Thu nhập ước tính của các công ty sản xuất chip trên toàn cầu giảm sâu sau 14 năm

Môi trường kinh tế vĩ mô bất ổn cùng với nhu cầu sử dụng chip sụt giảm đã khiến các nhà sản xuất chip hàng đầu như Samsung, AMD, Nvidia,... gặp rất nhiều khó khăn trong năm nay.

Một loạt cảnh báo về sự sụt giảm nhu cầu sử dụng chất bán dẫn được đưa ra bởi Micron Technology Inc. và Samsung Electronics Co. đang buộc các nhà phân tích phải giảm dự báo về thu nhập của các công ty trong ngành với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2008, theo Bloomberg.

Đi từ sự bùng nổ đến sự sụp đổ trong vòng chưa đầy một năm, ngành công nghiệp bán dẫn hiện đang chuẩn bị cho một cơn bão dự kiến ​​sẽ tấn công tất cả doanh nghiệp, từ các nhà sản xuất chip nhớ đến các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn và nhà sản xuất bộ vi xử lý máy tính. Chỉ số về ngành công nghiệp chất bán dẫn Philadelphia tiêu chuẩn đã giảm 42% trong năm nay. Đây là mức giảm lớn nhất trong 14 năm khi nhu cầu đang ở mức đáy.

Theo đơn vị theo dõi dữ liệu thị trường Gartner, thị trường máy tính cá nhân toàn cầu đã chứng kiến ​​sự sụt giảm lớn kỷ lục trong quý thứ III, chủ yếu do sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu cũng như động lực mua sắm máy tính trong đại dịch đã yếu đi rõ rệt khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát. Đây là quý thứ 4 liên tiếp mà thị trường PC toàn cầu chứng kiến doanh số sụt giảm.

Các tín hiệu đáng ngại khác cũng xuất hiện từ những dự báo ban đầu của các nhà sản xuất chip khi họ nhận thấy giá trị lượng hàng tồn kho đang tăng lên rõ rệt. Samsung, Micron và Advanced Micro Devices Inc. là những doanh nghiệp mới nhất đưa ra cảnh báo về sự ảm đạm của ngành bán dẫn.

Rất nhiều nhà sản xuất chip dã hạ dự báo về thu nhập trong năm nay. (Ảnh: CSN).

Kỳ vọng về lợi nhuận của ngành chip trong năm 2022 đã giảm 16% trong ba tháng qua, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Các nhà phân tích của Citigroup Inc. nhận thấy nhiều điều bất ổn đang đến và dự đoán rằng chỉ số Philadelphia sẽ còn giảm hơn nữa khi cuộc khủng hoảng chip ngày càng lớn.

Christopher Danely, một nhà phân tích tại Citigroup, cho biết: “Tình hình hiện tại là tương đối ảm đạm với ngành bán dẫn. Trong tương lai gần, mọi thứ có thể còn tệ hơn nữa. Đây mới chỉ là khởi đầu của sự suy thoái và mọi công ty cũng như mọi thị trường cuối cùng sẽ cảm nhận được sự khó khăn này”.

Nvidia Corp., nhà sản xuất chip khổng lồ của Mỹ, đã chứng kiến giá trị vốn hóa thị trường giảm tới 544 tỷ USD so với mức đỉnh vào tháng 11/2021. Giá cổ phiếu của Nvidia trên Philadelphia Index đã giảm 2% vào ngày 11/10, qua đó chạm mức thấp nhất trong gần hai năm.

Peter Garnry, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư chứng khoán tại Ngân hàng Saxo cho biết: “Sự lao dốc này là điều đáng lo ngại”. Ông cũng chỉ ra rằng nhu cầu về điện tử tiêu dùng đang suy giảm nhanh chóng có thể sẽ là một trong những nguyên nhân kéo thị trường chip đi xuống.

Ngoài sự suy thoái theo chu kỳ, căng thẳng trong mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung cũng khiến tương lai của ngành bán dẫn trở nên u ám. Phía Washington mới đây đã công bố những hạn chế mới đối với cách các công ty chip của quốc gia này có thể hợp tác và kinh doanh với ngành công nghệ của Trung Quốc. Những hạn chế này có thể đè nặng lên các công ty đầu ngành như Nvidia và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC).

Thực tế, không phải tất cả thông tin đến với ngành chip hiện tại đều là tin xấu. Vẫn có một số thông tin tích cực cho lĩnh vực này. Chẳng hạn, thông thường, khi giá cổ phiếu chạm đáy trước khi thu nhập của doanh nghiệp chạm đáy có nghĩa là mọi thứ có thể sẽ thay đổi nếu tình hình được cải thiện trong năm 2023.

Các doanh nghiệp châu Á có thể phục hồi sớm hơn

Thực tế, ngành chip đã bắt đầu chứng kiến một số thay đổi. Sự thay đổi đầu tiên phải kể đến ở khu vực châu Á khi ngân hàng đầu tư nổi tiếng Morgan Stanley dự đoán ngành chip ở khu vực này sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại ở giai đoạn nửa cuối năm 2023.

Các nhà phân tích dẫn đầu bởi chuyên gia Joseph Moore viết: “Chúng tôi nhận thấy thị chứng khoán châu Á đang trỗi dậy từ suy thoái nhanh hơn thị trường chứng khoán Mỹ vì đa số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ còn chưa có hướng đi xuống dù bối cảnh chung của thị trường vẫn là lao dốc”.

Không phải tất cả các nhà đầu tư và các chuyên gia đều lạc quan rằng ngành công nghiệp bán dẫn sẽ có sự phục hồi nhanh như vậy. Theo Richard Windsor, nhà sáng lập của đơn vị nghiên cứu độc lập Radio Free Mobile, sự phục hồi có thể sẽ chưa diễn ra vào năm 2024, thời điểm lạm phát hạ nhiệt và nhu cầu sử dụng chip được cải thiện.

Ngay cả đối với các nhà sản xuất chip nhớ đã chứng kiến nhu cầu sử dụng giảm mạnh trong thời gian qua, ông Richard Windsor vẫn cho biết “không thể nói trước được” khi nào thì mức đáy sẽ đến và mức độ đó sẽ lớn như thế nào.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thu-nhap-uoc-tinh-cua-cac-cong-ty-san-xuat-chip-tren-toan-cau-giam-sau-sau-14-nam-2022101275818788.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/