Thị trường NFT: Xu hướng toàn cầu mang nhiều lợi ích cho nền kinh tế, các nhà đầu tư Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi

Từ game, âm nhạc, hội họa,... NFT đã và đang len lỏi đến phần lớn các mảng kinh doanh khác nhau, qua đó tạo nên cơn sốt trong suốt năm qua.

NFT là gì? Vì sao NFT có giá đắt đỏ?

NFT (Non-fungible token) là một đơn vị dữ liệu kỹ thuật số dựa trên nền tảng công nghệ blockchain giống như Bitcoin, dùng để tạo ra một mã độc nhất cho một sản phẩm bất kỳ trong thế giới thực và không thể thay thế bằng các mã khác.

NFT có thể thay thế bất kỳ thứ gì bằng kỹ thuật số, chẳng hạn như một bản vẽ, một bài hát, giày dép, biển số xe,…. Điều này có nghĩa NFT không thể giao dịch theo cách thông thường giống như tiền điện tử, theo NDTV. NFT được quản lý bởi quản lý bởi một sổ cái kỹ thuật số và tất cả các giao dịch đều được thực hiện trực tuyến.

Theo Trgdatacenters, NFT hoạt động giống như một mã thông báo mật mã, chúng không thể hoán đổi cho nhau giống như tiền điện tử. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi NFT có thể đại diện cho một tài sản hoàn toàn khác nhau và có giá trị thay thế rõ ràng.

Năm 2021, sự quan tâm dành cho các tài sản NFT đã tăng lên, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc. Một số cái tên đã phát hành sản phẩm âm nhạc dưới dạng NFT có thể kể đến như nhóm nhạc rock Kings of Leon hay nhạc sĩ Claire Boucher, bạn gái cũ tỷ phú Elon Musk.

Thị trường NFT: Xu hướng toàn cầu mang nhiều lợi ích cho nền kinh tế, các nhà đầu tư Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi - Ảnh 1.

The Hashmasks - tài sản NFT được bán với giá cả triệu USD. (Ảnh: The Hashmasks).

Cũng trong năm 2021, một số tài sản NFT đắt nhất mọi thời đại đã được bán với những mức giá không tưởng. NFT rất đắt bởi chúng là tài sản độc nhất, không có cái thứ hai và không thể làm nhái. NFT sẽ mã hóa các sản phẩm ngoài đời thực để chủ sở hữu có giấy chứng nhận quyền sở hữu, có thể bán được và xác nhận nội dung là nguyên bản.

Theo dữ liệu từ Google Trends, một số tài sản NFT đắt nhất được bán trong năm qua có thể kể đến như dòng Tweet đầu tiên (2,9 triệu USD), Doge NFT (4 triệu USD), Grimes NFT (6 triệu USD), Rick and Morty NFT (1,6 triệu USD), CryptoPunks #7084 (7,5 triệu USD), mã nguồn World Wide Web NFT (5,4 triệu USD),… Đặc biệt, hiện nay tại bang California (Mỹ), có một chiếc biển số xe độc nhất với hai chữ "MM" là tài sản NFT đang được rao bán với giá lên tới 24,3 triệu USD.

Từ những điều này có thể thấy NFT đang là xu hướng toàn cầu. Không chỉ những công ty công nghệ như Facebook, Google, Microsoft,… dành sự quan tâm cho NFT mà ngay cả những người hoạt động trong các lĩnh vực khác như âm nhạc, nghệ thuật, đầu tư,… cũng bắt đầu chú ý đến loại tài sản này. Thậm chí, không ít người chấp nhận bỏ ra cả triệu USD để sở hữu những tài sản độc nhất này.

Lợi ích của NFT với nhà đầu tư, người sáng tạo và nền kinh tế

Năm 2020, khi nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, cũng là lúc mọi người quan tâm nhiều hơn tới giá trị sợi dây liên kết giữa nền kinh tế và công nghệ. Sự xuất hiện của NFT đúng vào thời điểm này có thể đánh dấu sự chuyển giao trên thị trường giao dịch trực tuyến, thay đổi cách con người suy nghĩ về giá trị của các tài sản kỹ thuật số.

Theo Forbes, khi thị trường tạo điều kiện cho NFT tiếp tục phát triển, chúng ta sẽ thấy có nhiều nền tảng được tạo ra hơn, qua đó gia tăng mức độ phổ biến của NFT cũng như quản lý các giao dịch. Đây là lý do tại sao sự quan từ các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) tới thị trường NFT tăng vọt trong năm qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngoài ý nghĩa với người tiêu dùng và nhà đầu tư, NFT còn được thiết lập để phá vỡ quan niệm xưa cũ về quyền sở hữu. Vì các giao dịch được theo dõi trên một sổ cái kỹ thuật số, nên có thể biết chính xác ai đã thực hiện giao dịch mua, thời điểm diễn ra và số tiền người mua đã chi.

NFT giống như một sự đổi mới về kinh tế, cho phép người sáng tạo ở bất kỳ đâu trên thế giới giao dịch và thanh toán nhanh gọn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thị trường giao dịch đang mở rộng phạm vi, vươn ra ngoài khuôn khổ biên giới một quốc gia.

