Tham vọng đứng đầu thế giới dù không có Google, Huawei chuẩn bị vay thêm 1,5 tỉ USD

Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đang có kế hoạch vay số tiền tương đương 1,5 tỉ USD sau khi đã vay khoản tiền tương tự vào tháng 7 trong nỗ lực vươn lên vị trí số 1 trên thị trường smartphone toàn cầu.

Huawei (4)

Một cửa hàng điện thoại di động của Huawei tại Việt Nam. Ảnh: Song Ngọc.

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết Huawei đang trong quá trình trao đổi với các ngân hàng Trung Quốc cũng như nước ngoài để thu xếp khoản vay 1,5 tỉ USD nói trên. Công ty mẹ của Huawei Technologies là Huawei Investment & Holding Co. sẵn lòng cung cấp một bức thư hậu thuẫn (letter of comfort) cho khoản vay.

Số tiền thu về sẽ được dùng cho các mục đích chung và bổ sung vốn lưu động. Bloomberg đã liên lạc đề nghị xác minh nhưng Huawei từ chối đưa ra bình luận.

Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất smartphone có thị phần thứ hai toàn cầu, chỉ sau đối thủ Samsung của Hàn Quốc và đứng trên Apple của Mỹ.

Trong khoảng một năm trở lại đây, Huawei đã trở thành trung tâm của cuộc chiến về thương mại và công nghệ giữa hai siêu cường kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Tháng 5/2019, chính phủ Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen về thương mại với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia, cấm tập đoàn này tiếp cận sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp Mỹ bao gồm cả Google, Microsoft, Intel, Qualcomm, …

Mặc dù vậy, Huawei không gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn trên thị trường nợ khi vay thành công 3,5 tỉ USD trong chưa đầy một năm qua.

Tháng 7/2019, Huawei huy động được khoản vay trị giá 11,7 tỉ đô la Hong Kong (tương đương 1,49 tỉ USD) từ 5 ngân hàng Trung Quốc, đánh dấu lần đầu tiên tập đoàn này huy động vốn vay ngoại mà không có sự hỗ trợ của các ngân hàng quốc tế. Tháng 12/2018, Huawei còn vay 14 tỉ nhân dân tệ ở thị trường trong nước.

Theo nguồn tin của Bloomberg, lần vay vốn tới đây của Huawei sẽ là bằng đồng đô la Hong Kong, đô la Mỹ hoặc Euro và được thực hiện qua Huawei Technologies Cooperatief Ua.

Theo báo cáo thường niên 2018, năm ngoái Huawei có dòng tiền mặt từ hoạt động kinh doanh gần 11 tỉ USD, giá trị vốn chủ sở hữu cuối năm là 34 tỉ USD, tiền mặt và đầu tư ngắn hạn gần 39 tỉ USD, doanh thu cả năm 105 tỉ USD.

Trong khi đó, tổng vay nợ của Huawei chỉ là 10,2 tỉ USD, trong số này vay trái phiếu là 4,5 tỉ USD. Có thể thấy, Huawei có dư tiềm lực để thanh toán các khoản nợ đến hạn trả.

Khi Huawei bị Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa vào danh sách cấm vận về thương mại hồi tháng 5, nhà đầu tư đã đua nhau bán tháo khiến giá trái phiếu Huawei rớt thảm. Nhưng rồi chỉ chưa đầy một tháng sau, giá đã hồi phục lại ngang với thời điểm chưa có lệnh cấm.

Giá của tất cả 4 lô trái phiếu Huawei sau đó tiếp tục đi lên và đến cuối tháng 10 năm nay đã tiến sát đỉnh lịch sử.

huawei bond

Giá trái phiếu Huawei sau khi CFO Mạnh Vãn Châu bị bắt (12/2018) và bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại (5/2019) nhưng đều nhanh chóng hồi phục. Nguồn: Bloomberg.

