Startup Ấn Độ 'bật chế độ tiết kiệm': Sa thải hàng loạt nhân viên, đóng nhiều mảng kinh doanh khi việc gọi vốn khó khăn hơn

Các startup Ấn Độ, bao gồm nhiều kỳ lân hàng đầu đất nước đang tìm mọi cách để tối ưu nguồn vốn trong bối cảnh việc gọi vốn trở nên khó khăn hơn sau các đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ toàn cầu.

Các startup lớn nhất Ấn Độ đang “bật chế độ tiết kiệm” trong bối cảnh việc tìm kiếm nguồn vốn đang trở nên khó khăn hơn, theo Asia Nikkei.'

Các startup Ấn Độ cắt giảm nhân sự hàng loạt

Tại startup chuyên về giáo dục trực tuyến Vedantu, một trong 44 công ty đã vượt qua mức định giá 1 tỷ USD (kỳ lân) vào năm 2021, CEO Vamsi Krishna đã nói với các nhân viên trong một email vào tuần trước rằng "nguồn vốn sẽ khan hiếm trong những quý tới".

Vedantu sẽ sa thải 424 thành viên cốt cán, cắt giảm chi tiêu để có được người dùng mới và loại bỏ các sáng kiến ​​"không phải cốt lõi" để bảo toàn đủ vốn trong 30 tháng tới. Việc sa thải này diễn ra chỉ vài tuần sau khi Vedantu cắt giảm 200 nhân sự khác.

Cars24, startup đạt được mức định giá 3,3 tỷ USD khi kinh doanh ô tô đã qua sử dụng, cũng đã cắt giảm tới 600 việc làm. Trong khi đó, Meesho, một startup ngành thương mại điện tử được định giá 4,9 tỷ USD, cũng sa thải 150 lao động.

Ngoài những cái tên kể trên, hàng loạt kỳ lân khác tại Ấn Độ đã cắt giảm một lượng lớn lao động trong thời gian qua, có thể kể đến như Unacademy, Fulenco, Trell, MFine,… Điểm chung của những kỳ lân này là họ đều đang gặp những vấn đề về nguồn vốn.

Một nhà đầu tư vào startup Ấn Độ cho biết: “Thời gian tới sẽ còn khó khăn hơn nhiều đối với các công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng. Nhiều công ty trong số này trông rất mong manh, mặc dù đã huy động được rất nhiều tiền với mức định giá rất cao. Vấn đề nằm ở chỗ đó, trông họ vẫn rất dễ bị tổn thương”.

Vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup Ấn Độ. (Nguồn: Asia Nikkei).

Đóng cửa các mảng kinh doanh không có lãi

Startup giao đồ ăn Swiggy, được định giá lên tới 10,7 tỷ USD vào đầu năm nay, đã đóng cửa dịch vụ đăng ký cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày vào đầu tháng này tại 5/6 thành phố nơi doanh nghiệp hoạt động, mặc dù đã mở rộng quy mô kinh doanh lên 200.000 đơn đặt hàng/ngày.

Trong một email gửi cho nhân viên để giải thích việc đóng cửa, Swiggy ám chỉ rằng chỉ mở rộng quy mô kinh doanh là không đủ để giúp kỳ lân này vượt qua giai đoạn hiện tại.

“Mặc dù giờ đây chúng tôi là một phần không thể tách rời trong cuộc sống của nhiều người tiêu dùng, nhưng thật không may, chúng tôi vẫn chưa tìm ra được một con đường rõ ràng để đạt được lợi nhuận. Hôm nay, Swiggy đang ở trong tình huống khó khăn, buộc chúng tôi phải dành một lượng lớn thời gian và tiền bạc để quản lý công việc kinh doanh, khiến bản thân mất tập trung khỏi mục tiêu chính là thiết lập thị trường kinh doanh phù hợp", theo nội dung email.

Shailendra Singh, CEO Sequoia Capital India mới đây đã chia sẻ trên Twitter cá nhân rằng các cuộc họp hội đồng quản trị ở nhiều startup hiện nay đang “tập trung vào tăng trưởng hiệu quả, kinh tế đơn vị bền vững và phân bổ nguồn vốn phù hợp”.

