SSI Research dự báo lợi nhuận của Hoà Phát, PNJ, GAS tăng trưởng hai con số quý I, riêng Vĩnh Hoàn ước lãi tăng 242%

SSI Research vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý I/2022 của các công ty trong phạm vi nghiên cứu, trong đó hầu hết đều có tăng trưởng lợi nhuận dương trong ba tháng đầu năm và chỉ có duy nhất một công ty dược phẩm dự kiến có lợi nhuận sụt giảm.

Lợi nhuận doanh nghiệp phân bón tăng bằng lần quý I

Trong ngành phân bón, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM) được dự đoán ghi nhận lợi nhuận sau thuế (LNST) 1.000 tỷ đồng, tăng 6,6 lần so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng mạnh.

Tương tự, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) có thể đạt 1.800 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 10 lần so với cùng kỳ, cũng chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng mạnh và sản lượng tiêu thụ tăng lên.

Còn với CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC), LNST dự đoán đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 5 lần so với quý I năm ngoái.

Ở nhóm dầu khí, trong bối cảnh giá nhiên liệu này tăng cao kỷ lục do nhiều sự kiện trên thế giới, ông lớn Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) được dự báo có lãi sau thuế khoảng 2.500 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Nguyên nhân nhờ giá bán bình quân cao hơn và giá dầu nhiên liệu toàn cầu tăng lên đáng kể, trong khi sản lượng đi ngang so với cùng kỳ.

Với CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Mã: NT2), dù giá khí đang ở mức cao, song LNST vẫn tăng 24% lên 142 tỷ đồng trong quý đầu năm. Lợi nhuận này tốt hơn ước tính có thể là do tình trạng thiếu than tạm thời trong nước, nhu cầu điện phục hồi và giá chào trên thị trường cạnh tranh diễn biến khá thuận lợi.

Ngành thép và cảng biển tiếp tục bội thu

Trong lĩnh vực vận tải biển, logistics, ba công ty đầu ngành là CTCP Gemadept (Mã: GMD), CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH)CTCP Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) vẫn tiếp tục có quý bội thu.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của Gemadept sẽ duy trì ở mức 20% hoặc cao hơn, chủ yếu nhờ đóng góp của cảng Gemalink khi cảng này đã hoạt động ở mức gần tối đa công suất.

Còn với HAH, LNST của cổ đông công ty mẹ ước tính đạt khoảng 200 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ nhờ hoạt động toàn thời gian của 4 tàu cho thuê, giá cước vận tải nội địa tăng cùng với giá dịch vụ cảng tăng.

Trong khi đó, quý này, CTCP Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC) được ước tính doanh thu chỉ tăng 2,4% lên 446 tỷ đồng,  LNTT đạt 120 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ việc cải thiện biên lợi nhuận do các dịch vụ thuê ngoài hơn đã giảm đáng kể.

Đối với ngành thép, SSI Research ước tính LNST của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đạt khoảng 8.200 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, nhờ nhu cầu tăng mạnh trong quý, với tổng sản lượng tiêu thụ thép ước tính tăng 14,4% so với cùng kỳ, trong đó thép xây dựng và HRC tăng với tốc độ cao hơn lần lượt là 57% và 15%.

Ngoài ra, giá thép xây dựng tăng 22% so với cùng kỳ và 9% so với quý trước cũng giúp bù đắp cho sự giảm giá thép HRC và hỗ trợ biên lợi nhuận chung của công ty.

Về Thép Nam Kim (Mã: NKG), đơn vị phân tích này dự báo LNST có thể đạt 500 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ, nhờ sản lượng ổn định và sự phục hồi của giá thép HRC có thể giúp công ty hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho.

Vĩnh Hoàn có thể lãi đột biến nhờ giá bán tăng

Với ngành bán lẻ, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) đã lấy lại được đà tăng nhờ vào nhu cầu dồn nén tiếp tục mạnh mẽ và xu hướng giá vàng tăng. Ước tính PNJ báo doanh thu 9.600 tỷ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ) và LNST 680 tỷ đồng (tăng gần 33% so với cùng kỳ).

Sau năm khó khăn vì COVID-19 buộc nhiều cửa hàng phải đóng cửa, PNJ đã lấy lại phong độ và báo lãi tăng trưởng gần 33% trong quý đầu năm 2022. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

SSI Research ước tính doanh thu thuần của Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM - Mã: VEA) đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ) và LNTT tăng 11% lên 1.610 tỷ đồng trong quý I nhờ tăng trưởng doanh số của liên doanh xe máy (Honda) đạt 12% và liên doanh ô tô (Toyota, Ford) đạt 22%.

Với nữ hoàng cá tra CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), doanh thu thuần được dự báo sẽ đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 62% và lãi ròng khoảng 450 tỷ đồng, gấp 2,42 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần nguyên nhân đến từ giá bán trung bình philê cá tra trong quý đạt 4,3 USD/kg (tăng 65% so với cùng kỳ), hỗ trợ tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận gộp cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng dự đoán LNST của CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS) tăng khoảng 15% -20% so với cùng kỳ. Còn doanh thu mảng sữa đậu nành tăng 21% so với cùng kỳ trong quý I. Các chuyên gia kỳ vọng mảng đường sẽ đạt kết quả khả quan với giá bán trung bình tăng so với cùng kỳ.

 Banner quảng cáo thương hiệu sữa đậu nành Viansoy tại sân bay Tân Sơn Nhất - sản phẩm của Đường Quảng Ngãi. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Trái ngược với các công ty trên đều báo kết quả kinh doanh tăng trưởng, ông lớn trong ngành dược phẩm là CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) có thể ghi nhận doanh thu 269 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ và lãi ròng giảm 6% về 39 tỷ đồng trong quý vừa qua, do nhu cầu thuốc tại kênh bệnh viện phục hồi chậm tại khu vực miền Nam, đặc biệt là thuốc kháng sinh (sản phẩm chính của IMP) trong giai đoạn bùng phát biến chủng Omicron trên cả nước.

Công ty phụ thuộc nhiều vào nhu cầu tại kênh bệnh viện và thuốc kháng sinh, cả hai yếu tố này đều không cải thiện đáng kể từ đợt giãn cách xã hội gần nhất tại miền Nam trong quý III/2021, báo cáo của SSI Research nhận định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ssi-research-du-bao-loi-nhuan-cua-hoa-phat-pnj-gas-tang-truong-hai-con-so-quy-i-rieng-vinh-hoan-uoc-lai-tang-242-2022413161044896.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/