Thực hư nguồn gốc virus covid-19 và tại sao nhiều cuốn tiểu thuyết như dự đoán được tương lai?

Nguồn gốc của virus covid-19 đang là chủ đề được quan tâm và bàn tán sôi nổi. Bên cạnh những nghiên cứu của các nhà khoa học thì còn có nhiều tin đồn và thuyết âm mưu dựa trên trí tưởng tượng phong phú và một cuốn tiểu thuyết viết từ gần 40 năm trước.

Thực hư nguồn gốc virus covid-19 và tại sao nhiều cuốn tiểu thuyết như dự đoán được tương lai? - Ảnh 1.

Dịch covid-19 được phát hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Ảnh minh họa: Shutterstock.

Covid-19 được phát triển trong phòng thí nghiệm hay tiến hóa trong tự nhiên?

Dịch virus corona (covid-19) đến nay đã làm ít nhất 75.700 người lây nhiễm và hơn 2.100 người tử vong. Các nạn nhân chủ yếu là ở Trung Quốc nhưng cũng có nhiều ca ở các nước khác trong đó có Việt Nam. Các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế liên tục cập nhật tin tức dịch bệnh.

Ngoài những thông tin chính thống và xác thực còn có cả những thuyết âm mưu về nguồn gốc của loại virus chết chóc này.

Một trong những tin đồn được lan truyền rộng rãi những ngày qua là virus covid-19 do con người tạo ra trong một phòng thí nghiệm ở ngay tâm dịch Vũ Hán, không phải do tiến hóa trong tự nhiên rồi lây từ động vật sang người.

Tin đồn này có lẽ bắt nguồn từ việc Viện Virus học Vũ Hán là nơi có cơ sở dữ liệu lớn nhất về các loại virus liên quan đến loài dơi và cũng là tổ chức đầu tiên xác định virus covid-19 có quan hệ trực tiếp tới một chủng virus hoang dã từng tìm thấy ở dơi.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), nhà nghiên cứu Shi Zhengli của Viện Virus học Vũ Hán đã phải đăng lên mạng xã hội WeChat: “Tôi xin thề với cả mạng sống của mình rằng loại virus mới này không liên quan gì tới phòng thí nghiệm của chúng tôi hết”.

Nhiều nhà khoa học khác đã lên tiếng phản bác nhưng những thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus vẫn lan tràn khắp nơi.

Tại Mỹ, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton từng phát biểu trên Đài truyền hình Fox News cuối tuần qua rằng virus covid-19 có thể xuất phát từ một “phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4”.

An toàn sinh học cấp độ 4 (BSL-4) là cấp độ an toàn sinh học cao nhất của Trung Quốc và Viện Virus học Vũ Hán thuộc nhóm BSL-4 này.

Các chuyên gia dịch tễ học hàng đầu thế giới gồm Giáo sư Ian Lipkin của Đại học Columbia, Edward Holmes từ Đại học Sydney và Kristian Andersen từ tổ chức Scripps Research mới đây đã công bố một nghiên cứu lập luận rằng có nhiều dấu hiệu về mặt di truyền cho thấy virus covid-19 không được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Nghiên cứu này được đăng trên diễn đàn khoa học Virological và chưa được bình duyệt. Theo các nhà khoa học này, virus covid-19 là sản phẩm của quá trình tiến hóa tự nhiên.

Nghiên cứu dựa vào dữ liệu giải trình tự bộ gen của virus covid-19 và các chủng virus corona đã biết trước đây để xác định những chỉ báo quan trọng trong quá trình tiến hóa của cấu trúc virus covid-19.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng nếu covid-19 không tiến hóa tự nhiên mà được phát triển theo mô hình thí nghiệm thì một trong các chỉ báo quan trọng (liên quan đến khả năng bám lấy tế bào cơ thể người) sẽ đột biến khác đi rất nhiều.

Các tác giả cũng cho biết những đặc tính độc đáo của protein gai (spike protein) là một bằng chứng khác thể hiện covid-19 không phải sản phẩm của phòng thí nghiệm.

Giáo sư Roy Hall của Đại học Queensland cũng đồng ý với các bằng chứng và kết luận mà nhóm nghiên cứu của giáo sư Lipkin - Holmes - Andersen đưa ra. Giáo sư Hall là chuyên gia về cấu trúc protein của virus và không tham gia trực tiếp vào nghiên cứu của ba nhà khoa học trên.

“Mục đích của nghiên cứu này là để khẳng định tin đồn ‘covid-19 được con người tạo ra trong phòng thí nghiệm’ là không có cơ sở. Và tôi hoàn toàn đồng ý với kết luận của nghiên cứu, dựa theo những bằng chứng mà nhóm tác giả đã trình bày”, SCMP dẫn lời Giáo sư Roy Hall nói.

Nhóm nghiên cứu cũng nói thêm rằng nếu covid-19 được phát triển trong phòng thí nghiệm thì nó phải được xây dựng trên một mẫu virus từng được biết đến trước đây, nhưng các phân tích cũng không ủng hộ giả thuyết này.

