Thị trường ô tô Trung Quốc: Các ông lớn Mỹ và phương Tây ngày càng mất chỗ đứng, nhà sản xuất nội địa 'lên ngôi'

Trong bối cảnh thế giới đang có xu hướng dịch chuyển sang xe điện, việc những ông lớn phương Tây như Volkswagen, Daimler, General Motors,... chậm chạp trong quá trình thay đổi là cơ hội để các nhà sản xuất nội địa Trung Quốc như BYD, Xpeng,... vươn lên để chiếm lĩnh thị trường.

Trong 4 thập kỷ qua, người mua Trung Quốc rất yêu thích các dòng xe phương Tây. Điều này đã khiến thị trường Trung Quốc trở thành “mỏ vàng” cho các nhà sản xuất ô tô từ Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, khi xe điện dần thay thế xe xăng, sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc cũng thay đổi. Các nhà sản xuất nội địa Trung Quốc chiếm thị phần lớn trên thị trường xe điện ở quốc gia này, qua đó khiến những ông lớn như Volkswagen hay BMW có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, theo Bloomberg.

Xe điện Trung Quốc ngày càng "lên ngôi" ở quê nhà

Theo số liệu của Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc (PCA), các nhà sản xuất ô tô trong nước chiếm gần 80% doanh số bán xe điện trong 7 tháng đầu năm. Những công ty như BYD, Xpeng hay Hozon New Energy Automobile đã bán chạy hơn hai liên doanh của Volkswagen tại thị trường tỷ dân.

Sự thay đổi diễn ra khi thị trường ô tô Trung Quốc đang có xu hướng sử dụng xe điện nhiều hơn. Hơn 25% ô tô mới bán ra trong tháng 7 là xe điện, tăng lên so với cùng kỳ năm trước. PCA đã nâng dự báo doanh số bán hàng xe điện cho cả năm 2022 lên 6 triệu chiếc, gấp đôi con số của năm 2021. Theo BloombergNEF, doanh số bán xe điện tại Trung Quốc có thể đạt 22,3 triệu chiếc vào năm 2040, chiếm gần 1/3 thị trường xe điện toàn cầu.

Thị phần xe điện của các nhà sản xuất tại Trung Quốc. (Nguồn: Bloomberg).

Đối với những gã khổng lồ toàn cầu như Daimler, General Motors và Volkswagen, Trung Quốc là một thị trường mà họ không thể mắc sai lầm. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nước ngoài có nguy cơ bị tụt lại phía sau khi các công ty sản xuất xe điện Trung Quốc dường như đã đi trước một bước. Ngoài ra, khi nhu cầu sử dụng xe điện của Trung Quốc tăng lên, doanh số bán xe xăng của các nhà sản xuất ô tô lâu đời có thể cũng giảm đi, dẫn đến sự chậm chân của các công ty này.

Yale Zhang, CEO công ty tư vấn Autoforesight có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Các nhà sản xuất ô tô lâu đời hầu như không có bất kỳ khả năng cạnh tranh nào trong các sản phẩm điện khí hóa của họ. Họ đang phụ thuộc rất nhiều vào xe xăng. Tuy nhiên, câu chuyện về xe điện lại là một phạm trù khác”.

Charley Xu, một đối tác của Tập đoàn Tư vấn Boston ở Thượng Hải cho biết ngành công nghiệp xe điện đòi hỏi tính kinh tế quy mô và khả năng sinh lời. “Một lợi thế quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô cũ là dòng tiền mà họ kiếm được từ việc bán ô tô chạy xăng. Nó có thể cung cấp cho họ thời gian và vốn để bắt kịp các đối thủ mới".

Một ngoại lệ tại thị trường Trung Quốc là Tesla của tỷ phú Elon Musk, công ty đứng thứ ba trong năm nay về doanh số bán lẻ xe điện, chiếm 7,5% thị phần. Tesla là nhà sản xuất ô tô nước ngoài duy nhất được phép hoạt động tại Trung Quốc mà không cần đối tác địa phương, một đặc quyền mà không phải ai cũng giành được.

Tuy nhiên, tất cả những thứ này có thể không đủ để giúp Tesla né tránh khỏi việc bị chỉ trích, giống như nhiều thương hiệu nước ngoài khác tại Trung Quốc như Nike hay H&M. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã triệu tập các Giám đốc điều hành Tesla chi nhánh Trung Quốc để thảo luận về một số vấn đề mà họ lo ngại, đồng thời cũng cấm xe Tesla di chuyển đến một số cứ điểm quân sự nhất định.

