Tiêu thụ dự báo suy yếu, triển vọng kinh doanh năm 2023 của Masan ra sao?

VCSC dự phóng, doanh thu năm 2023 của Masan có thể tăng 14% lên 86.963 tỷ đồng, còn lãi ròng giảm 20% so với cùng kỳ xuống 2.844 tỷ đồng.

Trong báo cáo phân tích về CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN), Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, mức tiêu thụ yếu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bán lẻ tiêu dùng của Masan trong năm nay. Ngoài ra, công ty còn phải đối mặt với chi phí tài chính cao hơn trong ngắn hạn do lãi suất cao hơn và việc mở rộng cửa hàng không hiệu quả đối với WinCommerce và Phúc Long Heritage.

Đơn vị phân tích dự phóng, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của Masan Consumer Holdings sẽ thấp hơn 3% trong giai đoạn 2023 – 2024 và tỷ suất lợi nhuận gộp có thể giảm 30 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm 2023. 

Trong đó, có hai nguyên nhân chính khiến tăng trưởng của Masan Consumer Holdings suy yếu là thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2022 và sự suy giảm của một số hoạt động kinh doanh xuất khẩu từ cuối quý III/2022 dẫn đến giảm giờ làm việc và sa thải.

 Winmart, chuỗi bán lẻ của Masan. (Ảnh: Lâm Anh)

Song, đơn vị phân tích vẫn kỳ vọng, doanh số bán thực phẩm tiện lợi sẽ tăng 15%/năm trong giai đoạn 2023 – 2024 nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ từ thương hiệu bình dân Kokomi (nhãn hiệu mì ăn liền chủ lực của Masan Consumer Holdings) và kỳ vọng đổi mới sản phẩm.

Theo VCSC, việc cải thiện biên lợi nhuận gộp và tiếp tục mở rộng cửa hàng sẽ thúc đẩy hiệu suất của WinCommerce trong năm nay và năm sau. Masan có thể có thêm 600 cửa hàng WinMart+ mới mỗi năm trong giai đoạn 2023 - 2024.

Sau khi biên lợi nhuận gộp của WinCommerce cải thiện 320 điểm cơ bản vào năm 2022, VCSC cho rằng, biên lợi nhuận gộp có thể tăng thêm lần lượt 200 điểm cơ bản, 100 điểm cơ bản vào năm 2023, 2024 nhờ: Khả năng thương lượng cao hơn nhờ mạng lưới cửa hàng lớn hơn, Tỷ lệ lãng phí thấp hơn do phân loại sản phẩm hiệu quả hơn; Tăng doanh số bán hàng từ nhãn hiệu riêng.

VCSC dự phóng, biên EBIT của WinCommerce sẽ cải thiện từ -1,6% năm 2022 lên 0,2% năm 2023 và 2,6% năm 2024.

Thêm vào đó, đơn vị phân tích nhận thấy, một số yếu tố có thể hỗ trợ kết quả kinh doanh của Masan trong thời gian tới như: Niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam phục hồi sớm hơn dự kiến; Mở rộng thành công ứng dụng công nghệ được hỗ trợ bởi Trusting Social; Tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu trong Masan High-Tech Materials; M&A tạo ra giá trị.

 Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC Masan, dự phóng VCSC.

Từ những luận điểm trên, VCSC dự phóng, năm nay, doanh thu của Masan tăng 14% lên 86.963 tỷ đồng so với năm 2022. Doanh thu có thể đạt lần lượt 99.096 tỷ đồng, 121.697 tỷ đồng vào năm 2024, 2025.

Song, lãi ròng của công ty có thể giảm 20% so với cùng kỳ xuống 2.844 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2024 – 2025 với lãi ròng lần lượt đạt 5.122 tỷ đồng và 8.362 tỷ đồng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tieu-thu-du-bao-suy-yeu-trien-vong-kinh-doanh-nam-2023-cua-masan-ra-sao-202322394134102.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/