SVB sụp đổ không ảnh hưởng nhiều tới hệ sinh thái startup và quỹ đầu tư mạo hiểm tại Đông Nam Á

Theo các chuyên gia, sự sụp đổ của Silicon Valley Bank còn mở ra cơ hội cho hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đông Nam Á thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư Mỹ.

Các nhà đầu tư mạo hiểm và nhà phân tích đã nói với CNBC rằng sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) có trụ sở tại Mỹ khó có thể ảnh hưởng đến việc huy động vốn cho các công ty khởi nghiệp công nghệ ở khu vực Đông Nam Á.

Ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ vào năm 2022 này đã phục vụ và hỗ trợ nhiều công ty đầu tư mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp được. Tuy nhiên, trong tuần trước, những người gửi tiền đã đổ xô rút tiền khi sự hoang mang về tình hình tài chính của ngân hàng lan rộng, khiến nó sụp đổ.

David Gowdey, đối tác quản lý tại công ty đầu tư mạo hiểm Đông Nam Á Jungle Ventures, cho biết: “Tôi nghĩ rằng tác động từ sự sụp đổ của SVB cần được lưu ý, nhưng tôi không nghĩ rằng tác động của sự kiện này sẽ lan rộng đến khu vực Đông Nam Á”.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á cho rằng việc SVB sụp đổ không ảnh hưởng nhiều đến khu vực này. (Ảnh: CNBC).

“Tôi nghĩ rằng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và chính phủ quốc gia này đã làm một công việc tuyệt vời khi can thiệp nhanh và loại bỏ rất nhiều rủi ro đó, tạo ra sự ổn định trên thị trường”, ông David Gowdey nói. Vào ngày 12/3, các quan chức Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã công bố kế hoạch giải quyết vấn đề cho những người gửi tiền tại SVB.

Ông Gowdey cho biết SVB là ngân hàng chính của quỹ đầu tư, nhưng cũng nói thêm rằng: “Chúng tôi đã rút rất nhiều tiền ở đó để đổ vào khu vực Đông Nam Á, vào các ngân hàng tại Singapore. Và đối với chúng tôi, mức độ tiếp xúc với SVB không quá lớn”.

Golden Gate Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn khác ở khu vực Đông Nam Á cũng đã đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở khu vực này, cho biết sự sụp đổ của SVB thậm chí còn trở thành một cơ hội cho khu vực.

“Sự kiện này thực sự “hữu ích” cho cả khu vực Đông Nam Á. Bây giờ khu vực này giống như “một thỏi vàng” thu hút sự quan tâm đối với các nhà đầu tư Mỹ. Các nhà đầu tư bắt đầu nói: “Tôi muốn đa dạng hóa các tài khoản ngân hàng khác nhau, các khu vực địa lý khác nhau, các loại tiền tệ khác nhau”, Vinnie Lauria, đối tác quản lý tại Golden Gate Ventures, nói trên sóng chương trình “Street Signs Asia” của CNBC ngày 13/3.

“Xét theo bối cảnh và những gì đang diễn ra, Đông Nam Á đang có cơ hội để tỏa sáng”, bà Vinnie Lauria nói thêm. Trong khi đó, khi được hỏi liệu tình hình có khiến việc gây quỹ trở nên khó khăn hơn hay không, ông Gowdey cho biết các quỹ ở Đông Nam Á có cơ cấu vốn hóa tốt.

“Tôi nghĩ rằng bối cảnh vĩ mô hiện tại có tương đối nhiều biến động. Tất nhiên, việc tiếp cận các nguồn vốn sẽ khó khăn hơn, nhưng mọi thứ ở khu vực Đông Nam Á vẫn ổn và vẫn đang được triển khai bình thường”, ông Gowdey nói.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm trước đây đã nói với CNBC rằng những bất ổn kinh tế đã khiến họ trở nên “kén chọn” hơn với các khoản đầu tư vào năm 2023. Ray Wang, người sáng lập và chủ tịch của Constellation Research có trụ sở tại Thung lũng Silicon, nói trên sóng “Street Signs Asia” của CNBC rằng: “Về khả năng tiếp cận vốn đối với các doanh nhân và doanh nghiệp công nghệ, các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn có thể cấp vốn cho họ”.

“Nhưng đó là câu hỏi về việc vay vốn ngân hàng, có vốn hoạt động, có khả năng thực sự điều hành hoạt động và có một ngân hàng hiểu cách thức hoạt động của một công ty công nghệ hoặc công ty công nghệ sinh học. Đó thực sự là những gì đang bị mất ở đây”, ông Wang nói thêm.

Các startup Mỹ gặp khó

Trái với các startup và quỹ đầu tư ở Đông Nam Á, những đồng nghiệp của họ lại đang “quay cuồng” sau sự kiện SVB sụp đổ. Khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ trong ngày 10/3, những người sáng lập các công ty khởi nghiệp có tiền trong ngân hàng đã tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với số tiền mà họ nghĩ là an toàn. Đối với một số người, việc có thể trả lương cho nhân viên hay không hoàn toàn phụ thuộc vào những khoản tiền đó, theo tạp chí Fortune.

Một nhà sáng lập công ty khởi nghiệp đã thực hiện giao dịch với SVB nói với tạp chí Fortune rằng: “Vài giờ sau khi ngân hàng sụp đổ, đầu óc của chúng tôi đang quay cuồng. Chúng tôi không biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”.

Một nhà sáng lập khác đã nói với Fortune rằng: “Tôi cho rằng toàn bộ hệ sinh thái đang bị tê liệt”. Những nhà sáng lập startup này nói rằng trọng tâm hiện tại của họ là làm thế nào để có đủ lượng tiền mặt và đủ khả năng trả lương cho nhân viên.

Trong khi đó, một số nhà đầu tư vốn mạo hiểm cũng không chắc chắn điều gì đang xảy ra với các công ty trong danh mục đầu tư của họ và cộng đồng khởi nghiệp nói chung. Một quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) chia sẻ với Fortune rằng câu hỏi điều gì sẽ xảy ra với số tiền của các công ty khởi nghiệp vượt quá số tiền được bảo hiểm đó và liệu những khoản tiền đó có bị “mất” hay không chỉ là “câu hỏi diễn ra ngay trong ngày SVB sụp đổ”

Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Ngân hàng Liên bang (FDIC) cho biết SVB có tổng tài sản trị giá khoảng 209 tỷ USD và 175,4 tỷ USD tiền gửi khi họ đóng cửa nó. Không rõ chính xác có bao nhiêu khoản tiền gửi không được bảo hiểm tại SVB tính đến ngày 10/3, nhưng theo hồ sơ báo cáo thường niên năm 2022 của công ty, họ có hơn 151 tỷ USD tiền gửi không được bảo hiểm tại các văn phòng ở Mỹ. Nói cách khác, dường như hơn 90% số tiền được gửi tại SVB không được bảo hiểm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/svb-sup-do-khong-anh-huong-nhieu-toi-he-sinh-thai-startup-va-quy-dau-tu-mao-hiem-tai-dong-nam-a-202331415838814.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/