Thất bại trước camera điện thoại, Olympus đành bán mảng kinh doanh máy ảnh

Olympus - ông lớn trong làng sản xuất máy ảnh, đã phải nói lời từ giã cuộc chơi, khi không thể cạnh tranh được với các cảm biến camera trên những chiếc smartphone ngày nay.

Hãng máy ảnh Olympus thông báo đang bán mảng kinh doanh máy ảnh của mình. Doanh nghiệp Nhật Bản đổ lỗi cho sự phát triển nhanh đến chóng mặt của nhiếp ảnh smartphone và tác động của đại dịch COVID-19

Mảng kinh doanh này sẽ về tay Japan Industrial Partners, đơn vị đã mua lại bộ phận máy tính VAIO của Sony trong năm 2014.

Thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất cuối năm nay.

Không cạnh tranh lại camera điện thoại, Olympus quyết định bán mảng máy ảnh - Ảnh 1.

Olympus quyết định bán mảng máy ảnh. Ảnh: Slash Gear.

Mặc dù quyết định bán mảng kinh doanh cốt lõi, nhưng Olympus nói rằng họ sẽ vẫn tiếp tục ra mắt những sản phẩm mới. Tuy nhiên, hãng không tiết lộ thêm thông tin cụ thể.

"Ngành công nghiệp máy ảnh đang trải qua sự suy giảm rõ rệt trong vài năm liên tiếp. Thị trường chứng kiến sự lên ngôi của ngành công nghiệp điện thoại thông minh và sự cạnh tranh gay gắt trong phân khúc máy ảnh không gương lật", Akihiko Murata - Chủ tịch Olympus chia sẻ.

Trong thông cáo phát đi, Olympus nhận định đây là giai đoạn khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất máy ảnh truyền thống.

Sự phát triển trong nhiếp ảnh smartphne đã trở thành một công cụ đắc lực của nhiều nhiếp ảnh gia, góp phần dồn các dòng máy ảnh chuyên dụng vào chân tường.

Đầu tiên, camera điện thoại đe doạ tới các mẫu máy ảnh compact với giá thành rẻ. Nhưng sau đó, ngày càng xuất hiện nhiều những chiếc điện thoại có khả năng cung cấp tính năng mà trước đó chỉ có trên các dòng máy ảnh chuyên nghiệp.

Điều thú vị là các nhà sản xuất điện thoại thông minh đã thực hiện một cách tiếp cận khác.

Thay vì dựa vào các ống kính khác nhau, họ đã tích hợp các cảm biến hoàn toàn mới cho những chiếc smartphone, như zoom quang học, ảnh góc siêu rộng hay chụp macro.

Dẫn đầu trong lĩnh vực này là Sony, đơn vị sản xuất máy ảnh cũng như sản xuất cảm biến máy ảnh.

Olympus cũng đã cố gắng tái cơ cấu, tối ưu hoá chi phí bằng cách tinh giảm lĩnh vực sản xuất, tập trung vào các ống kính cao cấp có thể thay thế được, mang lại giá trị gia tăng cao.

Mục tiêu của Olympus nhằm điều chỉnh cơ cấu thu nhập, giúp doanh thu vẫn tăng trong khi doanh số sụt giảm. Tuy nhiên, mặc cho những nỗ lực như vậy, hoạt động kinh doanh máy ảnh của Olympus đã ghi nhận khoản lỗ ròng trong 3 năm tài chính liên tiếp, kết thúc vào tháng 3/2020.

Đến nay, các điều khoản trong thương vụ mua bán vẫn chưa được hai bên công bố. Dự kiến sẽ được xác nhận vào cuối tháng 9/2020.

Không chỉ các thương hiệu như OM-D, ZUIKO và OM-D E-M5 Mark III sẽ về tay Japan Industrial Partners, mà toàn bộ mảng R&D cùng dây chuyền sản xuất máy ảnh cũng sẽ "dứt áo ra đi" trong lần này.

Olympus là cái tên lớn trong làng nhiếp ảnh. Năm 1936, Olympus lần đầu tiên giới thiệu mẫu máy ảnh và ống kính có tên Semi-Olympus I.

Năm 2003, Olympus ra mắt máy ảnh chuyên nghiệp DSLR: dòng máy E-class như E-410, E-510.

Đến nay, Olympus là công ty sản xuất các thiết bị quang học và hình ảnh lớn của Nhật Bản như kính hiển vi, ống nhòm, cốt lõi nhất là máy ảnh và ống kính. 

Nhà sản xuất này nổi tiếng với những chiếc máy ảnh sử dụng cảm biến Micro Four-Thirds.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/that-bai-truoc-camera-dien-thoai-olympus-danh-ban-mang-kinh-doanh-may-anh-20200626111223334.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/