Tổng quan lễ nhậm chức chưa từng có trong lịch sử của cặp đôi Biden - Harris

Do đại dịch COVID-19 và mối lo ngại về an ninh sau vụ bạo động tại Điện Capitol, lễ nhậm chức của ông Joe Biden, Tổng thống Mỹ đời thứ 46, sẽ rất khác so với những người tiền nhiệm, bao gồm Tổng thống Donald Trump.

Dòng sự kiện chính

Hai lễ nhậm chức sẽ bắt đầu với quốc ca và lời tuyên thệ vào khoảng 11h30 sáng ngày 20/1 (tức khoảng 23h30 theo giờ Việt Nam). Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức dưới sự chứng kiến của Thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor ngay trước buổi trưa.

Sau đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào 12h trưa tại khu vực phía tây của Điện Capitol dưới sự chứng nhận của Chánh án John Roberts. Sau khi tuyên thệ, ông Biden sẽ đưa ra bài phát biểu nhậm chức, NPR thông tin.

Dự kiến sẽ có khoảng 1.000 khách tham dự sự kiện nhậm chức, phần đông là nghị sĩ Quốc hội và khách mời. Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ không tham dự lễ nhậm chức của ông Biden. Đây là lần đầu tiên trong 150 năm có một tổng thống mãn nhiệm không dự buổi lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Trái với ông Trump, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ có mặt.

Tổng qua lễ nhậm chức chưa từng có trong lịch sử của cặp đôi Biden - Harris - Ảnh 1.

Sự kiện nhậm chức của cặp đôi Biden - Harris là chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. (Ảnh: AP).

Tiếp tục, ông Biden và bà Harris sẽ di chuyển đến khu vực phía đông của Điện Capitol để duyệt đội danh dự với sự tham gia của các binh chủng quân đội Mỹ. Nghi thức truyền thống này có tên là "pass in review".

Sau đó, ông Biden, bà Harris và các cựu Tổng thống Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton cùng phu nhân sẽ đến Nghĩa trang Quốc gia Arlington để đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh.

Nữ ca sĩ Lady Gaga sẽ hát quốc ca, trong khi nữ ca sĩ Jennifer Lopez sẽ biểu diễn một số ca khúc khác để khuấy động sự kiện.

Bài phát biểu nhậm chức

Bài diễn văn nhậm chức cho tân tổng thống cơ hội để vạch ra một chương trình nghị sự và tầm nhìn mới cho toàn bộ người dân Mỹ và công chúng thế giới.

Trong quá khứ, các cựu tổng thống Mỹ từng có một số phát biểu đáng nhớ tại lễ nhậm chức. Chẳng hạn, cựu Tổng thống John F. Kennedy từng nói: "Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước".

Dù chi tiết bài phát biểu của ông Biden đang được giữ kín, các cấp dưới của vị tổng thống đắc cử cho biết bài diễn văn của ông sẽ vạch ra tầm nhìn mới nhằm "đánh bại đại dịch, gây dựng lại đất nước, thống nhất và hàn gắn quốc gia".

Khi còn là ứng viên tổng thống, ông Biden từng đề cập nhiều đến "trận chiến giành lại linh hồn của nước Mỹ". Có khả năng ông sẽ sử dụng chủ đề này khi cố gắng đưa ra thông điệp hàn gắn cho nước Mỹ, vốn đang bị chia rẽ sâu sắc bởi chính trị và đại dịch COVID-19.

Trong vài ngày qua, ông Biden cũng trình bày chi tiết một gói kích thích tài khóa khổng lồ để đối phó với đại dịch và suy thoái kinh tế, đồng thời vạch ra kế hoạch đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin.

Vấn đề an ninh

Lễ nhậm chức ngày 20/1 diễn ra hai tuần sau khi Điện Capitol bị thất thủ trước đám đông người ủng hộ ông Trump. Từ sau vụ việc, an ninh tại thủ đô Washington cũng như quanh Điện Capitol đã được thắt chặt. Lễ tuyên thệ của ông Biden do đó mà trở thành sự kiện nhậm chức xuất hiện đông đảo lực lượng an ninh nhất trong lịch sử Mỹ.

Khoảng 25.000 lính Vệ binh Quốc gia đã được điều động từ khắp cả nước về thủ đô Washington để đối phó với lo ngại an ninh. Con số này gấp 5 lần lượng quân nhân Mỹ đang đóng quân ở Iraq và Afghanistan.

Tổng qua lễ nhậm chức chưa từng có trong lịch sử của cặp đôi Biden - Harris - Ảnh 2.

Lính Vệ binh Quốc gia tại một giao lộ ở thủ đô Washington hôm 17/1. (Ảnh: Getty Images).

Trung tâm Quốc gia (National Mall) cũng đóng cửa không đón công chúng và khu vực xung quanh Điện Capitol đã bị phong tỏa. Rào chắn được dựng lên trên hàng loạt tuyến phố tại thủ đô.

Sau vụ bạo loạn tại Điện Capitol, Thị trưởng thủ đô Washington Muriel Bowser đã kéo dài tình trạng khẩn cấp từ ngày 6/1 đến hết ngày 21/1 do lo ngại có thể có thêm bạo loạn.

FBI cũng cảnh báo về các cuộc biểu tình bạo lực tại 50 bang nước Mỹ trước thềm lễ nhậm chức của ông Biden. Cảnh sát đã dựng rào chán trước tòa nhà thị chính của nhiều bang, tăng cường giám sát xung quanh và điều động lính Vệ binh Quốc gia phòng trường hợp xấu.

Không đón công chúng, diễu hành và dạ tiệc

Theo thông lệ, cơ quan phụ trách lễ nhậm chức thường cung cấp khoảng 200.000 vé tham dự sự kiện nhậm chức tại Điện Capitol cho công chúng, cũng như các gói vé để nghị sĩ Quốc hội chia sẻ với cử tri.

Song, do đại dịch COVID-19, cơ quan này không chào bán vé cho công chúng và các nghị sĩ Quốc hội chỉ có thể mời thêm một khách tham dự. Trê thực tế, nhóm chuyển tiếp của ông Biden đã kêu gọi người ủng hộ ở nhà. Sự kiện nhậm chức sẽ được phát trực tiếp để người dân theo dõi.

Ngoài ra, lễ nhậm chức năm nay cũng không có diễu hành từ Điện Capitol đến Nhà Trắng như mọi năm. Thay vào đó, sẽ có một cuộc diễu hành ảo mang tên "Diễu hành khắp nước Mỹ".

Cấp dưới của ông Biden cho biết sự kiện ảo này bao gồm "các màn trình diễn đa dạng, sôi động trong các cộng đồng trên khắp đất nước" và "bày tỏ lòng kính trọng với những người hùng trên mặt trận chống dịch".

Đồng thời, dạ tiệc nhậm chức cũng sẽ bị hủy bỏ. Thay vào đó, một chương trình TV đặc biệt do nam tài tử Tom Hanks dẫn dắt sẽ thế vào. Chương trình kéo dài 90 phút này có tên "Chào mừng nước Mỹ" và bao gồm nhiều màn trình diễn ca nhạc cũng như bình luận từ cặp đôi Biden - Harris.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tong-quan-le-nham-chuc-chua-tung-co-trong-lich-su-cua-cap-doi-biden-harris-20210119215412661.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/