Tòa án Tối cao chưa chắc giúp được cho ông Trump

Ông Trump đã chuẩn bị sẵn cho trường hợp tranh chấp kết quả bầu cử bằng cách đề cử người vào ghế Thẩm phán Tối cao bất chấp sự phản đối của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, chưa chắc Tòa án Tối cao sẽ đưa ra phân xử có lợi cho ông.

Tòa án Tối cao chưa chắc sẽ đem đến chiến thắng cho ông Trump - Ảnh 1.

Toà án Tối cao Mỹ. (Ảnh: AP)

Theo Politico, nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm yêu cầu Tòa án Tối cao bảo đảm ông đắc cử sẽ đối mặt với rất nhiều trở ngại nghiêm trọng, cả về mặt thực tiễn và pháp lí. Dù cố gắng đeo đuổi các vụ kiện đến mấy, ông Trump vẫn có thể phải ra về trắng tay.

"Chúng tôi sẽ đến hẳn Toà án Tối cao Mỹ", ông Trump tuyên bố tại Nhà Trắng sớm ngày 4/11. "Chúng tôi muốn mọi cuộc bỏ phiếu phải dừng lại. Chúng tôi không muốn bọn họ moi móc ra mấy lá phiếu vào lúc 4h sáng và thêm vào bảng kết quả".

Các chuyên gia pháp lí từ cả hai đảng đều cảm thấy khó hiểu khi ông Trump đòi hỏi Tòa án Tối cao ngừng việc kiểm phiếu.

Khi được yêu cầu phân tích bình luận của tổng thống, luật sư lâu năm của Đảng Cộng hòa Jan Baran nói: "Tôi không hiểu Trump đang nói gì — và tôi nghĩ là ông ta cũng không hiểu".

Thực tế, không chỉ cuộc bầu cử năm nay mà cả các cuộc bầu cử trước, việc kiểm phiếu tại một số bang chắc chắn phải kéo dài trong suốt vài ngày sau cuộc bầu cử do số lượng phiếu bầu rất lớn.

Đến thời điểm hiện nay, bang duy nhất ông Trump có thể kiện ngay lập tức lên Tòa án Tối cao về thời hạn kiểm phiếu là Pennsylvania. Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa từ trước đã tranh cãi nhau về việc gia hạn thêm ba ngày sau cuộc bầu cử để chấp nhận các lá phiếu gửi qua thư có dấu bưu điện trước hoặc đúng hôm 3/11. 

Đến tối 4/11, chiến dịch của ông Trump đã chính thức yêu cầu Tòa án Tối cao can thiệp vào các kiến nghị xoay quanh vấn đề này. "Cuộc bỏ phiếu ở Pennsylvania có thể xác định rõ vị tổng thống tiếp theo của Mỹ. Tòa án Tối cao Mỹ, chứ không phải Tòa án Tối cao bang Pennsylvania, nên có tiếng nói cuối cùng về các câu hỏi pháp lí liên quan".

Ông Biden cho biết 78% số phiếu bầu qua thư tại Pennsylvania là phiếu ủng hộ ông.

Nhưng dù ông Trump có thể ngăn được Pennsylvania kiểm hết phiếu bầu, 20 lá phiếu đại cử tri của bang này cũng không đủ để giúp ông san bằng cách biệt với cựu phó tổng thống Biden.

Ngoài ra, một thách thức pháp lí khổng lồ đối với ông Trump là dù Tòa án Tối cao phán rằng sự thay đổi trong thời hạn kiểm phiếu giống như Pennsylvania là vi hiến, họ vẫn sẽ ra lệnh mọi phiếu bầu phải được đếm.

Theo lệnh của Tòa án Tối cao ngày 5/10 tại South Carolina, các lá phiếu gửi qua thư không có chữ kí của nhân chứng vẫn sẽ được tính, và thậm chí tòa còn gia hạn thêm hai ngày để những lá phiếu này đến tay các quan chức bầu cử.

Các luật sư giải thích rằng có thể các Thẩm phán Tối cao đưa ra quyết định này dựa trên nguyên tắc rằng cử tri không nên bị phạt vì làm theo những gì họ được bảo là hợp lệ. 

Nếu Tòa án Tối cao áp dụng nguyên tắc trên cho vụ kiện ở Pennsylvania, các lá phiếu được gửi đến chậm cũng phải được công nhận. Có thể cử tri đã gửi phiếu bầu qua bưu điện vào đúng ngày 3/11 vì nghĩ rằng phiếu của họ vẫn sẽ được đếm vào những ngày sau. 

Thẩm phán Tối cao mới Amy Coney Barrett - người mà ông Trump đề cử - chưa được bổ nhiệm lúc tòa án đưa ra phán quyết về tranh cãi tại South Carolina vào tháng trước. Nếu đã được bổ nhiệm, có khả năng bà Barett sẽ ra quyết định có lợi cho ông Trump.

Một số thẩm phán theo phe bảo thủ khác cũng có thể sẽ suy nghĩ lại, nhất là nếu có vẻ kết quả cuộc bầu cử sẽ được định đoạt bởi vụ kiện tại Pennsylvania.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/toa-an-toi-cao-chua-chac-giup-duoc-cho-ong-trump-20201105105112853.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/