Thước đo thành công của startup sẽ thay đổi trong năm 2023

Hệ sinh thái startup đã trải qua hai thái cực trái ngược nhau trong giai đoạn 2021 - 2022. Bước sang năm mới 2023, các chuyên gia nhận định đây là thời điểm để phân định "kẻ thắng, người thua" trong giới startup khi các phương pháp đánh giá mới xuất hiện.

Động lực cho sự thành công của hệ sinh thái startup trong năm 2021, giai đoạn có thể coi là bùng nổ nhất của các công ty khởi nghiệp, đã không kéo dài sang năm 2022, theo chuyên trang công nghệ Techcrunch.

Khi lãi suất và lạm phát tăng vọt, những thách thức địa chính trị nảy sinh và nền kinh tế bắt đầu có xu hướng đi xuống, việc gọi vốn và đầu tư mạo hiểm đã cho thấy dấu hiệu chậm lại đáng kể trong suốt cả năm 2022.

Tuy nhiên, nếu năm 2022 là một năm của các động lực chuyển đổi mô hình, thì năm 2023 sẽ là năm chúng ta xác định “kẻ thắng người thua”, và quan trọng hơn,  các phương pháp đánh giá thành công rõ ràng hơn sẽ xuất hiện đối với các startup.

Các phương pháp để đánh giá về thành công của một startup sẽ thay đổi trong năm 2023. (Ảnh: Mbaroi).

Bối cảnh cho các công ty phần mềm

Hệ sinh thái công nghệ đã chứng kiến một số đợt suy thoái (mặc dù không có đợt suy thoái nào có ý nghĩa) kể từ khi điện toán đám mây nổi lên như một xu hướng thống trị hơn một thập kỷ trước, nhưng lạm phát rõ ràng là “một con quái vật” mới đối với nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái này.

Đã 30 năm trôi qua kể từ khi lạm phát bắt đầu trở thành một yếu tố tác động trực tiếp tới nền kinh tế vĩ mô. Khi lạm phát ở mức 7%, nếu doanh nghiệp không tăng trưởng ít nhất ngang bằng mức đó, thì quy mô của doanh nghiệp đó nhiều khả năng sẽ bị thu hẹp.

Song song với lạm phát, các yếu tố khác cũng đang thay đổi. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, giai đoạn tăng trưởng sản phẩm trong hệ sinh thái công nghệ đã phát triển nhanh chóng, nhưng giờ đây ngân sách và chi tiêu đang bị thắt chặt, buộc các doanh nghiệp phải “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua cơn bão.

Thế giới đang bước vào những ngày đầu năm 2023 với rất nhiều vấn đề đã biết và khả năng dự báo những gì sắp xảy ra là rất hạn chế. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là năm nay các startup sẽ tập trung vào việc hoàn thiện hơn là đốt tiền mở rộng quy mô như những gì từng diễn ra trong quá khứ.

Các yếu tố dự báo thành công

Trong môi trường kinh tế vĩ mô hiện nay, những nhà đầu tư sẽ tìm kiếm các số liệu về tính hiệu quả như tỷ suất lợi nhuận gộp cao, tỷ lệ duy trì gộp mạnh (có bao nhiêu khách hàng tiếp tục đăng ký mỗi năm), khả năng mở rộng nhanh chóng trong phạm vi khách hàng, giảm chi phí thu hút khách hàng, chu kỳ bán hàng ngắn hơn và bán hàng hiệu quả.

Đặc biệt, tỷ lệ giữ chân gộp sẽ rất quan trọng, bởi vì các công ty phải có khả năng giữ chân khách hàng để ổn định kế hoạch tăng trưởng năm 2023. Trong một môi trường kinh tế mà việc duy trì ngân sách gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ duy trì gộp cao có thể là tín hiệu cho thấy khách hàng yêu thích sản phẩm của doanh nghiệp và nhận được giá trị thực từ chúng.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi con đường hòa vốn dựa trên bảng cân đối kế toán hiện tại của các doanh nghiệp thông qua các số liệu như đốt tiền mặt dưới dạng bội số của doanh thu thuần định kỳ hàng năm mới.

