Tranh cãi chuyện chuỗi Vua Cua gọi vốn trên truyền hình bị gọi là 'kẻ đào mỏ'

Sau 7 ngày lên sóng Shark Tank, Vua Cua đã đạt doanh số tăng 30% so với tháng trước, tuy nhiên bị cho là lên truyền hình để chiếm sóng, tạo đà kinh doanh.

Vua Cua bị cho là lên Shark Tank để chiếm sóng, tạo đà kinh doanh - Ảnh 1.

Nam ca sỹ Will 365 cùng Shark Đỗ Liên và CEO Vua Cua Đoàn Anh Thư. (Ảnh: FBNV).

Vua Cua, chuỗi nhà hàng phục vụ hải sản cua do bà Đào Thị Anh Thư điều hành, vừa thành công gọi vốn 3,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần trên sóng truyền hình để mở rộng mô hình xe cua di động.

Sau 7 ngày lên sóng Shark Tank, Vua Cua đã ghi nhận những hiệu ứng tích cực từ chương trình. Theo Shark Tank công bố, doanh số tăng 30% so với tháng trước, tăng 400% lượng truy cập website, tăng tương tác tự nhiên không qua quảng cáo...

Tuy nhiên, đi cùng với đó là những hoài nghi về đơn vị này. Theo đó, một tài khoản Facebook đã đăng tải bài viết của mình về câu chuyện của Vua Cua và cho rằng nếu doanh nghiệp này gọi vốn tại Shark Tank Mỹ, ông Mark Cuban, một nhà đầu tư tại Shark Tank Mỹ, có thể gọi Vua Cua với cái tên là "gold digger (kẻ đào mỏ)".

Vua Cua bị cho là lên Shark Tank để chiếm sóng, tạo đà kinh doanh - Ảnh 2.

Tài khoản Facebook cho rằng Vua Cua tới Shark Tank để chiếm sóng và tạo đà kinh doanh. (Ảnh: FBNV).

Lý do được người này đưa ra là Vua Cua chỉ tạo ra lợi nhuận ròng 7 tỷ đồng/năm nhưng lại gọi vốn 3,5 tỷ đồng cho 5% cổ phần, với một đại sứ thương hiệu là nam ca sỹ. Tài khoản này cho rằng họ lên truyền hình để chiếm sóng và tạo đà kinh doanh, không công bằng cho những ai thực sự muốn huy động vốn và nghe lời tư vấn của nhà đầu tư.

Chia sẻ sâu hơn, ông cho rằng những điều giải thích phía trên lý giải vì sao ông không trở thành nhà đầu tư của Shark Tank Việt Nam và sẽ không để startup nhỏ bé "chơi đùa" với mình.

Trước phản ứng trái chiều của vị này, bà Lê Hạnh, Giám đốc sản xuất Shark Tank, đã đăng tải một bài viết khác mang tựa đề: "Vua Cua có phải là Gold digger (kẻ đào mỏ) tại Shark Tank?", trong đó nêu ba quan điểm.

Thứ nhất, bà Hạnh cho rằng Vua Cua lên gọi vốn để phát triển chuỗi Vua Cua Bike nên nhu cầu về vốn là có thật. Nếu doanh thu 110 triệu đồng/xe cua thì 100 xe là hơn 10 tỷ đồng. Lợi nhuận 7 tỷ đồng của Vua Cua cũng chưa là gì. Chưa kể mở rộng kinh doanh mà dựa trên lợi nhuận sổ sách là sai, phải dựa trên dòng tiền.

Thứ hai, đặc trưng của startup khác với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là phải gọi vốn và gọi nhiều vòng để tăng trưởng. Đối lập với khái niệm "funding" (gây vốn từ bên ngoài) là “boostrapping" nghĩa là phát triển dựa vào nguồn vốn nội lực, nếu Vua Cua chọn cách dựa vào nội lực sẽ đi chậm và để lỡ nhiều cơ hội.

Cuối cùng, thời điểm vàng để gọi vốn là doanh nghiệp đang tăng trưởng tốt, có kế hoạch kinh doanh hấp dẫn, có thêm lợi nhuận thì startup sẽ có lợi thế khi đàm phán với nhà đầu tư về định giá.

Bà Hạnh cho rằng tài khoản trên mượn lời ông Mark Cuban để gọi những startup đang tăng lợi nhuận lên gọi vốn ở Shark Tank là "kẻ đào mỏ" trong trường hợp này là không chuẩn xác. Đồng thời bà Hạnh cũng khuyên tài khoản này nên có cái nhìn khách quan để dẫn dắt cộng đồng khởi nghiệp còn non trẻ ở Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tranh-cai-chuyen-chuoi-vua-cua-goi-von-tren-truyen-hinh-bi-goi-la-ke-dao-mo-20210511083747197.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/