Sự trăn trở của các nhà khoa học Trung Quốc khi 'vượt sướng' để khởi nghiệp ở quê hương

Để trở về quê hương khởi nghiệp để nâng tầm ngành dược nước nhà, các chuyên gia Trung Quốc ở Canada quyết định rời xa gia đình và chỉ gặp vợ, con vài lần mỗi năm.

Dẫn lời một số bài báo hồi tháng 5, một người phát ngôn của CanSino nói rằng Thủ tướng Justin Trudeau ủng hộ việc các nhà nghiên cứu Canada tham gia những thử nghiệm lâm sàng về vắc xin ngừa COVID-19 với CanSino, theo South China Morning Post.

Ngành dược Trung Quốc từng lao đao bởi những bê bối về chất lượng và an toàn. Nhưng trong vài năm qua, nhiều mảng trong ngành dược Trung Quốc đã tiến bộ vượt bậc do hàng trăm nhà khoa học Trung Quốc học ở phương Tây trở về quê hương. 

"Rùa biển", biệt danh của các nhà khoa học đó, đã tận dụng những mối quan hệ và chuyên môn mà họ tích lũy ở những nước phát triển như Mỹ, Canada, và thành lập doanh nghiệp. 

Yu Xuefeng, giám đốc CanSino, là một tiến sĩ ngành vi sinh của Đại học McGill (Canada). Ông lãnh đạo bộ phận phát triển và sản xuất vắc xin của hãng dược Sanofi Pasteur ở Canada. Ở tuổi 57, ông thuộc thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp có tư tưởng mới.

Trong bản cáo bạch khi CanSino phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2019, Yu mô tả những lựa chọn khó khăn khi ông và các cộng sự quyết định rời Canada để về Trung Quốc.

Sự trăn trở của các nhà khoa học Trung Quốc khi 'vượt sướng' để khởi nghiệp ở quê hương - Ảnh 1.

Vài năm qua, nhiều mảng trong ngành dược Trung Quốc đã tiến bộ vượt bậc do hàng trăm nhà khoa học Trung Quốc học ở phương Tây trở về quê hương. Ảnh: New York Magazine

"Phần lớn gia đình chúng tôi sống ở Canada, và chúng tôi chỉ có thể gặp họ vài lần mỗi năm. Khi bạn nghĩ về việc những đứa con lớn lên mà không có cha bên cạnh, khi bạn biết vợ bạn phải tự xúc những lớp tuyết dày vào buổi sáng, lúc nhiệt độ xuống tới -20 độ C, việc lựa chọn thực sự rất khó", Yu hồi tưởng.

Cái tên CanSino tượng trưng cho các chữ "sức khỏe", "hi vọng" và "lời hứa" trong tiếng Trung, còn trong tiếng Anh, nó là sự kết hợp giữa Canada và Trung Quốc. 

Ngoài Yu, các nhà quản lí khác trong công ty đều có mối liên hệ với Canada. Zhu Tao, giám đốc khoa học, từng là nhà khoa học cao cấp của Sanofi Pasteur ở Canada. Thành công của CanSino phụ thuộc vào việc tận dụng mối quan hệ ở cả Canada và Trung Quốc.

Hồi tháng 2/2014, khoảng 5 năm sau khi trở về Trung Quốc, tiến sĩ Yu đã xin cấp giấy chứng nhận một công nghệ từ Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada để có thể sản xuất vắc xin với số lượng lớn. Công nghệ đó đặt nền tảng cho công nghệ vector virus của công ty.

Sự trăn trở của các nhà khoa học Trung Quốc khi 'vượt sướng' để khởi nghiệp ở quê hương - Ảnh 2.

Thiếu tướng Chen Wei, một trong những nhà nghiên cứu virus hàng đầu ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Là một cách tiên tiến để điều chế vắc xin, vector virus là một virus biến đổi gene để trở nên vô hại với người, nhưng lại có thể trở thành phương tiện để đưa gene tới một virus khác để hệ miễn dịch tấn công. 

Rất ít doanh nghiệp Trung Quốc có công nghệ này vào năm 2014, khi một nhà khoa học quân đội Trung Quốc là Chen Wei bắt đầu nghiên cứu vector virus để sản xuất một vắc xin ngừa sốt xuất huyết Ebola.

Mang hàm thiếu tướng trong quân đội Trung Quốc, Chen Wei lãnh đạo Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Hàn lâm Y học Quân sự Trung Quốc. Cô hợp tác với CanSino để phát triển vắc xin ngừa Ebola. Năm 2017, chính phủ Trung Quốc cho phép sử dụng vắc xin của CanSino trong trường hợp khẩn cấp và tích trữ thuốc ở cấp quốc gia.

Chen đang là một "ngôi sao" ở Trung Quốc. Trong một bộ phim mang tên "Chiến binh sói", nhân vật chính là một nhà khoa học điều chế thành công vắc xin ngừa một loại virus nguy hiểm ở châu Phi. Người ta tin rằng Chen Wei là nguyên mẫu cho nhân vật ấy.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/su-tran-tro-cua-cac-nha-khoa-hoc-trung-quoc-khi-vuot-suong-de-khoi-nghiep-o-que-huong-20200708181839693.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/