'Tiến sỹ tận thế' dự báo chứng khoán Mỹ giảm 25% trong suy thoái, những doanh nghiệp yếu sẽ lâm nguy

Ông Nouriel Roubini, Giáo sư danh dự tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York kiêm Tổng Giám đốc Roubini Macro Associates, thường được gọi là Dr. Doom (Tiến sỹ tận thế) vì ông từng đưa ra những dự báo kinh tế bi quan nhưng khá chính xác như cuộc khủng hoảng 2008.

Ông Nouriel Roubini trong một buổi hội thảo. (Ảnh: Getty Images)

Lời cảnh báo cho nước Mỹ

Trong năm nay, ông Roubini đã cảnh báo rằng kinh tế Mỹ không thể tránh khỏi suy thoái và một cuộc khủng hoảng nợ đi cùng với tình trạng lạm phát đình trệ trên quy mô toàn cầu sẽ “nối gót”.

Đối với thị trường chứng khoán, gần đây, chỉ số S&P 500 đã phục hồi từ mức thấp nhất trong tháng 10. Tuy nhiên, ông Roubini vẫn dự báo về mức giảm mạnh của của chỉ số blue chip này.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Roubini phân tích rằng trong một cuộc suy thoái ngắn và nông, thông thường, chỉ số S&P 500 sẽ giảm 30% từ mức đỉnh đến đáy. Do đó, “ngay cả khi chúng ta chỉ bị suy thoái nhẹ”, chỉ số này sẽ còn giảm thêm 15%.

Ông lưu ý: “Nếu chúng ta trải qua một suy thoái nghiêm trọng hơn nhưng không đến mức như cuộc suy thoái 2008, chỉ số S&P 500 có khả năng giảm thêm 25%”.

 

Các "công ty xác sống" bên bờ vực sụp đổ

Theo ông Roubini, những dấu hiệu đầu tiên của cuộc suy thoái kinh tế sắp tới sẽ xuất hiện trên thị trường tín dụng, đặc biệt là khoản nợ của những "công ty xác sống" (tức là những công ty vay quá nhiều nợ và dựa vào các mô hình kinh doanh không bền vững).

Ông Roubini dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ buộc phải tăng lãi suất lên 6% để chống lạm phát, khiến nhiều công ty xác sống rơi vào cảnh túng quẫn.

Ông lưu ý nếu suy thoái sắp xảy ra, nghĩa vụ trả nợ của nhiều tổ chức sẽ tăng đáng kể. Vì vậy, tình trạng căng thẳng trên thị trường tín dụng sẽ gia tăng và nhiều công ty xác sống rơi vào vỡ nợ.

 

Theo Fortune, ngân hàng Goldman Sachs ước tính 13% các công ty có trụ sở tại Mỹ được liệt vào danh sách xác sống. Tổng Giám đốc công ty nghiên cứu chứng khoán New Constructs, David Trainer, cho rằng hiện có khoảng 300 công ty xác sống đang giao dịch trên sàn chứng khoán.

Ông Roubini nhận định các công ty xác sống đã nhận được cứu trợ trong cuộc khủng hoảng COVID-19 với lãi suất gần bằng 0 và các chương trình nới lỏng định lượng của Fed, thông qua hoạt động mua chứng khoán thế chấp và trái phiếu chính phủ để thúc đẩy cho vay và đầu tư vào nền kinh tế.

Ông nói: “Trước cuộc khủng hoảng COVID, Fed đã bày tỏ lo ngại về khu vực doanh nghiệp. Trong cuộc khủng hoảng COVID, những công ty xác sống không những không phá sản mà còn được cứu trợ và thậm chí các tổ chức này còn vay mượn nhiều hơn”.

Tuy nhiên, ông Roubini cho rằng thời kỳ tươi sáng cho các công ty xác sống đã qua khi Fed tăng mạnh lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát. 

Khủng hoảng nợ và lạm phát đình trệ

Sau nhiều năm áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, những cú sốc về nguồn cung và vấn đề lạm phát đình trệ đang gây sức ép lên núi nợ khổng lồ của khu vực công và tư nhân.

Trong cuốn sách mới mang tên “MegaThreats: 10 Dangerous Trends That Imperil Our Future, and How to Survive Them” (tạm dịch là Những mối đe dọa khổng lồ: 10 xu hướng nguy hiểm với tương lai của chúng ta và cách để sống sót"), ông Roubini cũng cảnh báo về khả năng xảy ra khủng hoảng nợ do lãi suất tăng và khối nợ của khu vực công cũng như tư nhân kỷ lục.

Tỷ lệ nợ của cả khu vực công lẫn tư so với GDP toàn cầu đã tăng từ 200% năm 1999 lên 350% vào năm 2021. Theo số liệu của Fed, tại Mỹ, khoản nợ doanh nghiệp phi tài chính đã chạm mức kỷ lục 12.583 tỷ USD trong quý II/2022.

(Nguồn: Trà My tổng hợp từ Fed St. Louis).

Trong bài viết gần đây trên trang Project Syndicate, ông Roubini cho rằng việc các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất trong nỗ lực kiềm chế lạm phát đã gây ra một gánh nặng gấp ba lần. Một số tập đoàn, tổ chức tài chính và chính phủ phải đối mặt với chi phí đi vay tăng mạnh, nguồn thu giảm, trong khi giá trị tài sản cũng giảm.

Tồi tệ hơn, những diễn biến trên lại trùng khớp với sự quay trở lại của tình trạng lạm phát đình trệ (lạm phát cao cùng với tăng trưởng yếu). Lần cuối cùng các nền kinh tế phát triển trải qua tình trạng này là vào những năm 1970. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, tỷ lệ nợ rất thấp.

Ông nhấn mạnh khi lãi suất tăng lên, những khoản nợ sẽ trở nên không bền vững, dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng thấy trước đây. Ông nói: “Một cuộc khủng hoảng nợ siêu to khổng lồ và tình trạng lạm phát đình trệ có thể bị trì hoãn nhưng không thể tránh khỏi”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tien-sy-tan-the-du-bao-chung-khoan-my-giam-25-trong-suy-thoai-nhung-doanh-nghiep-yeu-se-lam-nguy-202212910926251.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/