Sự im ắng của Trung Quốc với khí hóa lỏng tiềm ẩn đầy rủi ro cho thị trường năng lượng toàn cầu

Trung Quốc đang giảm nhập khẩu khí hóa lỏng do nhu cầu trong nước giảm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, khi kinh tế Trung Quốc quay trở lại quỹ đạo, thị trường năng lượng thế giới có thể sẽ chịu thêm nhiều áp lực.

Sự im ắng đến bất thường

Theo Bloomberg, trong khi người mua khí đốt toàn thế giới đang tranh nhau từng lô hàng thì Trung Quốc, nhà nhập khẩu lớn nhất năm 2021, lại vô cùng im ắng.

Trái ngược với đa số các nước trong khu vực, Trung Quốc không hề tăng cường các chuyến hàng cho mùa đông. Có vẻ như các doanh nghiệp Trung Quốc đang đặt cược rằng chính sách Zero COVID của Bắc Kinh sẽ tiếp tục kìm hãm nhu cầu năng lượng.

 

Khủng hoảng nguồn cung đang khiến LNG trở nên vô cùng đắt đỏ, và các nhà nhập khẩu không muốn mạo hiểm mua về nhiên liệu mà có thể sẽ không dùng đến. Tất nhiên, lựa chọn của các thương nhân có thể phản tác dụng nếu thời tiết đột nhiên trở lạnh hoặc nền kinh tế Trung Quốc phục hồi.

Nếu nhu cầu tại Trung Quốc đột ngột tăng, các nhà nhập khẩu sẽ phải tranh giành mua LNG với giá cắt cổ, làm trầm trọng thêm thiếu hụt nhiên liệu toàn cầu và đẩy giá, vốn đã cao, lên mức không tưởng.

Ông Toby Copson, Giám đốc kinh doanh và cố vấn toàn cầu tại Trident LNG cho biết thật “bất thường” khi các doanh nghiệp Trung Quốc không mua LNG trên thị trường giao ngay khi đợt mua sắm cho mùa đông bắt đầu sôi động.

“Động thái trên cho thấy Trung Quốc không lo lắng về nguồn cung. Dòng khí đốt mà Bắc Kinh nhận được thông qua đường ống và sản lượng than trong nước dường như đã đủ để đáp ứng nhu cầu hiện nay”, ông Copson nói.

Sự thoải mái về nguồn cung dẫn đến nhập khẩu LNG giảm 20% trong 6 tháng đầu năm 2022. Trung Quốc đã trở thành người mua khí hóa lỏng lớn nhất vào năm 2021, những có vẻ sẽ mất đi danh hiệu này trong năm nay.

Sự im ắng của Bắc Kinh trên thị trường LNG giúp người mua từ châu Á và châu Âu có cơ hội đổ đầy kho chứa của mình. Trên thực tế, các doanh nghiệp Trung Quốc đang bán LNG thừa cho các nhà nhập khẩu từ châu Âu.

Nhiều lựa chọn thay thế

Trung Quốc có vài lựa chọn để tránh việc phải mua khí hóa lỏng đang đắt đỏ. Chính phủ đang yêu cầu các mỏ mở rộng sản xuất than, nguồn nhiên liệu chính để phát điện, đồng thời tăng cường nhập khẩu qua đường ống và sản xuất trong nước.

Trung Quốc đã tăng mạnh nhập khẩu qua các đường ống với Nga và Turkmenistan. Nhập khẩu từ Nga qua đường ống Sức mạnh Siberia 1 (Power of Siberia 1) đã tăng gấp 3 lần, đạt 1,66 tỷ USD.

Trong khi đó, giá trị những lô hàng đến từ Turkmenistan lên mức 4,52 tỷ USD, nhiều hơn năm 2021 là 52%. Tuy nhiên, khí đốt vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc.

Khí đốt chỉ chiến 9% cơ cấu năng lượng của Trung Quốc.

Sản lượng than của Trung Quốc tăng lên 2,2 tỷ tấn trong nửa đầu năm 2022, cao hơn 11% so với cùng kỳ năm trước, theo Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc.

Nguồn cung nhiên liệu hiện vẫn ổn định do nhu cầu yếu đi khi Trung Quốc chiến đấu chống lại những đợt bùng phát COVID. GDP quý II của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thoát khỏi cảnh bị thu hẹp trong gang tấc sau một loạt đợt phong tỏa tại các thành phố lớn.

Không rõ liệu mức nhu cầu thấp này có tồn tại lâu hay không. Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero COVID để ngăn các đợt bùng phát. Trong tuần này, thành phố Thẩm Quyến trở thành nạn nhân mới nhất của các đợt phong tỏa.

Tuy nhiên, nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi vào tháng 7. Goldman Sachs kỳ vọng hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc sẽ sôi động trở lại trong vài tháng tới, tạo hiệu ứng lan tỏa khắp châu Á và châu Âu.

GDP của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II/2022, mức thấp thứ 2 trong lịch sử.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết, nhu cầu tại Trung Quốc quay trở lại đồng nghĩa với việc châu Á sẽ tăng cường tranh giành các lô hàng LNG. Kết quả là, châu Âu sẽ có ít khí đốt hơn, và phải cắt giảm thêm mức tiêu thụ nhằm đảm bảo nguồn dự trữ ở mức "thoải mái”.

“Hiện tại, các đợt phong tỏa đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp, và Trung Quốc đang bận giải quyết những đơn hàng tồn đọng”, ông Copson cho hay. 

Nhiệt độ giảm mạnh có thể khiến Trung Quốc tăng cường thu mua LNG. Vào tháng 1/2021, một đợt không khí lạnh đã khiến các nhà nhập khẩu buộc phải mua khí đốt trên thị trường giao ngay, đẩy giá lên cao. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/su-im-ang-cua-trung-quoc-voi-khi-hoa-long-tiem-an-day-rui-ro-cho-thi-truong-nang-luong-toan-cau-2022727113125965.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/