguồn cung năng lượng của nền kinh tế tỷ dân vì nhu cầu sưởi ấm có thể tăng cao. Giá khí đốt tự nhiên tăng phi mã từ Âu sang Á đã buộc giới lãnh đạo Bắc Kinh cảnh báo về nguy cơ khan hiếm nguồn cung trong mùa đông năm nay.

Cải cách chính sách

Theo Bloomberg, tại Trung Quốc, các chính sách quản lý của Bắc Kinh có tác động rất lớn. Đơn cử như ở lĩnh vực bất động sản, chính phủ không cho thấy dấu hiệu sẽ ra tay cứu các công ty địa ốc nặng nợ, khiến nhu cầu các kim loại như thép và đồng sụt mạnh trong nửa cuối năm nay.

Giá quặng sắt, nguyên liệu thô để luyện thép, đã giảm gần 66% sau khi đạt đỉnh lịch sử hồi đầu năm. Hoạt động xây dựng cũng đi xuống do lượng mua nhà giảm, khiến sản lượng thép phải tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2007.

Các ngân hàng quốc tế như Citigroup dự đoán Bắc Kinh có thể hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản trước thềm Đại hội Đảng quan trọng vào cuối năm 2022. Song, không mấy chuyên gia kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đảo ngược chính sách một cách mạnh mẽ, đặc biệt là điều đó có thể làm tăng lạm phát trong nước.

Trung Quốc đã bớt lo về áp lực lạm phát khi giá hàng hóa bắt đầu hụt hơi - Ảnh 3.

Ở diễn biến khác, các chính sách giảm lượng khí thải carbon của chính quyền ông Tập Cận Bình vẫn có thể tái kích hoạt lạm phát do hoạt động sản xuất công nghiệp có thể bị kiềm chế, khiến giá cả hàng hóa tăng vọt. Trường hợp này đặc biệt đúng với nhôm, mục tiêu chính trong chính sách môi trường của ông Tập.

Ngoài ra, loạt cải cách được thực hiện ở một số vùng khi cuộc khủng hoảng thiếu điện bùng lên giúp các nhà máy phát điện có quyền nâng giá bán điện. Một số khu vực đã tăng giá điện đến 80% đối với các lĩnh vực công nghiệp như luyện nhôm.

"Các cải cách đó cho phép áp lực lạm phát chuyển từ giá than sang giá điện, và sau đó là qua tất cả lĩnh vực công nghiệp", ông Yanting Zhou, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Wood Mackenzie cảnh báo.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/trung-quoc-da-bot-lo-ve-ap-luc-lam-phat-khi-gia-hang-hoa-bat-dau-hut-hoi-20211120084710859.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/