Startup cho thuê căn hộ trải nghiệm khẳng định chưa có khó khăn nào nhận cam kết đầu tư tối đa 10 tỷ từ Shark Bình

Mới chỉ có 45 căn hộ trong mô hình cho thuê căn hộ trải nghiệm, Pathland vẫn thuyết phục được Shark Bình nhờ mô hình kinh doanh hợp lý và tỷ suất lợi nhuận cao.

 2 người đồng sáng lập Pathland trên sân khấu Shark Tank Việt Nam. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Trong tập 4 “Shark Tank Việt Nam – Thương vị bạc tỷ”, anh Vũ Đình Thìn và chị Nguyễn Phương Anh, 2 người đồng sáng lập của startup Pathland, mong muốn kêu gọi 3 tỷ đồng để đổi lấy 15% cổ phần của startup.

Pathland là startup hiện kinh doanh hai mảng chính là cho thuê căn hộ trải nghiệm (với thương hiệu Langmandi) và tư vấn/bán nội thất thiết kế thủ công (thương hiệu A.M HOME).

Theo chị Phương Anh, khi khách hàng lựa chọn một căn hộ để phục vụ mục đích lưu trú, các yếu tố đầu tiên được quan tâm là mức tiện ích, tiện nghi và vị trí của nơi lưu trú. Dù vậy, Langmandi, bên cạnh đáp ứng các nhu cầu nói trên, mang đến một trải nghiệm lưu trú nghệ thuật, ấm áp và gần gũi hơn.

Để tái hiện lại trải nghiệm này, Pathland đã “dựng” một phần không gian trong một căn hộ của mình trên sân khấu Shark Tank để mời các Shark trải nghiệm. Sau khi trải nghiệm, Shark Liên cho biết không gian của căn hộ khá bắt mắt và hài hoà. Phương Anh khẳng định tất cả các căn phòng trong hệ thống của Langmandi đều có cách bài trí không trùng nhau.

Hai người đồng sáng lập của Pathland cho biết tất cả các căn hộ trong hệ thống của Langmandi đều được chọn ở các vị trí thu hút khách du lịch. Hiện tại, Langmandi đang có khoảng 45 căn hộ đều ở khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (gần bờ hồ).

Khi được hỏi về việc liệu mô hình của Lamangdi có giống như của Airbnb hay không, anh Thìn cho biết Lamangdi đi theo một hướng khác vì nơi lưu trú không chỉ để ở mà còn để trải nghiệm. Chị Phương Anh nói thêm rằng việc có nhiều khách hàng mong muốn làm đẹp thêm căn hộ của mình đã khiến Pathland triển khai thêm mô hình kinh doanh tư vấn và bán các sản phẩm nội thất.

Hiện tại, Langmandi đang có hai hình thức kinh doanh là đi thuê lại các căn hộ để tự kinh doanh hoặc nhượng quyền. Startup này đang có 28 căn hộ được thực hiện dưới hình thức nhượng quyền.

Langmandi tìm kiếm khách hàng dựa trên ba nguồn khác nhau là website có tích hợp tính năng thanh toán, fanpage trên Facebook và qua các dịch vụ đặt phòng bên thứ ba. Tỷ lệ lấp đầy mà Langmandi đạt được trong tháng 4 và tháng 5 năm nay lần lượt là 85% và 70%.

Shark Hùng Anh quan tâm đến mức đầu tư của Langmandi cho mỗi căn hộ và giá cho thuê một đêm. Anh Thìn cho biết mức đầu tư phụ thuộc vào tình trạng căn hộ. Tuy nhiên, mức đầu tư bình quân sẽ dao động trong khoảng từ 3,5 triệu đến 4 triệu/mét vuông. Các căn phòng của Langmandi có diện tích tối thiểu 25 mét vuông, điều này đồng nghĩa với việc chi phí đầu tư sẽ rơi vào khoảng 100 triệu đồng.

Về giá thuê, căn hộ 1 phòng ngủ phổ thông sẽ có giá từ 499.000 – 699.000 đồng. Căn cao cấp hơn có thể có giá lên tới 1 triệu đồng. Đối với căn 2 phòng ngủ, giá có thể lên tới 1.299.000 đồng cho một đêm. Pathland cho biết giá phòng ở thời điểm sau COVID-19 có thể sẽ cao hơn.

Pathland nói thêm startup này đạt tỷ suất lợi nhuận trong giai đoạn trước COVID-19 lên tới 55%, tuy nhiên ở giai đoạn đại dịch bùng nổ, con số này giảm xuống còn 15%. Bên cạnh đó, một căn hộ trong hệ thống chỉ cần 12 đến 14 ngày hoạt động trong tháng để đạt đến điểm hoà vốn (bao gồm các chi phí thuê, khấu hao nội thất và các chi phí khác liên quan đến vận hành).

Pathland tiết lộ chi phí thuê của startup này là từ 9 triệu đồng đến 11 triệu đồng/tháng cho căn 1 ngủ, và 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/tháng cho căn 2 ngủ. Theo Shark Hưng, tốc độ hoàn vốn theo tháng như Langmandi đang đạt được là có thể chấp nhận.

Như thường lệ, Shark Phú quan tâm đến bức tranh tài chính của startup. Pathland cho biết trong năm 2021, doanh thu từ Langmandi đạt 2,8 tỷ đồng (tỷ suất lợi nhuận 15%) và từ A.M HOME là 3,1 tỷ (tỷ suất lợi nhuận 25%). Shark Phú từ chối đầu tư sau khi nghe thông tin vì quy mô nhỏ và không phù hợp với hệ sinh thái kinh doanh của ông.

Về phần mình, Shark Hưng cho biết đang đầu tư vào Luxstay cùng một số mô hình tương tự. Để tránh xung đột không cần thiết, Shark Hưng cũng không đầu tư. Shark Liên và Shark Hùng Anh cũng từ chối đầu tư vào Pathland vì không thuộc lĩnh vực quan tâm.

Lúc này, Shark Bình là người duy nhất chưa đưa ra quyết định đầu tư. Shark Bình đặt câu hỏi về khó khăn của Pathland ở thời điểm hiện tại. Điều thú vị là Pathland khẳng định không có khó khăn trước mắt với mô hình hoạt động hiện tại. Sau đó, Shark Bình cho biết anh quan tâm đến khả năng tăng quy mô của Pathland do quy mô hiện tại “không bõ dính răng”. Pathland cho biết mở rộng quy mô ra đa thành phố nằm trong kế hoạch của startup này.

Cuối cùng, Shark Bình đưa ra đề nghị đầu tư tối đa lên tới 10 tỷ cho Pathland ở mức định giá tuỳ theo thực tế thẩm định song cổ phần mong muốn không quá 40% kèm theo cam kết tăng quy mô lên 500 phòng và cam kết tỷ suất lợi nhuận. Pathland chấp nhận đề nghị đầu tư này.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/startup-khang-dinh-khong-co-kho-khan-nao-nhan-cam-ket-dau-tu-toi-da-10-ty-tu-shark-binh-202262622223187.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/