Từ việc sa thải nhân viên đến đóng cửa các đơn vị kinh doanh không có lãi, các công ty khởi nghiệp Ấn Độ đang tìm mọi cách để tiết kiệm nguồn vốn khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng trong bối cảnh thị trường đại chúng toàn cầu có dấu hiệu suy thoái.

Đây là một sự thay đổi lớn so với sự mở rộng mạnh mẽ trong năm 2021, khi các startup chi tiêu mạnh tay vào quảng cáo và thuê nhân viên với mức lương cao ngất ngưởng trong thời điểm tiến hành hàng loạt đợt gọi vốn.

Trong số 50 nhà quảng cáo hàng đầu Ấn Độ vào năm 2021, có 15 startup hoạt động trong các thị trường như giáo dục trực tuyến, dịch vụ tài chính, thể thao giả lập và tiền điện tử. Theo nhà cung cấp dữ liệu CB Insights, các startup Ấn Độ đã huy động được 8 tỷ USD thông qua 520 thương vụ khác nhau trong quý I, giảm 20% so với mức 10 tỷ USD được bơm trong quý IV/2021.

Tương lai ảm đạm với startup Ấn Độ

Shivakumar Ramaswami, Founder Indigoedge, một ngân hàng đầu tư, cho biết: “Năm ngoái, nhiều người đã đấu tranh để nói “có”, nhưng năm nay, họ tìm thấy nhiều lý do để nói “không” với việc rót vốn đầu tư. Hầu hết mọi người sợ hãi khi định giá một thỏa thuận trên thị trường vào thời điểm hiện tại bởi vì họ không biết đâu là đáy”.

“Các nhà đầu tư đã định giá các công ty khởi nghiệp ở mức bội số doanh thu vào năm ngoái, giờ đây họ muốn định giá chúng bằng bội số thu nhập ròng. Đó là chức năng của một thị trường rộng lớn hơn”, ông nói thêm.

Giá cổ phiếu các công ty công nghệ ở Mỹ như Peloton, Netflix, Palantir, Rivian, Snowflake, Robinhood, Stich Fix và Open Door đều phải chịu hậu quả sau đợt bán tháo rầm rộ thời gian qua.

Gần hơn, chỉ số chứng khoán chuẩn của Ấn Độ đã giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Giá cổ phiếu các công ty công nghệ như Zomato, Paytm hay Policybazaar đều đang được giao dịch với giá thấp hơn giá tại thời điểm IPO trong năm 2021. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ đã tránh xa cổ phiếu của startup logistics Delhivery được niêm yết vào đầu tháng này, dù đây được đánh giá là một doanh nghiệp tiềm năng.

Giá cổ phiếu các công ty công nghệ như Zomato hiện không còn quá hấp dẫn giới đầu tư. (Ảnh: Reuters).

Sự lao dốc của các startup có thể sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới, dù một loạt quỹ đầu tư mạo hiểm của Ấn Độ như Accel, Elevation Capital và Blume Ventures đã nỗ lực thay đổi tình hình trong 12 tháng qua.

Sequoia Capital đã nhận được cam kết từ các nhà đầu tư về khoản đầu tư khổng lồ trị giá 2,8 tỷ USD trên khắp Ấn Độ và Đông Nam Á, nhưng quyết định trì hoãn việc đóng quỹ do bị cáo buộc có sự bất thường về tài chính trong danh mục đầu tư.

 

“Kỷ nguyên của việc rót tiền một cách liên tục đang tạm dừng. Cho đến khi nào các nhà đầu tư cảm thấy chắc chắn hơn về thị trường, họ mới tiếp tục rót vốn vào các startup”, Prayank Swaroop, đối tác tại Accel chia sẻ về quá trình huy động vốn thời điểm hiện tại.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/startup-an-do-bat-che-do-tiet-kiem-sa-thai-hang-loat-nhan-vien-dong-nhieu-mang-kinh-doanh-khi-viec-goi-von-kho-khan-hon--2022524162813513.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/