Thâm hụt ngân sách Mỹ lên đỉnh mới, chi phí lãi vay ngày càng cao

Chính phủ Mỹ đang phải vay nợ ngày càng nhiều để lấp lỗ hổng thâm hụt ngân sách. Chi phí lãi vay cũng vì thế mà lên cao, trong bối cảnh Fed đang thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Tháng 11 vừa qua, ngân sách của chính quyền liên bang Mỹ thu về 252 tỷ USD nhưng phải chi ra tới 501 tỷ USD, dẫn tới khoản thâm hụt 249 tỷ USD.

Đây là số thâm hụt ngân sách lớn nhất trong các tháng 11 từ trước đến nay, cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 19% so với tháng 11/2019 khi đại dịch chưa bùng phát.

 

Các khoản chi cho giáo dục, y tế và trả lãi vay tăng đột biến là một phần nguyên nhân khiến cho thâm hụt ngân sách lập kỷ lục trong tháng 11.

Cụ thể, chi cho bảo hiểm y tế Medicare tăng 18%, tương ứng thêm 14 tỷ USD; chi cho giáo dục tăng 94%, tương đương thêm 11 tỷ USD. Chi trả lãi vay nợ công trong tháng 11 tăng 53% (tức 19 tỷ USD) so với cùng kỳ 2021.

Tính tổng hai tháng đầu năm tài chính 2023 (bắt đầu từ tháng 10/2022), chi phí lãi vay của chính quyền liên bang Mỹ đã đi lên 87%, tương đương tăng 48 tỷ USD.

Động lực vay nợ

Đa phần chính trị gia nói chung đều mong muốn dùng tiền ngân sách cho chi tiêu công và kích thích tăng trưởng kinh tế. Vấn đề là ngân sách của Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác vốn dĩ đã được phân bổ hết hay thậm chí là có thâm hụt, khó lòng tăng chi tiêu. Để có thêm nguồn thu, các chính trị gia có hai lựa chọn: Tăng thuế hoặc vay nợ.

Tăng thuế sẽ gây ra đau đớn trước mắt và thường không được người dân ủng hộ. Nếu chính phủ thu thêm thuế từ các gia đình và doanh nghiệp để đầu tư công, người dân sẽ lập luận: Cứ để tiền đó cho các gia đình và doanh nghiệp tự chi tiêu có lẽ còn có hiệu quả hơn là trao vào tay nhà nước, vì tiền không phải qua người trung gian và không bị tham nhũng đục khoét.

Vay nợ là giải pháp được các chính trị gia ưa thích, vì ngân sách ngay lập tức có tiền để kích thích kinh tế, các quan chức có thể dễ dàng nhận công lao về mình. Nhiều năm sau, khi các khoản nợ đến hạn trả, các chính trị gia quyết định vay nợ xưa kia nhiều khả năng đã nghỉ hưu.

Lý thuyết kinh tế của trường phái Keynes cũng ủng hộ việc chính phủ vay nợ để chi tiêu công và kích thích kinh tế. Khi nền kinh tế vững mạnh hơn trước, nguồn thu từ thuế sẽ tự khắc nhiều lên (dù thuế suất không tăng) và chính phủ sẽ có nguồn tiền để trả nợ.

Nhiều cá nhân từng lập kế hoạch tài chính một cách tương tự. Ví dụ, một cậu sinh viên mới ra trường vay 20 triệu đồng để mua một chiếc máy tính xách tay (laptop) mới nhằm gia tăng hiệu quả công việc, có thể làm việc ở mọi lúc mọi nơi.

Khoản đầu tư này giúp cậu gia tăng thu nhập, có khoản tiết kiệm và sau một năm đã trả hết số nợ vay mua laptop.

Tuy nhiên, lối tư duy tương tự không thể được áp dụng cho các chính phủ. Nhiều chính phủ không thể hoặc không muốn trả hết nợ, thay vào đó chỉ muốn đi vay thật nhiều để chi tiêu, rồi lại muốn vay nhiều hơn nữa để vừa chi tiêu vừa dùng nợ mới trả nợ cũ.

Khối nợ tăng không ngừng nghỉ của chính phủ Mỹ là minh chứng rõ ràng nhất. Cuối tháng 9/1990, chính phủ Mỹ đang nợ hơn 3.2000 tỷ USD. Sau 10 năm, số nợ tăng lên gần 5.700 tỷ. Đến cuối tháng 9/2022, khối nợ của chính phủ Mỹ đã sát ngưỡng 31.000 tỷ USD.