Giá rẻ, lợi thế của các xe điện Trung Quốc

Theo Tổng thư ký PCA Cui Dongshu, lợi thế chính của các thương hiệu nội địa là giá cả. Ở một quốc gia mà nhiều người vẫn chưa mua được chiếc ô tô đầu tiên, giá cả là điều quan trọng nhất. Một trong những loại xe điện phổ biến nhất ở Trung Quốc là Hongguang Mini của liên doanh SAIC-GM-Wuling Automobile Co., có giá khởi điểm chỉ từ 4.700 USD.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc khác cũng đang thực hiện các bước để tạo sự khác biệt cho mình. Hozon nhắm mục tiêu đến các gia đình ở các thành phố nhỏ hơn và các khu vực nông thôn với những chiếc sedan có giá khởi điểm dưới 12.000 USD. Xpeng đã đầu tư rất nhiều vào các tính năng lái xe tự động cho phép chủ sở hữu ô tô giao các nhiệm vụ như chuyển làn và ra vào đường cao tốc trên những con đường được chỉ định.

Chiếc Nio ES8 có giá rẻ hơn nhiều sản phẩm cùng phân khúc của các nhà sản xuât nước ngoài. (Ảnh: Bloomberg).

Trong một chiến lược thực tế hơn, Nio đang xây dựng một mạng lưới rộng khắp các trạm thay pin để thu hút những người mua có thể không có bộ sạc trong khu chung cư của họ. Thay vào đó, chủ sở hữu có thể lái xe vào một trong các trạm do rô bốt điều khiển và tháo pin đã cạn rồi đổi lấy pin đã sạc đầy trong vòng ít nhất ba phút. Đáng chú ý, người điều khiển thậm chí còn không phải bước xuống xe.

Các phiên bản xe điện mới hơn của Nio và Xpeng đã thiết kế hệ thống giọng nói thông minh tương tác, tương tự như Alexa của Amazon.com Inc. Những trợ lý kỹ thuật số trên ô tô như vậy có thể giúp hạ cửa kính, phát nhạc và thậm chí trò chuyện kiểu với người lái xe. Những điều này đã khiến các dòng xe điện Trung Quốc trở nên phổ biến hơn trong các gia đình trẻ.

Sự chuyển mình chậm chạp của các ông lớn

Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô nước ngoài đang có bước chuyển mình tương đối chậm hơn. Volkswagen đã giới thiệu dòng xe điện ID tại Trung Quốc vào cuối năm 2020, gần ba năm sau khi Nio và Xpeng tung ra những chiếc xe đầu tiên. GM dự kiến ​​sẽ cung cấp cho khách hàng Trung Quốc chiếc Cadillac chạy điện hoàn toàn đầu tiên vào cuối năm nay còn chiếc Audi điện khí mới được xây dựng trên nền tảng Premium Platform Electric sẽ không gia nhập thị trường cho đến ít nhất là cuối năm 2024.

Một số nhà sản xuất nước ngoài đã tụt hậu so với các thương hiệu Trung Quốc trong việc cập nhật các tính năng quan trọng đối với người mua, chẳng hạn như khả năng lập bản đồ và điều hướng cũng như kết nối với các ứng dụng giải trí và truyền thông xã hội phổ biến của Trung Quốc.

Mặc dù bán những chiếc ô tô hạng sang với giá ở mức cao nhất thị trường là điều tốt cho lợi nhuận của một nhà sản xuất ô tô truyền thống, nhưng ở một quốc gia có 1,4 tỷ dân mà tỷ lệ sở hữu ô tô chỉ bằng 1/4 so với Mỹ, thì điều đó vô tình cũng khiến các nhà sản xuất ô tô truyền thống mất đi hàng trăm triệu khách hàng tiềm năng.

Ông Yale Zhang cho biết: “Không có nhiều sự trung thành trong nhóm người tiêu dùng Trung Quốc. Miễn là họ tìm thấy những chiếc xe điện mới giá cả phải chăng và đáng tin cậy, họ sẽ dễ dàng chuyển từ Volkswagen, Nissan hoặc Toyota sang các thương hiệu đó”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thi-truong-o-to-trung-quoc-cac-ong-lon-my-va-phuong-tay-ngay-cang-mat-cho-dung-nha-san-xuat-noi-dia-len-ngoi-202298113318218.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/