Thực hư nguồn gốc virus covid-19 và tại sao nhiều cuốn tiểu thuyết như dự đoán được tương lai? - Ảnh 2.

Các nhà khoa học chỉ ra rằng nhiều thông tin di truyền của virus covid-19 cho thấy nó không phải do con người tạo ra trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Tân Hoa xã.

Hôm qua 19/2, tập thể 27 nhà khoa học đã đăng một bức thư tại tạp chí y khoa Lancet, bày tỏ sự đồng lòng ủng hộ với đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế Trung Quốc đang mạo hiểm trên tuyến đầu phòng chống dịch covid-19.

27 nhà khoa học này còn "cực lực lên án những thuyết âm mưu cho rằng covid-19 không có nguồn gốc tự nhiên. Nhiều nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia đã thực hiện nghiên cứu và kết luận rằng covid-19 bắt nguồn từ động vật hoang dã".

Một số nhà khoa học chỉ ra hai con đường tiến hóa mà covid-19 có khả năng đi qua. Con đường thứ nhất là virus tiến hóa theo quá trình chọn lọc tự nhiên qua các vật chủ là động vật rồi mới sang con người.

Con đường thứ hai là tổ tiên của loài virus này từ động vật nhảy sang con người và sự thích nghi sau đó xảy ra trong quá trình lây nhiễm từ người sang người, cho tới khi covid-19 đủ mạnh để làm dịch bệnh bùng phát.

Cuốn tiểu thuyết rùng rợn gần 40 năm trước đã tiên đoán được dịch covid-19 hay tất cả chỉ là sự ngẫu nhiên?

Những thuyết âm mưu về nguồn gốc virus covid-19 dường như được củng cố bởi cuốn sách The Eyes of Darkness (tạm dịch là Bóng đêm có mắt) được nhà văn Dean Koontz xuất bản năm 1981.

Truyện kể về người mẹ Christina Evans đau khổ khi cậu con trai Danny không may qua đời trong một chuyến đi cắm trại. Tuy nhiên sau đó bà liên tục nhận thấy nhiều dấu hiệu đáng ngờ và nhóm lên tia hi vọng rằng con trai mình vẫn còn sống.

Bà lần theo từng dấu vết trong hơn một năm ròng và tìm thấy Danny ở một một căn cứ quân sự của Mỹ. Tại đây người mẹ được tin con trai mình đã nhiễm loại virus cực kì nguy hiểm do một phòng thí nghiệm của quân đội Trung Quốc tạo ra.

Một nhà khoa học Trung Quốc là Li Chen đã đào ngũ và mang theo dữ liệu về loại virus này chạy đến Mỹ, giao cho quân đội Mỹ nghiên cứu. Một nhà khoa học Mỹ đã dính loại virus này rồi đi ra ngoài căn cứ quân sự và lây nhiễm cho cậu bé Danny.

Theo cuốn sách của Dean Koontz, phòng thí nghiệm của quân đội Trung Quốc tạo ra loại virus nói trên nằm ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và loại virus quái ác đó có tên gọi Vũ Hán - 400 (Wuhan-400).

Vào tháng 12/2019, dịch covid-19 cũng được phát hiện lần đầu tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và địa phương này hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới. Viện Virus học Vũ Hán (cơ sở an toàn sinh học cấp cao nhất Trung Quốc) nằm cách thành phố Vũ Hán chỉ 32 km.

Cuốn sách của Dean Koontz còn miêu tả nhiều chi tiết rùng rợn về virus Vũ Hán - 400 (và khác xa virus covid-19 hiện nay) như:

- Thời gian ủ bệnh cực nhanh, chỉ sau 4 tiếng đồng hồ là bệnh nhân đã có triệu chứng và có thể lây từ người sang người.

- Virus này tấn công vào não nạn nhân và ăn hết tế bào não dễ dàng như "dung dịch a-xít ăn hết một miếng vải".

- Đa phần bệnh nhân tử vong sau 12 giờ nhiễm bệnh, không ai sống được quá 24 giờ, tỉ lệ tử vong là 100% (cậu bé Danny là trường hợp ngoại lệ duy nhất)

- Virus này chỉ tấn công con người và không tồn tại được quá một phút bên ngoài môi trường cơ thể người. Nó không gây ô nhiễm lâu dài môi trường sống như vi khuẩn than (anthrax) nên được coi là một "vũ khí hoàn hảo", kẻ xấu có thể dùng nó để hủy diệt cả một thành phố nhưng sau đó không cần phải thực hiện một chiến dịch khử trùng làm sạch tốn kém.

Dean Koontz là một trong những nhà văn xuất sắc và có năng suất sáng tạo rất cao trên thế giới. Từ năm 1968 đến nay, ông đã cho ra đời hơn 80 cuốn tiểu thuyết và 74 tác phẩm giả tưởng ngắn. Hiện nay ông đang sống với vợ ở bang California, Mỹ.

