Tiểu thương Việt Nam dùng mạng xã hội để 'đấu lại' siêu thị

Các tiểu thương ở Việt Nam đang dồn hết sức để chống lại sự tấn công của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các hình thức tương tự theo kiểu phương Tây, vốn đang dần thay đổi lĩnh vực bán lẻ.

Tiểu thương Việt Nam dùng mạng xã hội để đấu lại siêu thị - Ảnh 1.

Tiểu thương tại Việt Nam tìm cách cạnh tranh với các kênh bán lẻ hiện đại.

Nikkei đưa tin, các tiểu thương tại các chợ truyền thống - vẫn là kênh bán hàng quan trọng tại Việt Nam - đang sử dụng mạng xã hội, xây dựng trang web và thử bán hàng trực tiếp cho các nhà hàng bởi Việt Nam đang chuyển mình thành quốc gia có thu nhập trung bình.

GDP trên đầu người tại Việt Nam hiện khoảng 2.600 USD, và đang tiến gần ngưỡng 3.000 USD - sau khi vượt qua ngưỡng này, thói quan chi tiêu của người dân thường có xu hướng thay đổi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành bán lẻ ngày càng năng động, số lượng chợ truyền thống vẫn không thay đổi nhiều so với 5 năm trước, vào khoảng 8.500 chợ, theo dữ liệu từ Tổng cục thống kê của Việt Nam.

Chợ Giảng Võ nhộn nhịp ở trung tâm Hà Nội là một ví dụ về một ngôi chợ truyền thống không thể bị đào thải. Cá và gà sống vẫn chờ đợi khách hàng, khách làm mua có thể yêu cầu làm sạch cá và gà ngay tại chỗ.

Hơn 100 cửa hàng tại chợ Giảng Võ cung cấp thực phẩm tươi sống, khác với thịt và cá đông lạnh tại các siêu thị.

Chị Nguyễn Hoài Thu, một nhân viên ngân hàng 35 tuổi và là bà mẹ hai con, cho biết chị mua sắm hàng ngày ở các chợ truyền thống, nơi cung cấp đa dạng các sản phẩm và rẻ hơn 20 - 30% so với siêu thị.

Trung bình, người Việt Nam ghé thăm các chợ truyền thống khoảng 19 lần một tháng, theo một khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu Nielsen năm 2018. Con số trên sẽ còn cao hơn nếu tính cả các cửa hàng bách hóa đa dạng.

Trong khi đó, người Việt Nam dành ra 10 lần một tháng để mua sắm tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ hiện đại khác.

Mặc dù vẫn duy trì thói quen cũ, người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi. Một khảo sát khác cho thấy người Việt Nam chỉ tiêu một phần ba đến một nửa số tiền tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, cho thấy người dân sử dụng các chợ truyền thống chủ yếu để mua hàng nhỏ lẻ.

Bà Dương Thị Lý, một chủ cửa hàng tạp hóa, cho biết doanh số đã giảm khoảng 3% mỗi năm trong 5 năm qua. Bà Lý cho biết bà hiện đang tiếp thị tích cực hơn.

Ngoài việc đăng hình ảnh hàng ngày lên Facebook, bà còn nhắn tin cho khách hàng qua mạng xã hội và quảng bá dịch vụ giao hàng, tuy nhiên, vẫn không xuất hiện nhiều thay đổi trong lợi nhuận của cửa hàng.

Chủ cửa hàng bán thịt Ngô Thị Chinh, người không có tủ lạnh, đã bắt đầu bán thịt còn tồn đến buổi trưa cho các nhà hàng với giá ưu đãi. Bà Chinh cho biết điều này đã giúp bà tháo gỡ khó khăn trong buôn bán bởi bà có thể bán đi chỗ thịt thừa.

Chợ Bến Thành ở phía nam TP HCM là nơi nổi tiếng với khách du lịch nước ngoài, nhưng khách du lịch lại cảm thấy khó khăn khi mặc cả giá với các chủ cửa hàng. Tuy nhiên, kể từ khi chợ Bến Thành bắt đầu vận hành một trang web liệt kê các sản phẩm và giá cả, khách du lịch và những người khác đã có nhiều cơ sở hơn để mặc cả với chủ cửa hàng.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2017 chỉ có dưới 1.000 siêu thị ở Việt Nam, nhưng tầng lớp trung lưu đang gia tăng đã tạo ra nhiều nhu cầu hơn.

Nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, Vingroup, dự định tăng gấp đôi số lượng siêu thị của họ lên 200 vào năm 2020 và tăng hơn gấp đôi số lượng cửa hàng tiện lợi lên 4.000 trong cùng thời gian này.

Ngành bán lẻ thay đổi đang thu hút sự quan tâm từ bên ngoài. Công ty thương mại Nhật Bản Sumitomo năm ngoái đã tham gia kinh doanh siêu thị tại Việt Nam, trong khi Aeon Mall (một chuỗi siêu thị khác của Nhật) sẽ tăng số lượng trung tâm mua sắm tại Việt Nam.

Mặc dù tăng trưởng hàng năm vững chắc ở mức 5 - 10%, kinh doanh bán lẻ vẫn rất khó khăn. Giá thuê mặt bằng tại TP HCM thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á, do đó, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm đi vì giá thuê mặt bằng. Theo Nikkei, đơn vị bán lẻ của Vingroup đã chịu khoản lỗ hàng trăm triệu USD trong năm tài khóa 2017.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven của Nhật Bản, một đơn vị của Seven-I Holdings, cũng bị thiệt hại tương tự. Công ty này đã mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM vào năm 2017 với kế hoạch vận hành khoảng 100 cửa hàng. Tuy nhiên sau ba năm, chỉ có chưa đầy 30 cửa hàng Seven - Eleven nằm rải rác trên khắp Việt Nam.

CEO của Fujimart tại Việt Nam, ông Keisuke Hitotsumastu, cho biết, "Trong thời gian này, chúng tôi sẽ phải cạnh tranh với các chợ truyền thống nhiều hơn là các siêu thị khác".


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tieu-thuong-viet-nam-dung-mang-xa-hoi-de-dau-lai-sieu-thi-20190408085501732.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/