Thị trường cà phê 'hưng phấn' đầu niên vụ 2018 - 2019

Trong ba tháng đầu niên vụ 2018 - 2019, tiêu thụ cà phê trên thế giới tăng trưởng tích cực kéo giá phục hồi ngay từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, thị trường vẫn quan ngại khi niên vụ này được dự báo dư cung, gây áp lực lên giá cà phê.

Chỉ số giá cà phê phục hồi ngay từ đầu năm

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), chỉ số giá cà phê ICO trong tháng 1 tăng 0,9% lên 101,56 UScent/pound.

Sau khi khởi đầu tháng 1 không mấy thuận lợi chỉ ở mức 99,16 UScent/pound do giá cà phê liên tục giảm, chỉ số giá cà phê bứt tốc vào giữa và cuối tháng, đạt 103,58 UScent/pound tính đến ngày 31/1.

thi truong ca phe hung phan dau nien vu 2018 2019
Chỉ số giá cà phê trong tháng 1. Nguồn ICO

Giá cà phê arabica Colombia trong tháng 1 tăng khoảng 1,1% lên 129,28 UScent/pound.

Giá cà phê arabica của một số nước khác cũng ghi nhận mức tăng tương tự lên 128,46 UScent/pound.

Giá cà phê robusta tăng 0,9% lên 78,24 UScent/pound.

Điều gì hỗ trợ giá cà phê?

Theo ICO, tỉ giá đồng real của Brazil so với USD phục hồi và lượng cà phê xuất khẩu trong quý đầu tiên của niên vụ 2018 - 2019 tăng cũng góp phần hỗ trợ giá cà phê trong đầu năm 2019.

Cụ thể, trong tháng 12/2018, thế giới xuất khẩu 10,43 triệu bao cà phê (tương đương 631.800 triệu tấn), tăng 0,9% so với tháng 12/2017.

Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica của Brazil và Colombia tăng 19,1% và 8,9% lên lần lượt 3,95 triệu bao và 1,67 triệu bao.

Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê arabica của các nước khác giảm 11,8% xuống 1,67 triệu bao; đồng thời xuất khẩu cà phê robusta cũng giảm 11,3% xuống 3,39 triệu bao.

thi truong ca phe hung phan dau nien vu 2018 2019
Thị trường cà phê 'hưng phấn' đầu niên vụ 2018 - 2019. Ảnh minh họa

Tính chung trong ba tháng đầu tiên của niên vụ 2018 - 2019 (từ tháng 10 đến tháng 12/2018), tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của cả thế giới tăng 8,1% lên 30,91 triệu bao.

Trong đó, xuất khẩu cà phê arabica của Colombia tăng 5% lên 3,97 triệu bao; xuất khẩu cà phê robusta tang 4,5% lên 10,28 triệu bao. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê arabica của những nước khác giảm 6,4% xuống 4,96 triệu bao.

Bên cạnh đó, sản lượng cà phê của một số nước lớn được dự báo giảm cũng góp phần tác động tích cực lên giá cà phê.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chính phủ Brazil dự báo tổng cộng sản lượng cà phê trong năm nay đạt khoảng 50 - 55 triệu bao 60 kg, giảm 15% so với vụ thu hoạch kỉ lục trong năm ngoái.

Hoạt động trồng cà phê của quốc gia này vẫn luôn tuân theo chu kì hai năm, với một năm sản lượng lớn theo sau một năm sản lượng thấp vì các cây cà phê cần phục hồi.

Sản lượng cà phê trong năm 2018 tổng cộng đạt 62 triệu bao. Brazil là quốc gia trồng cà phê lớn nhất thế giới và sản lượng tại quốc gia Nam Mỹ đã đẩy giá cà phê quốc tế xuống thấp trong nhiều năm.

Tương tự, sản lượng cà phê Việt Nam được dự đoán giảm 20% do chịu tác động của thời tiết không thuận lợi.

Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA), từ tháng 6 đến tháng 9/2018 mưa nhiều, lượng mưa cao đã ảnh hưởng lớn đến vườn cà phê các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông gây rụng trái, không đủ điều kiện cung cấp dinh dưỡng lên trái đang thời kỳ phát triển nên hạt nhỏ, trái lép nhiều, gây năng suất giảm hơn vụ trước.

Một số nơi trên 5 kg quả tươi mới được 1 kg quả nhân trong đó tỉnh Gia Lai cà phê mất mùa cao nhất.

Ngoài ra, diện tích cà phê cũng bị co hẹp khoảng 6% do người dân chuyển sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

VICOFA cho hay những năm gần đây để nâng cao hiệu quả kinh tế người dân đã phát triển trồng xen canh và tái canh vườn cà phê nên sản lượng giảm, sự chăm sóc đầu tư cho cây cà phê giảm đi so với các loại cây lâu năm khác như sầu riêng, bơ.

Giá cà phê vẫn chịu áp lực dư cung

Mặc dù vậy, giá cà phê vẫn chịu áp lực do nguồn cung niên vụ 2018 - 2019 dự báo tiếp tục dồi dào.

ICO cho biết sản lượng cà phê toàn cầu ước đạt 167,47 triệu bao trong năm mùa vụ 2018 - 2019, tăng 1,5% so với mùa vụ 2017 - 2018.

Sản lượng của cà phê arabica ước tăng 2,5% lên 104,01 triệu bao, trong khi sản lượng cà phê robusta dự báo giảm 0,1% so với năm 2017 - 2018 xuống 63,5 triệu bao.

Cùng lúc đó, trong một báo cáo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo niên vụ 2018 - 2019, dư thừa cà phê tăng mạnh lên 37,1 triệu bao. Theo đó, sản lượng cà phê ước đạt 174,5 triệu bao, tăng 15,6 triệu bao so với niên vụ 2017 - 2018. Trong khi đó, tiêu thụ cà phê chỉ tăng khiêm tốn 3,3 triệu bao lên mức 163,6 triệu bao.

Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?

Với những diễn biến khó khăn của ngành cà phê trong thời điểm hiện tại, VICOFA kiến nghị các doanh nghiệp tham gia kinh doanh xuất khẩu cà phê hạn chế tối đa việc bán xa để phòng trừ rủi ro trong kinh doanh, không ký bán giá thấp.

Tại Hội nghị các Doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu Việt Nam được tổ chức vào cuối năm 2018, các đại biểu kiến nghị VICOFA có văn bản kiến nghị các Bộ, Ban ngành và Ngân hàng nhà nước tạo điều kiện vốn vay cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê.

Điều này nhằm giúp doanh nghiệp thu mua và kinh doanh cà phê trong thời gian cao điểm sau thu hoạch (từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2019 ) và ứng tiền cho người nông dân gửi hàng, chờ chốt giá khi giá cao hơn giá thành.

VICOFA cho biết tính đến tháng 12/2018, niên vụ cà phê 2018 - 2019 đã thu hoạch trên 90% tại phần lớn các địa phương vùng nguyên liệu cà phê.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thi-truong-ca-phe-hung-phan-dau-nien-vu-2018-2019-119848.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/