Tiếp tục khơi thông dòng vốn hàng trăm nghìn tỷ đang 'đóng băng' trong BĐS

Nếu những khó khăn pháp lý của các dự án được tháo gỡ, các ngân hàng thương mại mới có điều kiện và cơ sở để cho vay.

Một trong những dự án được TP HCM lựa chọn gỡ vướng. (Ảnh: Hải Quân).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa có buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tập trung hoàn thành công tác kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận,… địa bàn có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác,… Yêu cầu hoàn thành trước 20/4/2023.

Đối với Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ chủ trì việc xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí được thụ hưởng Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 33; xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại phân khúc bất động sản dựa vào tiềm năng, thanh khoản của thị trường để làm cơ sở cho tổ chức tín dụng xem xét nới lỏng các điều kiện cho vay mà không đánh đồng chính sách với các dự án có rủi ro ban hành trong tháng 4/2023.

Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn về việc áp dụng quy hoạch khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc do khâu tổ chức thực hiện, thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh như vấn đề đất công ích xen kẽ trong dự án, xác định giá đất,…

Đồng thời, chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc để xác định rõ nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền và tổng hợp các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội (chỉ rõ các điều khoản của quy định, văn bản là nguyên nhân các vướng mắc) gửi về Tổ công tác trước ngày 25/4 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Khoảng 800.000 tỷ đồng 'đóng băng' trong các dự án

Theo một thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), cả nước hiện có hàng nghìn dự án bất động sản đang triển khai nhưng phải tạm dừng, với giá trị đầu tư khoảng 800.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 30 tỷ USD), trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội. 

Tại Hội nghị toàn quốc về bất động sản do Thủ tướng chủ trì hồi tháng 2 vừa qua cũng đã chỉ ra khó khăn của bất động sản hiện nay chủ yếu là vấn đề pháp lý (chiếm 70%). Nếu những khó khăn pháp lý này được tháo gỡ, các tổ chức tín dụng mới có điều kiện thúc đẩy giải ngân tín dụng bất động sản, từ đó góp phần tăng tín dụng chung cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch VNREA cho rằng, ba điểm nghẽn lớn của thị trường bất động sản là tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và pháp lý đang đã được Chính phủ nhìn nhận và vào cuộc một cách quyết liệt. Niềm tin của các nhà đầu tư đang được củng cố khi Chính phủ liên tiếp ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Liên quan đến điểm nghẽn pháp lý, ông Đính cho biết, các bộ ngành, địa phương cũng đang vào cuộc rất quyết liệt. Mới đây nhất là Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được ban hành. Có thể nói Nghị định này là “phát súng” đầu tiên trực tiếp giải quyết một số vấn đề của Luật Đất đai, tháo gỡ những điểm nghẽn rất lớn của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

"Tới đây sẽ có nhiều hơn những văn bản ra đời và theo đó, sẽ có nhiều dự án trong hàng nghìn dự án đang nằm đắp chiếu chờ đợi chính sách sẽ được cởi trói, cung cấp nguồn cung mới cho thị trường”, Chủ tịch VARS nói.

Vị này cho rằng, khi các chính sách ngấm dần cộng thêm sự nỗ lực, đồng hành từ các phía, thị trường sẽ sẵn sàng bước vào chu trình “rã đông”. Tuy nhiên, chu trình này là “rã đông” tự nhiên, cần thời gian và sẽ diễn ra rất từ từ.

Quý I/2023 được coi là khoảng thời gian gần cuối của quá trình “sàng lọc tự nhiên”. Sau thời gian này, thị trường sẽ ghi nhận sự loại bỏ hàng loạt các đối tượng không phù hợp từ doanh nghiệp đến môi giới ra khỏi cuộc chơi. Đây chính là tiền đề cơ sở để thị trường sau đó sẽ phát triển một cách có chọn lọc, minh bạch hơn, bền vững hơn và chắc chắn hơn.

“Thị trường chờ đợi động thái tháo gỡ nút thắt cuối cùng, cũng là nút thắt quan trọng nhất đó là điều chỉnh các quy định pháp luật, để có thể phê duyệt hàng nghìn dự án đang án binh bất động đợi luật mới”, chuyên gia cho hay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tiep-tuc-khoi-thong-dong-von-hang-tram-nghin-ty-dang-dong-bang-trong-bds-202341783015887.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/