Giả sử doanh nghiệp có tỷ lệ giữ chân gộp cao, thì việc đốt tiền mặt có thể hợp lý, nhưng sẽ không hợp lý nếu công ty đó đang đốt nhiều vốn hơn số tiền kinh doanh mới tích lũy được.

Khi tốc độ tăng trưởng giảm, nhiều công ty đang cắt giảm tỷ lệ đốt tiền tương ứng, dẫn đến làn sóng sa thải ngay cả ở những công ty có bảng cân đối kế toán và vị thế lớn mạnh trên thị trường.

Điểm quảng cáo ròng của khách hàng (NPS) cũng là một chỉ số đóng vai trò quan trọng với thành công của startup. Vai trò của chỉ số này thậm chí còn quan trọng hơn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ngày nay.

NPS có trong tất cả số liệu tài chính có liên quan trong một doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng tạo ra nhiều giá trị cho khách hàng, công việc kinh doanh càng phát triển thì khả năng định giá và duy trì hiệu quả càng được nâng cao.

Năm 2023 sẽ là thời điểm để các startup đánh giá lại ngân sách. Với các startup cần nhiều vốn để phát triển, hệ số định giá giảm có thể khiến các nhà đầu tư không hài lòng. Techcrunch nhận định năm 2023 sẽ có nhiều thương vụ “không công khai” được thực hiện hơn.

Ngoài ra, các startup cũng có thể tính đến phương án sáp nhập. Khi có những công ty lớn tham gia cùng thị trường, họ có thể giúp startup cải thiện quy mô và tăng các đề xuất giá trị cho khách hàng.

Phần mềm và công nghệ thay đổi thế giới startup

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không chắc chắn như hiện tại, các startup được dự đoán sẽ áp dụng công nghệ tự động hóa nhiều hơn để tăng hiệu quả làm việc. Tương tự như cách công nghệ đã giúp con người duy trì công việc trong thời kỳ đại dịch, việc áp dụng các công nghệ mới cũng có thể giúp nhiều startup giảm bớt tác động từ suy thoái.

Những thay đổi trong cách lĩnh vực giúp nâng cao hiệu quả có thể giúp startup huy động vốn dễ hơn, được thể hiện rõ qua việc giới đầu tư đã rót hàng trăm triệu USD cho các startup công nghệ và chuyển đổi số.

Ngay trong những ngày đầu năm 2023, các nền tảng AI như ChatGPT, Github Copilot và Stable Diffusion đã gây được tiếng vang, có thể giúp con người hoàn thành các công việc như lập trình, viết lách hay thậm chí cả tranh luận. Những công nghệ như vậy có thể sẽ tiếp tục phát triển lên một bậc cao hơn trong năm nay.

Dù bày tỏ sự lạc quan, song cũng không ít người tỏ ra lo ngại về khả năng thương mại hóa hoặc tạo ra các startup tăng trưởng bền vững của AI khi những vấn đề liên quan tới bản quyền, độ tin cậy, quyền riêng tư,… vẫn luôn tồn tại trong suốt thời gian qua.

Dẫu vậy, các sản phẩm này vẫn sẽ xuất hiện và tạo ra giải pháp mới cho con người trong năm tới. Dù làn sóng sa thải đã ảnh hưởng tới hàng chục nghìn người trong suốt thời gian qua, song vẫn có nhiều công ty, đặc biệt là những startup có tham vọng, đang cần nhân tài. Do đó, những startup có khả năng chuyển đổi vốn nhanh, phát triển bền vững, có thể sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong năm mới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thuoc-do-thanh-cong-cua-startup-se-thay-doi-trong-nam-2023-20231127487928.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/