Sự sụt giảm của giá dầu làm náo loạn tiền tệ các nước mới nổi

Theo Bloomberg, đà lao dốc của giá dầu đang kéo theo sự mất giá hàng loạt đối với đồng tiền các nước xuất khẩu dầu. Thậm chí, đồng nội tệ của những nước nhập khẩu dầu như Nam Phi hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng chịu tác động tiêu cực.

Điều gì xảy ra với đồng tiền các nước xuất khẩu dầu?

Giá dầu Brent đã giảm 57% trong năm nay xuống dưới 30 USD/thùng do nhu cầu năng lượng toàn cầu sụt trước tác động của dịch COVID-19 cũng như sự leo thang trong cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả Rập Xê Út.

"Sự sụt giảm của dầu mỏ đã khiến các đồng tiền trên khắp thị trường mới nổi lao đao và có lẽ còn tệ hơn nữa", theo Bloomberg.

Sự sụt giảm của giá dầu làm náo loạn tiền tệ của các nước mới nổi - Ảnh 2.

Sự sụt giảm của giá dầu có thể vùi dập đồng tiền của các nước xuất khẩu dầu. Nguồn: Bloomberg

RUB Nga giảm hơn 10% trong tháng 3

Đồng rup của Nga (RUB) đã giảm hơn 10% so với USD trong tháng này và là đồng tiền kém hiệu quả thứ ba trong số 25 đồng tiền tại thị trường mới nổi được theo dõi bởi chỉ số Bloomberg Barclays.

Diễn biến tiêu cực của đồng RUB khiến một số nhà phân tích nghi ngờ về khả năng ngân hàng trung ương Nga sẽ hạ lãi suất vào ngày 20/3, mặc dù tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại trước cả khi chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, chính phủ Nga dường như không có ý định hàn gắn quan hệ với Arab Saudi và cắt giảm nguồn cung dầu thô.

Quyết định thả nổi đồng RUB vào cuối năm 2014 của Tổng thống Vladimir Putin giúp nền kinh tế ổn định bằng cách giảm bớt bất kì sự sụt giảm nào trong thặng dư tài khoản vãng lai. Thực tế, đồng RUB sẽ bị định giá thấp theo tỷ giá hối đoái thực đa phương (REER), phương pháp đã tính đến ảnh hưởng của cả yếu tố cán cân thương mại và lạm phát của một quốc gia.

Tại Kazakhstan, nước sản xuất dầu lớn nhất ở Trung Á cho biết hôm thứ Hai (16/3) rằng họ sẽ ngừng các nỗ lực ngăn chặn tình trạng suy yếu của đồng nội tệ sau khi động thái tăng lãi suất khẩn cấp vào tuần trước không có nhiều tác dụng. Tuy nhiên, đồng tiền của Kazakhstan vốn được thả nổi từ năm 2015 đã mất giá 13% kể từ đầu năm, do đó, mức độ giảm giá của đồng tiền này có thể sẽ được hạn chế.

Đồng tiền các nước Trung đông đối mặt với nguy cơ mất giá

Ngoại trừ Oman, chế độ neo tỷ giá của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) vẫn có vẻ ổn định cho đến thời điểm hiện tại nhưng áp lực sẽ tăng dần.

Giá dầu ở mức 30 USD/thùng sẽ khiến thâm hụt tài chính của các nước GCC tăng lên 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, tương đương 228 tỉ USD, theo nghiên cứu từ Ehsan Khoman, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Đông của MUFG Bank.

"Điều đó có thể khiến các loại tiền tệ của GCC được định giá cao hơn so với tỷ giá thực đa phương (REER)", các chuyên gia tại Bloomberg nhận định .

Sự sụt giảm của giá dầu làm náo loạn tiền tệ của các nước mới nổi - Ảnh 3.

Giá dầu giảm sẽ làm gia tăng thâm hụt tài khóa của các nước vùng Vịnh. Nguồn: Bloomberg

Đối với Iran, giá dầu giảm sẽ làm trầm trọng hơn nền kinh tế nước này vốn đã bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và thực tế là nước này hiện có nhiều trường hợp nhiễm virus corona hơn bất kì quốc gia Trung Đông nào khác. Đồng rial của Iran đã mất giá gần 30% trên thị trường chợ đen kể từ tháng 10/2019.

Châu phi

Nigeria, nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi đang phản ứng với cuộc khủng hoảng theo cách tương tự như năm 2014 bằng cách cố gắng ngăn chặn sự sự suy yếu của của đồng nội tệ naira và kiểm soát dòng vốn.

Ngân hàng trung ương Nigeria đã siết chặt tỷ giá đồng naira kể từ giữa năm 2017 và cho biết họ không có kế hoạch giảm giá đồng nội tệ, đồng thời tuyên bố sẽ điều tra bất kì đại lí mua bán tiền tệ địa phương nào vi phạm mức tỷ giá niêm yết.