 

Khối nợ dần thiếu bền vững

Một chính phủ có thể nâng quy mô vay nợ tới khi nào? Khi khối nợ tăng lên, chi phí trả nợ cũng ngày càng lớn. Dần dần, tỷ trọng nguồn thu ngân sách dùng để trả nợ sẽ tăng lên tới mức chính phủ không còn đủ nguồn lực để thúc đẩy chi tiêu công và kích thích kinh tế.

Nhiều nhà kinh tế đã chỉ ra rằng khi nợ công vượt ngưỡng 90% GDP hàng năm, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Tính đến cuối quý tháng 9/2022, tỷ lệ nợ liên bang/GDP của Mỹ là khoảng 120% GDP. Tổng thu ngân sách trong năm tài khóa vừa qua là xấp xỉ 4.900 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước. Tuy nhiên do chi phí lãi vay tăng nhanh hơn nên tỷ lệ lãi vay/tổng thu ngân sách đi từ 8,7% lên 9,7%.

Nói cách khác, khoảng 10% ngân sách của Mỹ hiện nay được dùng để trả lãi vay, chưa kể trả nợ gốc.

 

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự kiến lãi vay ròng (chi phí lãi vay trừ đi lãi thu từ cho vay) sẽ tăng gấp gần ba lần trong vòng 10 năm tới, từ 442 tỷ USD lên 1.200 tỷ USD với tổng giá trị đạt 8.100 tỷ USD.

Trong hai năm 2021 – 2022, lãi vay ròng tương đương 1,6% tổng sản phẩm quốc nội. CBO cho rằng đến năm 2032, tỷ lệ này sẽ tăng gấp đôi lên thành 3,3%.

Nếu lạm phát trong nền kinh tế và lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cao hơn so với kịch bản của CBO thì chi phí lãi vay sẽ còn lớn hơn những con số kể trên.

Khi khối nợ chính phủ lớn quá một ngưỡng nào đó, nền kinh tế tư nhân sẽ không thể tiếp tục cho vay và chính phủ sẽ phải dựa vào các đợt bơm tiền của ngân hàng trung ương để đảm bảo nguồn thu ngân sách, lạm phát sẽ thêm trầm trọng.

Trong hai năm đầu đại dịch 2020 – 2021, sở dĩ chính phủ Mỹ có thể phát hành được hàng nghìn tỷ USD để cứu trợ doanh nghiệp và người dân là nhờ chính sách tiền tệ siêu lỏng của Fed bơm thanh khoản ra thị trường.

Fed không trực tiếp cho chính phủ Mỹ vay nhưng đã mạnh tay mua trái phiếu Kho bạc trên thị trường thứ cấp, giúp các ngân hàng thương mại có tiền để đấu thầu trái phiếu ở thị trường thứ cấp.

Trong 8 tháng vừa qua, Fed đã giảm bớt lượng trái phiếu Kho bạc nắm giữ nhằm hút bớt tiền về để chống lạm phát nhưng lượng còn lại trên bảng cân đối kế toán tại ngày 7/12 vẫn lên tới hơn 5.500 tỷ USD, chiếm khoảng 1/6 tổng lượng trái phiếu Kho bạc đang lưu hành.

Sau này, khi chính phủ nợ quá nhiều và không còn ai muốn cho vay, ngân hàng trung ương sẽ phải đứng ra tài trợ cho ngân sách bằng cách in tiền, tỷ lệ trái phiếu Kho bạc nắm giữ cũng sẽ dần đi lên.

Chi phí đi vay của chính phủ Mỹ cũng tăng theo từng đợt nâng lãi suất của Fed.

Bài học từ châu Phi

Trong tháng 12 này, Ghana, quốc gia châu Phi với gần 32 triệu dân, đã dừng trả nợ nước ngoài và bị tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P tuyên bố vỡ nợ. Theo thống kê của Reuters, nợ công của Ghana hiện vào khoảng 55 tỷ USD, trong đó 58% là nợ nước ngoài.

Chính phủ Ghana ước tính chỉ riêng chi phí trả lãi vay (chưa kể trả gốc) đã chiếm khoảng 70 - 100% tổng thu ngân sách. Vỡ nợ là điều khó tránh khỏi.

Mỹ khác Ghana ở chỗ toàn bộ nợ chính phủ đều bằng USD - đồng nội tệ của Mỹ. Khó có chuyện Washington thiếu USD để trả cho các chủ nợ nước ngoài, nhưng kịch bản Fed in tiền để giúp chính phủ trả nợ là hoàn toàn có thể xảy ra. Dĩ nhiên, việc in quá nhiều tiền sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề nguy hiểm như lạm phát phi mã hay đánh mất lòng tin và vị thế dự trữ quốc tế.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/tham-hut-ngan-sach-my-len-dinh-moi-chi-phi-lai-vay-ngay-cang-cao-20221225133648788.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/