Thêm nhiều hãng công nghệ Trung Quốc bị thắt chặt điều tra sau niêm yết tại Mỹ

Trung Quốc đang tiếp tục duy trì quan điểm điều hành cực kỳ nghiêm khắc với các công ty công nghệ lớn.

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) mới đây tiếp tục "giáng đón" xuống ngành công nghệ Trung Quốc với việc sẽ tiếp tục điều tra, đánh giá thêm 2 công ty công nghệ Mỹ liên quan đến các quan ngại về bảo mật quốc gia. Đây đều là những công ty gần đây thực hiện IPO tại thị trường Mỹ, theo Nikkei.

Nối gót Didi, 3 công ty công nghệ Trung Quốc vừa niêm yết tại Mỹ bị thắt chặt điều tra - Ảnh 1.

Didi bị yêu cầu gỡ ứng dụng ở Trung Quốc ngay sau khi thực hiện IPO thành công ở Mỹ vài ngày. (Ảnh: Getty).

Cụ thể, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cho biết đang điều tra Huochebang và Yunmanman (hai công ty nằm trong quyền sở hữu của Full Truck Alliance) và Boss Zhipin, một trang tuyển dụng do Kanzhun vận hành. 

Kanzhun kêu gọi được 912 triệu USD trong đợt IPO tại Mỹ vào tháng 6. Full Truck Alliance, còn được biết đến với biệt danh "Uber ngành xe tải" cũng niêm yết ở Mỹ hồi tháng trước và kêu gọi thêm 1,6 tỷ USD.

CAC nói rằng việc điều tra là để "ngăn chặn các rủi ro liên quan đến bảo mật dữ liệu quốc gia, duy trì an ninh quốc gia và đảm bảo lợi ích của cộng đồng". CAC nói rằng tất cả các công ty nói trên đều phải dừng đăng ký người dùng mới trong quá trình điều tra.

Động thái của CAC được công bố một ngày sau khi hãng gọi xe khổng lồ Didi Global bị yêu cầu tạm gỡ ứng dụng khỏi kho ứng dụng tại Trung Quốc và dừng đăng ký người dùng mới. CAC đưa ra lý do cho quyết định của mình nằm ở việc Didi vi phạm nghiêm trọng luật thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân. 

Với quyết định trên, Didi chắc chắn phải chịu nhiều tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh vì phần lớn lợi nhuận hiện tại đến từ thị trường Trung Quốc. Didi thực hiện IPO thành công ở Mỹ hô 30/6.

"Các nhà đầu tư vào IPO phải tự tin rằng họ không mua cổ phần từ các công ty có thể sớm bị phạt hoặc bị cấm vận", Brock Silvers, giám đốc đầu tư tại công ty Kaiyuan Capital, chia sẻ. Vị chuyên gia này cho rằng thị trường đại chúng có thể sẽ sớm "nghĩ lại về sự quan tâm trong dài hạn của mình cho công nghệ Trung Quốc".

Việc điều tra Didi là cần thiết để bảo vệ riêng tư cá nhân và an ninh quốc gia do Didi nắm giữ một khối lượng lớn dữ liệu, tờ Global Times viết. Theo tờ báo này, Didi đang có nhiều dữ liệu đến mức có thể dùng dữ liệu lớn để thực hiện phân tích hành vi cá nhân. Vì thế, Didi cần phải chịu một sự giám sát chặt chẽ hơn.

Global Times nói thêm rằng việc kiểm soát chặt chẽ còn đặc biệt quan trọng với các công ty như Didi sau khi Didi thực hiện IPO ở Mỹ và nhiều cổ đông là các công ty nước ngoài. Cuối tuần trước, Didi phủ nhận việc bàn giao dữ liệu người dùng Trung Quốc cho Mỹ sau khi niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York. Theo Didi, công ty này lưu trữ tất cả dữ liệu người dùng Trung Quốc và dữ liệu giao thông trên các máy chủ ở Trung Quốc.

Didi cho biết hành động của CAC ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu từ Trung Quốc và sẽ "nỗ lực để giải quyết bất kỳ vấn đề nào". Dù vậy, hoạt động của Didi tại các thi trường quốc tế không bị ảnh hưởng. Didi nói rằng ứng dụng Didi hiện không khả dụng để tải về song vẫn dùng được bình thường nếu đã cài đặt thành công trước đó.

Về phần mình, Full Truck và Kanzhun từ chối đưa ra bình luận.

SoftBank từng rót gần 11 tỷ USD vào Didi trước khi nó thực hiện IPO ở Mỹ. Theo hồ sơ đăng ký, quỹ Vision Fund của SoftBank có 20,2% cổ phần của Didi. Bên cạnh đó, Vision Fund cũng có 20.3% cổ phần trong Full Truck Alliance. Cổ phiếu của Tencent, "ông lớn" đầu tư vào cả ba công ty trong diện điều tra, giảm 3,6% ở Hong Kong xuống mức thấp nhất kể từ hôm 29/12.

Những cuộc điều tra của CAC tiếp nối đợt thắt chặt điều hành kéo dài nhiều tháng của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty công nghệ. Trước đó, giới chức cũng thực hiện nhiều cuộc điều tra liên quan đến độc quyền, bảo mật dữ liệu và riêng tư. Đáng chú ý nhất trong số này có thể kể đến việc Ant Group bị yêu cầu hoãn thực hiện IPO còn Alibaba chịu án phạt kỷ lục 2,75 tỷ USD hồi tháng 4 liên quan đến hành vi phi độc quyền.

Thống kê của Nikkei cho biết có hơn 30 công ty Trung Quốc cũng đang phải chịu các cơ chế điều hành chặt chẽ hơn, bao gồm công ty giao đồ ăn Meituan, Tencetn và JD.com.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/them-nhieu-hang-cong-nghe-trung-quoc-bi-that-chat-dieu-tra-sau-niem-yet-tai-my-20210706125549736.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/