Tuy nhiên, theo Bloomberg sự mất giá của đồng naira chỉ là vấn đề thời gian.

Dự trữ ngoại tệ của Nigeria đã giảm 20% kể từ tháng 7/2019 xuống còn 36,1 tỉ USD và naira là đồng tiền được định giá cao nhất trong số tiền tệ của các nước xuất khẩu dầu mỏ, theo tính toán REER của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Goldman Sachs cho biết với mức giá dầu như hiện tại, thặng dư tài khoản vãng lai lành mạnh của Nigeria chỉ xuất hiện khi khi tỷ giá danh nghĩa đạt 600 naira/USD, tức đồng naira sẽ phải giảm giá 40% so với tỷ giá hiện tại là 369 naira/USD.

Angola cũng ở trong tình trạng tương tự khi dầu thô chiếm gần như toàn bộ lượng hàng xuất khẩu của nước này. Vụ sụp đổ của giá dầu gần nhất trong năm 2014 đã tác động tiêu cực đến Angola, khiến nền kinh tế trì trệ trong suốt 4 năm qua.

Ngân hàng trung ương Angola đã phải giảm bớt một số áp lực bằng cách từ bỏ việc neo giữ đồng kwanza kể từ đầu năm 2018, sau khi đồng nội tệ của nước này giảm 67% so với đồng USD.

Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm ngoại tệ chưa bao giờ biến mất hoàn toàn tại Angola khi trong tháng trước, đồng kwanza trên thị trường chợ đen đã giao dịch yếu hơn gần 20% so tỷ giá niêm yết tại thủ đô nước này.

Sự sụt giảm của giá dầu làm náo loạn tiền tệ của các nước mới nổi - Ảnh 4.

Nguồn: Bloomberg

Mỹ La-tinh

Đồng peso của Mexico và Colombia là hai loại tiền tệ có hiệu suất kém nhất tại các thị trường mới nổi trong tháng này, cả hai đồng tiền này đều giảm xuống mức thấp kỉ lục.

Các nhà giao dịch phái sinh cho rằng đà sụt giảm của đồng peso Mexico sẽ không sớm kết thúc và đồng tiền này đang giảm giá mạnh hơn trong tháng tới so với bất kì loại tiền tệ nào khác.

Đồng peso của Colombia dường như có một vị trí tốt hơn. Tỷ giá REER cho thấy đây là loại tiền tệ được định giá thấp nhất. Trong dự báo phát đi vào vào ngày 13/3, các nhà phân tích tại Wells Fargo cho rằng đồng peso của Colombia sẽ suy yếu xuống còn 4.100 peso/USD vào cuối quí III, tương đương với tỷ giá hiện tại trước khi hồi phục.

Brazil, nước đã xuất khẩu 1,3 triệu thùng mỗi ngày vào tháng trước, gần bằng với Angola, cũng đã chứng kiến đồng nội tệ giảm giá mạnh. Trong tuần này, lần đầu tiên đồng tiền của nước này đã giảm xuống còn 5 real/USD trong tuần này. Ngân hàng trung ương Brazil sẽ nhóm họp vào ngày 19/3 và hầu hết các nhà kinh tế dự báo rằng họ sẽ giảm lãi suất.

Đồng tiền của các nước nhập khẩu cũng chao đảo

Sự sụt giảm của giá dầu không chỉ gây hoang mang cho các nước xuất khẩu mà ngay cả các loại tiền tệ của các nhà nhập khẩu dầu ròng cũng bị chao đảo.

Đồng rand của Nam Phi đã giảm 16% trong năm nay khi các nhà đầu tư nước ngoài đã rút hơn 4 tỉ USD ra khỏi thị trường trái phiếu chứng khoán.

Các công cụ phòng ngừa rủi ro của đồng rand đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 18 tháng khi nhà đầu tư lo ngại về khả năng Nam Phi bị Moody's hạ bậc tín nhiệm. Các nhà phân tích dự kiến ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày 19/3, điều này có thể gây ra thêm những đợt tháo chạy của dòng vốn.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, những nỗ lực của các ngân hàng trung ương nước này trong việc giữ đồng lira mạnh hơn 6 lira/USD đang trở nên vô ích khi đồng tiền này đã giảm 6% kể từ đầu tháng 3 xuống còn 6,46 lira/USD.

Theo Bloomberg, sẽ có rất ít cơ hội để đồng lira hồi phục trở lại sau khi các nhà hoạch định chính sách Thổ Nhĩ Kì đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 100 điểm cơ bản xuống 9,75% trong một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 17/3, sớm hai ngày so với kế hoạch.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/su-sut-giam-cua-gia-dau-lam-nao-loan-tien-te-cac-nuoc-moi-noi-20200319110745224.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/