Thương nhân sợ suy thoái, giá kim loại công nghiệp cắm đầu sau chuỗi ngày thăng hoa

Thị trường kim loại công nghiệp sắp sửa ghi nhận quý tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi giá đồng loạt đi xuống bởi nhà đầu tư lo ngại rằng nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào hố sâu suy thoái.

Gió đổi chiều

Theo ghi nhận của hãng tin Bloomberg, giá đồng - chỉ báo quan trọng về sức khoẻ của nền kinh tế, đã bước vào thị trường giá xuống khi lao dốc nghiêm trọng từ mức đỉnh 4 tháng trước.

Trong khi đó, giá thiếc cắm đầu 21% - đánh dấu tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng những năm 1980 từng khiến hoạt động mua bán ở London bị đóng băng trong 4 năm.

Trên Sàn Giao dịch Kim loại London ngày 24/6, giá đồng đã chạm mức thấp nhất trong 16 tháng là 8.122,5 USD/tấn. Cũng tính riêng trong tháng 6 năm nay, giá đồng đã mất 11% - đang trên đà trở thành một trong các tháng giảm sâu nhất trong 30 năm qua.

Các kim loại khác từ nhôm đến kẽm cũng lao dốc. Chỉ số Bloomberg Industrial Metals Spot Subindex đã mất 26% trong quý II, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2008.

Thị trường kim loại bị thiệt hại nặng nề hơn so với các hàng hoá khác như nông sản và năng lượng. Chỉ số Bloomberg Energy Spot Subindex đã tăng khoảng 10% kể từ cuối tháng 3, trong khi chỉ số tương tự cho nông sản giảm 9,7%.

Các diễn biến mới đây là một cú đảo chiều ngoạn mục so với hai năm trước, khi giá kim loại tăng mạnh nhờ nền kinh tế phục hồi sau các đợt phong toả kéo dài, các dự báo lạm phát và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Hiện giờ, áp lực lạm phát đang phình to và nguồn cung vẫn rất eo hẹp. Tuy nhiên, giá của nhiều kim loại công nghiệp lại đang giảm mạnh vì thị trường lo lắng rằng hoạt động công nghiệp ở các nền kinh tế lớn và nhu cầu của Trung Quốc lao dốc.

 

Đồng được sử dụng trong hầu hết các lĩnh vực, từ máy móc công nghiệp nặng đến thiết bị điện tử tiên tiến. Điều đó đồng nghĩa rằng thị trường đồng có liên kết chặt chẽ với sự chuyển dịch của nền kinh tế.

Vì vậy, đà giảm của giá đồng có thể được coi là một tín hiệu từ thị trường hàng hoá nói chung rằng nỗ lực kìm giá của các ngân hàng trung ương đang đạt được một số thành công ban đầu, Bloomberg nhận xét.

Thậm chí, diễn biến giá kim loại vẫn không khả quan hơn dù Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng dịch. Một số thương nhân còn đang đặt cược rằng giá đồng sẽ tiếp tục giảm sâu hơn.

Chia sẻ với Bloomberg qua điện thoại, bà Amelia Xiao Fu - trưởng bộ phận chiến lược hàng hoá tại hãng tư vấn BOCI Global Commodities, cho hay: “Ngay cả khi Trung Quốc phục hồi trong nửa cuối năm, họ cũng sẽ không thể kéo giá kim loại trở lại mức cao”.

“Thời kỳ đỉnh cao đó đã qua rồi. Nếu các nền kinh tế lớn khác rơi vào suy thoái, thì kinh tế Trung Quốc cũng không thể tăng trưởng với tốc độ đặc biệt được”, bà Xiao Fu nhấn mạnh.

Hoạt động sản xuất tại đất nước tỷ dân đang đi xuống và các thước đo của S&P Global tuần trước cho thấy sản lượng công nghiệp của châu Âu đã thu hẹp lần đầu tiên sau hai năm. Cùng lúc, sản lượng công nghiệp của Mỹ cũng chạm mức đáy 23 tháng.

Bloomberg dẫn lời các nhà phân tích lưu ý thêm, mức độ bán tháo trên thị trường đồng và các kim loại khác chứng tỏ nhà đầu tư tin rằng nhu cầu sẽ giảm mạnh hơn nhiều trong những tuần tới.

Dù giá đang hạ nhiệt, nguồn cung của đồng và một số kim loại khác vẫn đang bị siết chặt. Trong bối cảnh tồn kho trên toàn cầu giảm mạnh và không có nguồn bổ sung đáng kể, Goldman Sachs cảnh báo rằng nhu cầu sụp đổ (demand destruction) có thể là yếu tố cần thiết để giảm bớt căng thẳng trên thị trường.

 

Vì đâu nên nỗi?

Giá kim loại công nghiệp bắt đầu đi xuống vào đầu tháng này, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đồng thời cảnh báo rằng nỗ lực ghìm cương lạm phát có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái.

Tuy nhiên, đà bán tháo trên thị trường kim loại lại tăng tốc vào tuần trước, ngay cả khi các nhà đầu tư ở những thị trường khác đã bắt đầu dự đoán rằng chu kỳ thắt chặt chính sách của Fed sẽ kết thúc sớm hơn.

Ngân hàng trung ương Mỹ cảnh báo rằng họ không thể kiểm soát được các yếu tố ở phía cung - vốn là các động lực từng giúp những hàng hoá như dầu thô tăng giá. Song, việc Fed tăng lãi suất có thể tác động tức thì tới hoạt động chi tiêu tuỳ ý của người tiêu dùng.

Vì lẽ đó, sự bùng nổ nhu cầu kim loại ở các lĩnh vực như bất động sản, sản xuất xe hơi và hàng hoá lâu bền có thể khép lại. Chưa kể, khi doanh nghiệp đối mặt với chi phí đi vay cao hơn, nhu cầu của các lĩnh vực khác như xây dựng, máy móc công nghiệp cũng có nguy cơ sụt giảm, mà các ngành này tiêu thụ rất nhiều kim loại.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thuong-nhan-so-suy-thoai-gia-kim-loai-cong-nghiep-cam-dau-sau-chuoi-ngay-thang-hoa-2022628161752460.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/