Thị trường NFT: Xu hướng toàn cầu mang nhiều lợi ích cho nền kinh tế, các nhà đầu tư Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi - Ảnh 2.

Tổng khối lượng giao dịch NFT trên kênh OpenSea 6 tháng đầu năm 2021. (Nguồn: Messari - Quốc Anh tổng hợp).

Theo báo cáo từ Reuters, chỉ tính trong nửa đầu năm 2021, giá trị giao dịch NFT đã cán mốc 2,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng trong tháng 6/2021, tổng giá trị giao dịch trên OpenSea, một nền tảng chuyên bán tài sản NFT đạt mức 150 triệu USD.

Mặc dù ý nghĩa pháp lý và quy định của thị trường NFT chưa rõ ràng, có sự khác nhau ở nhiều quốc gia, nhưng sự phổ biến ngày càng tăng đối với người tiêu dùng và những lợi thế mà chúng mang lại cho người sáng tạo cũng như nền kinh tế có thể khiến các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn, qua đó tạo ra những bộ luật và quy định rõ ràng hơn với NFT.

Thị trường NFT Việt Nam và cơ hội cho nhà đầu tư

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển thị trường NFT và tập trung chủ yếu vào mảng game. Sự xuất hiện của tựa game NFT Axie Infinity thực sự đã gây sốt cộng đồng game trong thời gian qua.

Thị trường NFT: Xu hướng toàn cầu mang nhiều lợi ích cho nền kinh tế, các nhà đầu tư Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi - Ảnh 3.

Tựa game gây sốt trong thời gian qua, Axie Infinity. (Ảnh: Axie Infinity).

Axie Infinity là một tựa game được phát triển bởi Sky Mavis, một studio có trụ sở tại TP HCM vào năm 2018. Theo Vietnamnet, cả CEO, ART Director và Game Designer của Axie Infinity đều là người Việt Nam, do vậy có thể coi đây là một tựa game thuần Việt.

Mã thông báo chính thức của trò chơi này được gọi là AXS (Axie Infinity Shards). Tính đến đầu tháng 7/2021, tổng vốn hóa thị trường của trò chơi này đạt mức 874 triệu USD. Theo ghi nhận của trang Decrypt, trò chơi này đang tiếp đà tăng trưởng với giá trị mã AXS tăng 17,2% tính đến hết ngày 13/7. Kết phiên giao dịch ngày 13/7, mã AXS được giao dịch ở mức 20,89 USD.

Với mức giá này, theo ghi nhận của Vietnamnet, tổng giá trị vốn hóa của Axie Infinity đạt mức xấp xỉ 1,3 tỷ USD, biến tựa game này trở thành dự án "tiền ảo" Việt Nam có tổng mức vốn hóa lớn nhất từng được biết đến.

Ngoài game, NFT cũng bắt đầu len lỏi sang những lĩnh vực khác tại Việt Nam. Theo báo Thanh Niên, một họa sĩ 14 tuổi có tên Xèo Chu trong năm qua đã thu về gần 23.000 USD từ việc bán một bức tranh có tên "Hoa mai may mắn" trên sàn NFT. Đây cũng chính là bức tranh của họa sĩ Việt có giá cao nhất trên sàn từ trước đến nay. Trước Xèo Chu, Phong Lương và Tú Na là hai nghệ sĩ Việt Nam từng tham gia triển lãm tranh trên sàn Binance NFT.

Thị trường NFT: Xu hướng toàn cầu mang nhiều lợi ích cho nền kinh tế, các nhà đầu tư Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi - Ảnh 4.

Họa sĩ Xèo Chu. (Ảnh: Thanh Niên)

Bên cạnh đó, một phòng trưng bày nghệ thuật có tên Hoi An Soul đã xuất hiện, qua đó trở thành phòng trưng bày nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam chào bán các tác phẩm nghệ thuật trên công nghệ blockchain.

Trong buổi tọa đàm do S-World tổ chức với chủ đề: "Làn sóng NFT thay đổi ngành đầu tư như thế nào?", ông Kendrick Nguyễn, Giám đốc điều hành Republic.co chia sẻ NFT đang làm tốt nhiệm vụ giúp người sử dụng nhận được nhiều giá trị nhất có thể nhờ vào một hệ thống liền mạch, trọn vẹn và tiết kiệm chi phí khi tham gia vào hệ sinh thái này.

Đồng thời, ông cũng nói thêm rằng Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ hai trên thế giới về mức độ phổ biến tiền mã hoá, theo Khảo sát Người tiêu dùng Toàn cầu của Statista năm 2020. Vì vậy, ông nhận định tiềm năng phát triển NFT và tiền kỹ thuật số ở Việt Nam là rất cao.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thi-truong-nft-xu-huong-toan-cau-mang-nhieu-loi-ich-cho-nen-kinh-te-cac-nha-dau-tu-viet-nam-cung-khong-nam-ngoai-cuoc-choi-20211105111123573.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/