Thành viên họ Vingroup giành chức vô địch biên lợi nhuận quý III

Cùng với một đồng doanh thu trong quý III vừa qua, doanh nghiệp nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam làm ra nhiều lợi nhuận nhất? Ngôi quán quân thuộc về hai công ty con của Tập đoàn Vingroup.

Thành viên họ Vingroup giành chức vô địch biên lợi nhuận quý III - Ảnh 1.

Một khu đô thị của Tập đoàn Vingroup. (Ảnh: Song Ngọc).

VEFAC lãi chủ yếu từ hoạt động tài chính

Trong quý III vừa qua, Công ty cổ phần Hội trợ Triển lãm Việt Nam (Vefac - Mã: VEF) ghi nhận doanh thu thuần chỉ 247 triệu đồng, lỗ gộp 3,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty vẫn có lãi sau thuế lên tới 89,5 tỷ đồng, biên lãi thuần do vậy đạt xấp xỉ 36.200%, cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Nguyên nhân là Vefac có khoản lãi từ tiền gửi, tiền cho vay gần 117 tỷ đồng. 

Quý III năm ngoái, Vefac có doanh thu chỉ 106 triệu đồng nhưng nhờ có lãi tiền gửi gần 69 tỷ, công ty vẫn báo lãi thuần hơn 56 tỷ.

Tại ngày 30/9 năm nay, VEF có khoảng 1.810 tỷ đồng tiền cho vay có thời gian thu hồi dưới 3 tháng với lãi suất 4 – 6,6% mỗi năm. Ngoài ra, công ty còn nắm giữ 1.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với kỳ hạn còn lại từ 3 đến 12 tháng với lãi suất 7,5% một năm.

Vốn điều lệ hiện nay là 1.660 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) nắm 83,3%, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp 10%.

Thành viên họ Vingroup giành chức vô địch biên lợi nhuận quý III - Ảnh 1.

Ngoài chức quán quân về biên lãi thuần, VEF còn giữ ngôi cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, kết phiên 5/11 ở mức 244.500 đồng/cp, tăng 71% so với một tháng trước.

Nhiều doanh nghiệp khác trong top biên lãi thuần quý III như CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã: NBB), CTCP Công viên nước Đầm Sen (Mã: DSN) cũng có tình hình kinh doanh tương tự như Vefac, tức là doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi rất thấp, có thể lỗ gộp, nhưng doanh thu tài chính cao, dẫn tới lãi sau thuế lớn gấp nhiều lần doanh thu thuần.

CTCP Dầu khí Đông Đô (Mã: PFL) có doanh thu tài chính rất khiêm tốn nhưng biên lợi nhuận vẫn trong top vì có khoản thu nhập khác 17,7 tỷ đồng. Giải trình của công ty cho biết thu nhập này đến từ việc được miễn giảm lãi quá hạn, giảm chi phí tài chính.

Thành viên họ Vingroup giành chức vô địch biên lợi nhuận quý III - Ảnh 3.

Vinhomes vô địch biên lợi nhuận trong nhóm doanh nghiệp lớn

Trong số những doanh nghiệp có doanh thu thuần trên 1.000 tỷ đồng, Công ty cổ phần Vinhomes (Mã: VHM) có biên lãi thuần lớn nhất là 54,1%. Vinhomes cũng là nhà vô địch lãi sau thuế quý III vừa qua với kết quả 11.195 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ 2020.

Vinhomes cho biết công ty ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ tăng doanh thu từ mảng chuyển nhượng bất động sản. Doanh thu hoạt động tài chính trong quý III là gần 1.400 tỷ, tương đương chưa đầy 7% doanh thu thuần, chi phí tài chính 512 tỷ. Thu nhập khác không đáng kể.

Trong quá khứ, đã có lần biên lãi thuần của Vinhomes lớn hơn cả biên lãi gộp do các thu nhập bất thường. Điển hình như vào quý I/2020, Vinhomes ghi nhận lợi nhuận 7.509 tỷ đồng từ chuyển nhượng khoản đầu tư tại công ty con.

Tương tự như Vefac, Vinhomes cũng là công ty con của Tập đoàn Vingroup. Hiện nay, Vingroup đang sở hữu hơn 2,23 tỷ cổ phiếu VHM, tương đương 66,66% vốn điều lệ.

Thành viên họ Vingroup giành chức vô địch biên lợi nhuận quý III - Ảnh 5.

Một doanh nghiệp bất động sản khác là Phát Đạt (Mã: PDR) ghi nhận biên lãi thuần 47,9%, đứng ngay sau Vinhomes. Xét theo biên lãi gộp, Phát Đạt dẫn đầu.

Báo cáo tài chính quý III của Phát Đạt cho thấy lợi nhuận của công ty chủ yếu đến từ lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, doanh thu tài chính và thu nhập bất thường đều không đáng kể.

Trong danh sách biên lợi nhuận khủng còn có một công ty bất động sản khác là Nhà Khang Điền (Mã: KDH); ba công ty hóa chất - phân bón là Đạm Phú Mỹ (Mã: DPM), Đạm Cà Mau (Mã: DCM), Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC).

Thành viên họ Vingroup giành chức vô địch biên lợi nhuận quý III - Ảnh 6.

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) báo cáo lãi sau thuế 10.351 tỷ đồng trong quý III/2021, chỉ đứng sau Vinhomes. Biên lãi thuần đạt 26,8%, xếp thứ 4 trong số các doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ. Đây cũng là mức biên lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử của Hòa Phát sau con số kỷ lục của quý II năm nay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/thanh-vien-ho-vingroup-gianh-chuc-vo-dich-bien-loi-nhuan-quy-iii-20211105181202802.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/