Gia tăng thị phần tại Trung Quốc, Huawei vẫn nuôi tham vọng thống trị thị trường smartphone thế giới

Từ góc nhìn của người tiêu dùng Trung Quốc với tư tưởng dân tộc mạnh mẽ, lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Trump là thủ đoạn nhằm kiềm chế sự lớn mạnh của Huawei nói riêng và ngành công nghệ Trung Quốc nói chung.

Chính chủ nghĩa dân tộc này đã khiến người Trung Quốc đẩy mạnh tiêu dùng hàng Trung Quốc, đặc biệt là smartphone của Huawei.

Nhờ vậy mà mặc dù chịu lệnh cấm vận thương mại của Mỹ, đồng nghĩa với việc không thể tiếp cận phần cứng như chip của Intel hay hệ điều hành của Google, ... Huawei vẫn tích cực gia tăng thị phần trong nước, bỏ xa các đối thủ như Oppo, Vivo hay Apple.

huawei

Thị phần smartphone của Huawei tại Trung Quốc tăng đột biến trong một năm qua. Nguồn: Canalys.

Trả lời phỏng vấn CNN mới đây, nhà sáng lập kiêm CEO Nhậm Chính Phi cho biết dù không có sản phẩm và dịch vụ từ Google, Huawei vẫn có thể trở thành nhà sản xuất smartphone chiếm thị phần số một toàn cầu, chỉ có điều sẽ tốn nhiều thời gian hơn so với trước.

Huawei đã nhiều lần tuyên bố rằng tập đoàn này rất muốn tiếp tục hợp tác với Google nếu có thể, tuy nhiên cũng cho biết đã chuẩn bị kế hoạch dự phòng qui mô lớn.

Cụ thể, Huawei đã tự phát triển hệ điều hành cho điện thoại di động với tên gọi Harmony (Hồng Môn) nhằm thay thế cho Android của Google. Tuy nhiên theo thống kê của Statista, Huawei chỉ có 45.000 ứng dụng cho khách hàng tải về trong khi Google Play Store có tới 2,8 triệu ứng dụng.

Ông Nhậm vẫn cho rằng Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và khi nói đến khía cạnh sáng tạo, không một nước nào - kể cả Trung Quốc - có thể vượt qua Mỹ "trong vài thập kỉ tới".

CEO Huawei còn cho rằng việc Mỹ hạn chế giao dịch giữa doanh nghiệp Mỹ với các công ty nước ngoài như Huawei có thể vô tình giúp cho các đối thủ cạnh tranh trở nên lớn mạnh hơn.

Nếu Huawei không thể làm ăn với các nhà cung ứng Mỹ, "chúng tôi sẽ phải tìm các phương án thay thế. Nếu những lựa chọn thay thế này trở nên phù hợp, tôi nghĩ chúng tôi sẽ ít có khả năng quay lại với mô hình cũ", ông Nhậm Chính Phi nói.

"Đây là một thời khắc quan trọng với tất cả chúng ta, tôi hi vọng chính phủ Mỹ có thể xem xét kĩ những gì là tốt nhất cho doanh nghiệp Mỹ", ông Nhậm nói thêm.

Dù bị Mỹ cấm vận, hoạt động kinh doanh của Huawei vẫn diễn biến khá tích cực. Doanh thu quí III/2019 tăng trưởng 27% so với cùng kì 2018.

Tính cả 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của Huawei đạt 610,8 tỉ nhân dân tệ, tương đương 86,1 tỉ USD, tăng 24% so với cùng kì năm ngoái. Doanh số bán smartphone 9 tháng tăng 26% lên mức 185 triệu chiếc. Tập đoàn này dự tính sẽ bán được hơn 250 triệu chiếc smartphone trong cả năm nay do quí IV là khoảng thời gian nhu cầu mua sắm lên cao.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tham-vong-dung-dau-the-gioi-du-khong-co-google-huawei-chuan-bi-vay-them-15-ti-usd-20191129150207682.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/