Taxi truyền thống đầu tư công nghệ để giành lại thị phần với đối thủ ngoại

Trong giai đoạn vẫn đang cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ ngoại, các hãng taxi truyền thống đã không ngừng thay đổi và thu hẹp khoảng cách với các đối thủ taxi công nghệ.

Năm 2019, hoạt động kinh doanh ngành taxi nói chung và của các hãng taxi như Mai Linh, Vinasun tiếp tục gặp khó khăn. Một trong những nguyên nhân là sự cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ.

Trước thực trạng ấy, các hãng taxi truyền thống như Vinasun xác định mục tiêu phải trụ vững bằng cách liên tục cải tiến, nâng cấp công nghệ. Chẳng hạn sử dụng Vinasun App và hệ thống tổng đài thông minh, nhằm nâng cao năng lực phục vụ khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ của lái xe, điều chỉnh giá cước linh hoạt,....

Gần đây, Vinasun vừa triển khai tiện ích thanh toán mới với tên gọi VNS Prepaid - Vinasun trả trước. Đây là phương thức thanh toán mới do Vinasun phát triển thông qua hợp tác với Payoo để hành khách thanh toán không dùng tiền mặt.

Người dùng chỉ cần nạp trước một số tiền thông qua ứng dụng Vinasun App hoặc các ví điện tử ZaloPay, MoMo, Payoo, các ngân hàng đã có đăng kí giao dịch thanh toán trực tuyến hay các cửa hàng tiện lợi có liên kết với Payoo.

Sau đó, khi đặt xe qua Vinasun App, khách hàng bấm nút thanh toán ngay trên màn hình ứng dụng. Nếu gọi xe qua tổng đài, vẫy xe trên đường, người dùng sẽ thanh toán bằng cách mở ứng dụng Vinasun, bật tính năng quét mã để quét mã QR trên ứng dụng của tài xế rồi bấm nút thanh toán.

Chia sẻ về trải nghiệm tiện ích này, chị Thu Hoài (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết: "Ứng dụng này không quá mới so với xu hướng công nghệ hiện nay như báo trước quãng đường hay số tiền dự tính phải trả cho cuốc xe nhưng đây cũng bước phát triển mới của một hãng taxi truyền thống thuần Việt nên tôi cũng sẽ ưu tiên sử dụng".

Taxi truyền thống đầu tư công nghệ để thu hẹp khoảng cách với đối thủ ngoại - Ảnh 1.

Các hãng taxi truyền thống đang dần đổi mới công nghệ và dịch vụ để tăng sức cạnh tranh với đối thủ.

Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc thường trực, Giám đốc Taxi Vinasun chia sẻ: "Vinasun hi vọng tiện ích thanh toán mới này sẽ mang đến cho người dùng trải nghiệm sự an toàn, nhanh chóng, và minh bạch. Đây là nỗ lực mới của Vinasun Taxi trong việc cập nhật các tiến bộ của khoa học công nghệ phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, để nâng cao dịch vụ và hiệu quả kinh doanh”.

Dự kiến giai đoạn 2, Vinasun Taxi sẽ gia tăng tiện ích cho khách hàng, ngoài việc nạp VNS Prepaid trực tiếp từ ứng dụng Vinasun, khách hàng cũng có thể nạp hoặc thanh toán cước phí taxi trực tiếp từ ví MoMo, ZaloPay, ông Hỷ cho biết thêm..

Theo tài liệu họp ĐHCĐ mới đây, Vinasun nhận định công ty tiếp tục chịu áp lực với sự tham gia của các công ty nước ngoài vào thị trường taxi. Họ có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, chấp nhận lỗ để cạnh tranh nhằm chiếm thị phần taxi chính thống.

Số liệu mới nhất của Vinasun cho biết luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu Vinasun đạt 521 tỉ đồng, giảm một nửa so với cùng kì năm trước. Lỗ sau thuế ghi nhận 128 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm trước vẫn báo lãi gần 61 tỉ đồng.

Vinasun xác định trong năm 2020, hãng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách nhất kể từ khi thành lập. Chiến lược của Vinasun năm nay là tập trung giữ vững thị phần, thu hút người lao động, duy trì hoạt động kinh doanh trước tác động của dịch bệnh và áp lực cạnh tranh không cân sức.

Còn với taxi Mai Linh, hãng này bắt đầu chuyển mình sang taxi công nghệ, mục tiêu đến năm 2021 có trên 10.000 xe nhằm thay đổi diện mạo hoạt động kinh doanh theo hướng năng động và cạnh tranh “sòng phẳng” với các hãng taxi công nghệ khác.

Theo đó, với mô hình taxi công nghệ của Mai Linh, khách hàng có thể đặt xe thông qua ứng dụng, qua tổng đài hoặc đón xe ở điểm bất kì. Toàn bộ cước phí sẽ được tính toán và hiển thị trên ứng dụng điện thoại hoặc đồng hồ thông minh.

Ngoài ra, với các thiết bị SmartPOS gắn trên xe, khách hàng cũng có thể thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các loại thẻ ngân hàng, mã QR, ví điện tử,…

Chủ tịch Mai Linh, ông Hồ Huy cho biết tại ĐHCĐ 2020 vừa qua, đây là chiến lược quan trọng của Tập đoàn trong thời gian tới. "Chúng tôi phải chuyển mình thay đổi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau trên đường đua số", ông Huy nói.

Bên cạnh công nghệ, để tăng cường khả năng cạnh tranh của taxi truyền thống, mới đây, G7 Taxi cho biết sẽ bán những chiếc xe thương quyền với giá rẻ hơn khoảng 60-70 triệu/xe so với giá lăn bánh thông thường.

Giải đáp mắc về Chính sách thương quyền xe taxi "không lợi nhuận" của G7, ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc G7 Taxi, cho biết trước đây tài xế thường phải mua xe thương quyền với giá cao hơn so với xe thông thường. 

Tuy nhiên, để gia tăng khả năng cạnh tranh của Taxi truyền thống trước xe công nghệ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động nặng nề lên các ngành dịch vụ trên toàn thế giới và Việt Nam, qui định buộc các tài xế phải mua xe giá cao sẽ được G7 Taxi chấm dứt. Điều này cũng giúp các tài xế có thể ổn định cuộc sống trong giai đoạn khó khăn, vắng khách do dịch bệnh.

Có thể thấy, trong cuộc đua 4.0, taxi truyền thống tại Việt Nam đã tỏ ra hụt hơi trước các hãng xe công nghệ và để mất thị phần vào tay Grab, Be, Gojek khi các đối thủ này không ngừng "đốt tiền" để mở rộng thị phần.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, sau 5 năm kể từ khi Uber, Grab bước chân vào thị trường Việt Nam, tính đến giữ năm 2018, 40 hãng taxi truyền thống đã biến mất trên thị trường và nhiều hãng khác bị thu hẹp thị phần.

Vinasun, Mai Linh hay G7 cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Việc mất thị phần một cách chóng vánh đã khiến các doanh nghiệp này thua lỗ thê thảm.

Do đó, việc chuyển đổi sang mô hình taxi công nghệ hay ứng dụng nhiều tiện ích công nghệ mới vào dịch vụ của các hãng taxi truyền thống có thể được coi là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp này.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/taxi-truyen-thong-dau-tu-cong-nghe-de-gianh-lai-thi-phan-voi-doi-thu-ngoai-20200807171751312.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/