Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung thành 'thất bại lịch sử', Trung Quốc hụt 40% so với cam kết

Chuyên gia của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét ngay từ đầu các mục tiêu của thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã phi thực tế, và COVID-19 đã xóa sạch mọi cơ hội thành công ít ỏi.

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung thành 'thất bại lịch sử', Trung Quốc hụt 40% so với cam kết - Ảnh 1.

Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng 1/2020. (Ảnh: EPA-EFE).

Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại vào 1/2020. Các điều kiện trong thỏa thuận có hiệu lực sau một tháng, với Trung Quốc cam kết trong hai năm 2020 - 2021 sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ so với mức của năm 2017.

Nhưng theo báo cáo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) công bố ngày 7/2, Trung Quốc chỉ mua 57% lượng hàng hóa Mỹ theo cam kết, "thậm chí còn không bằng mức nhập khẩu trước thương chiến". 

Ông Chad Brown, thành viên cao cấp của PIIE viết trong báo cáo: "Hai năm trước, Tổng thống Donald Trump ký văn bản mà ông gọi là "thỏa thuận thương mại lịch sử" với Trung Quốc, buộc Trung Quốc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trước 31/12/2021. Ngày hôm nay, yếu tố "lịch sử" duy nhất không thể chối cãi của thỏa thuận đó là sự thất bại của nó".

"Bài học rút ra là không ký kết thỏa thuận không thể được hoàn thành khi những sự việc bất ngờ xảy ra – trong trường hợp này là đại dịch và suy thoái. Bài học khác là không quên mất những chính sách bổ sung cần thiết để thỏa thuận có cơ hội thành công".

"Sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã phá hỏng bất kỳ cơ hội thành công nào của thỏa thuận. Các lệnh phong tỏa và cuộc suy thoái kinh tế ngắn diễn ra cùng với sự sụp đổ tạm thời trong thương mại hàng hóa toàn cầu, dẫu cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thoát nạn. Hạn chế đi lại cũng gây tổn hại tới xuất khẩu dịch vụ của Mỹ như du lịch và đi công tác".

Trong một phần của thỏa thuận, Trung Quốc cam kết tăng mua một số hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong năm 2020 và 2021 thêm ít nhất 200 tỷ USD so với mức năm 2017. Dưới thỏa thuận, Trung Quốc đồng ý mua ít nhất 227,9 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trong 2020 và 274,5 tỷ USD trong 2021, đạt tổng cộng 502,4 tỷ USD trong hai năm.

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung thành 'thất bại lịch sử', Trung Quốc hụt 40% so với cam kết - Ảnh 2.

https://twitter.com/ChadBown/status/1491150443921440768/photo/1

Ông Bown viết thêm: "Ngoài mục tiêu 200 tỷ USD phi thực tế, 18 tháng thương chiến leo thang trước đó khiến các nhà xuất khẩu hàng hóa Mỹ phải bắt đầu từ hố sâu".

"Đầu tiên doanh nghiệp Mỹ phải thiết lập lại kết nối với người mua Trung Quốc để thoát khỏi mức đáy năm 2019 - thấp hơn 13,6 tỷ USD so với năm cơ sở 2017 của thỏa thuận - rồi sau đó mới bán ra thêm 200 tỷ USD".

"Rốt cuộc Trung Quốc không mua thêm chút hàng hóa nào chứ đừng nói đến 200 tỷ USD. Trong 2020-2021, Trung Quốc nhập khẩu ít hơn 13,6 tỷ USD so với mức cơ sở năm 2017".

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung thành 'thất bại lịch sử', Trung Quốc hụt 40% so với cam kết - Ảnh 3.

Trong hai năm 2020 - 2021, Trung Quốc chỉ nhập khẩu từ Mỹ tổng cộng 276 tỷ USD, kém xa mục tiêu tăng 200 tỷ USD so với mức của năm 2017.

Theo báo cáo, nhập khẩu nông sản thực tế theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một đạt 83% mục tiêu. Xuất khẩu thịt heo, ngô, lúa mì và cao lương của Mỹ đều vượt quá cam kết, đặc biệt ngô đạt 1.176%.

Tuy nhiên theo ông Bown, việc Trung Quốc tăng mua các mặt hàng trên "chưa chắc là nhờ thỏa thuận" do dịch tả heo châu Phi buộc Trung Quốc nhập khẩu thêm thịt từ Mỹ trong 2019. Nhập khẩu ngô và lúa mì gia tăng sau khi Trung Quốc bắt đầu tuân thủ quyết định năm 2019 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Lượng nhập khẩu hàng hóa sản xuất của Mỹ, "khoản mục có ý nghĩa kinh tế quan trọng nhất của thỏa thuận", đạt 59% mục tiêu tổng thể. Nhập khẩu hàng hóa năng lượng Mỹ của Trung Quốc chỉ đạt 37% cam kết.

Thương chiến Mỹ-Trung đã làm phát sinh thuế quan áp lên 550 tỷ USD hàng hóa, bao gồm 350 tỷ USD hàng Trung Quốc, càng khiến quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thêm căng thẳng.

Tình trạng này kéo dài trong chính quyền mới bất chấp cuộc họp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11/2021.

"Thỏa thuận giai đoạn một của Trump với "người bạn cực kỳ tốt" Tập Cận Bình không phải hoàn toàn vô dụng. Chí ít thì nó đã ngừng thương chiến leo thang", ông Bown nói thêm.

"Một vài yếu tố của thỏa thuận cũng nên được giữ lại, đặc biệt là cam kết của Trung Quốc về dỡ bỏ rào cản kỹ thuật đối với hàng nông sản xuất khẩu của Mỹ, tôn trọng sở hữu trí tuệ và mở cửa lĩnh vực dịch vụ tài chính của nước này".

Thỏa thuận không có cơ hội thành công

Tuần trước, Phó Đại diện Thương mại Mỹ Sarah Bianchi thừa nhận rằng Trung Quốc đã thất bại trong việc thực hiện cam kết theo thỏa thuận, và Nhà Trắng đang tiếp tục thảo luận với Bắc Kinh.

Bà Bianchi phát biểu trong một hội nghị trực tuyến: "Rõ ràng là Trung Quốc chưa thực hiện được cam kết theo thỏa thuận giai đoạn một. Đó là điều chúng tôi đang cố xử lý".

Theo dữ liệu công bố ngày 8/2, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng 14,5% lên 353,3 tỷ USD, mức cao nhất kể từ kỷ lục 418,2 tỷ USD năm 2018.

Ông Bown nhấn mạnh: "Chính quyền Biden không đáng trách vì Trung Quốc chưa bao giờ bắt kịp các cam kết mua hàng. Thỏa thuận của ông Trump được nhất trí vào ngày 13/12/2019 và ký kết vào ngày 15/1/2020. Đến tháng 6/2020, nhập khẩu của Trung Quốc chỉ đạt 54% mục tiêu và đến cuối năm thì chỉ hoàn thành 59% cam kết cho toàn năm 2020".

"Trung Quốc không hề có khả năng bắt kịp, vì thỏa thuận này theo chiều tăng tiến, với cam kết mua hàng bổ sung cho 2021 cao hơn 60% so với 2020".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thoa-thuan-thuong-mai-my-trung-thanh-that-bai-lich-su-trung-quoc-hut-40-so-voi-cam-ket-20220209162202808.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/