Tại sao một nhà văn Mỹ từ gần 40 năm trước dường như lại có khả năng dự đoán được một dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc như vậy?

Tờ SCMP dẫn lời anh Albert Wan, chủ hiệu sách Bleak House Books cho biết Vũ Hán từ lâu đã là nơi có rất nhiều cơ cở nghiên cứu khoa học, bao gồm về vi sinh vật học và virus học.

“Những nhà văn thông minh, tài giỏi như Dean Koontz chắc chắn biết điều này và đã sử dụng một chút thông tin có thực để thêu dệt nên một câu chuyện giả tưởng vừa thuyết phục vừa gây rúng động. Và thế là cái tên virus Vũ Hán - 400 ra đời”, anh Albert Wan nói.

Nhà văn người Anh Paul French cho biết nhiều nhân tố xoay quanh các loại virus ở Trung Quốc có liên quan tới thời Chiến tranh thế giới thứ 2 và điều này đã phần nào ảnh hưởng tới lối suy nghĩ ở Dean Koontz.

“Thời chiến tranh, quân đội Nhật Bản chắc chắn đã nghiên cứu vũ khí hóa học ở Trung Quốc. Nhật còn thừa nhận đã lưu trữ vũ khí hóa học ở chính Vũ Hán”.

Bìa cuốn sách The Eyes of Darkness năm 1981 của nhà văn Dean Koontz có nhiều chi tiết trùng hợp với dịch covid-19 năm 2020. Ảnh: Amazon.

Bìa cuốn sách The Eyes of Darkness năm 1981 của nhà văn Dean Koontz có nhiều chi tiết trùng hợp với dịch covid-19 năm 2020. Ảnh: Amazon.

Ông Pete Spurrier, người quản lí nhà xuất bản Blacksmith Books ở Hong Kong cho rằng khi một nhà văn muốn viết một câu chuyện giật gân về đại dịch xuất phát từ Trung Quốc thì Vũ Hán là một lựa chọn hợp lí.

“Vũ Hán nằm bên bờ sông Dương Tử chảy theo hướng Tây - Đông, và trên tuyến đường sắt cao tốc hướng Bắc - Nam. Vũ Hán nằm ngay giữa mạng lưới giao thông ở trung tâm Trung Quốc và do vậy là địa điểm lí tưởng để khởi đầu một dịch bệnh giả tưởng, hay thậm chí là dịch bệnh thật”.

Nhà văn Hong Kong Chan Ho-kei cho rằng việc một cuốn sách giả tưởng có khả năng tiên tri như trường hợp Wuhan-400 không phải là hiếm.

“Nếu chịu khó tìm kiếm, tôi tin là mọi người sẽ tìm được điềm báo trước cho hầu như tất cả mọi sự kiện”, SCMP dẫn lời nhà văn Chan Ho-kei nói. Cũng theo ông, sự trùng hợp này là hoàn toàn ngẫu nhiên và chắc chắn phải xảy ra về mặt xác suất thống kê, cũng giống như một con khỉ gõ bừa liên tục không ngừng trên một chiếc máy đánh chữ thì rồi cuối cùng cũng ra một câu có nghĩa.

“Xác suất rất thấp nhưng vẫn có thể xảy ra”, ông Chan nói.

Ông chỉ ra rằng cuốn tiểu thuyết Futility xuất bản năm 1898 nói về một chiếc du thuyền khổng lồ có tên Titan chìm xuống đáy Đại Tây Dương sau khi va phải một tảng băng trôi. Tàu Titanic cũng va phải băng và chìm trên Đại Tây Dương, 14 năm sau đó.

Một ví dụ khác, cuốn Debt of Honor năm 1994 của tiểu thuyết gia quân sự nổi tiếng Tom Clancy kể về vụ không tặc chiếm lấy một chiếc máy bay thương mại rồi đâm vào tòa nhà quốc hội Mỹ, không khác biệt nhiều với vụ khủng bố 11/9/2001.

“Các nhà văn viễn tưởng thường cố gắng tưởng tượng thế giới sẽ biến đổi ra sao và hoàn toàn có khả năng một trong số những điều họ viết ra sẽ trở thành hiện thực”, nhà văn Chan Ho-kei nói.

Nhiều tác phẩm của nhà văn Dean Koontz đã được chuyển thể thành phim chiếu rạp hoặc phim truyền hình nhưng cuốn The Eyes of Darkness với câu chuyện về loại virus chết chóc Vũ Hán - 400 vẫn chưa có được vinh quang này. Có lẽ sự trùng hợp lạ lùng với dịch covid-19 sẽ thay đổi vận may của cuốn sách.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thuc-hu-nguon-goc-virus-covid-19-va-tai-sao-nhieu-cuon-tieu-thuyet-nhu-du-doan-duoc-tuong-lai-20200220145001548.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/