Số phận bấp bênh của công ty chứng khoán từng trong tay Kido, VinaCapital rồi các đại gia Hàn Quốc

UBCKNN ban hành quyết định về việc đặt Công ty cổ phần Chứng khoán Vina vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ ngày 23/4 đến ngày 22/8.

Ngày 23/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định về việc đặt Công ty cổ phần Chứng khoán Vina vào tình trạng kiểm soát đặc biệt do kinh doanh thua lỗ kéo dài nhiều năm liên tiếp. Thời hạn kiểm soát từ ngày 23/4 đến ngày 22/8. Đây là lần thứ hai Chứng khoán Vina rơi vào tình trạng này.

Thành lập dưới trướng "ông lớn"

Chứng khoán Vina được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ 45 tỷ đồng. Trải qua hai lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của công ty là 185 tỷ đồng. 

Cổ đông sáng lập của Chứng khoán Vina là Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (công ty thành viên Tập đoàn Kinh Đô), ông Trần Lê Nguyên (người đang nắm giữ nhiều chức vụ tại các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Kinh Đô) và bà Trần Thị Hồng Lan. 

Ngay từ những năm đầu đi vào hoạt động, tình hình kinh doanh của Chứng khoán Vina không mấy khả quan. Trong giai đoạn 2007 - 2018, doanh thu của công ty trồi sụt, luôn dưới mức 45 tỷ đồng, thậm chí năm 2016 chỉ đạt hơn 400 triệu đồng. Theo đó, công ty báo lỗ nhiều năm liên tiếp, đặc biệt năm 2018 lỗ sau thuế tới gần 59 tỷ đồng. 

Vina - Ảnh 1.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp từ BCTC của Chứng khoán Vina).

Năm 2010, cơ cấu cổ đông của công ty biến động lớn khi có sự xuất hiện của VinaCapital, một trong những tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Cụ thể, Chứng khoán Vina đã phát hành thêm 8,5 triệu cổ phiếu theo mệnh giá cho VinaCapital và bà Hồ Thị Mỹ Diễm. 

Bên cạnh đó, tại ngày 31/21/2010, ông Trần Lệ Nguyên và Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô cũng chuyển nhượng lần lượt 795.500 cp và 4.500 cp cho bà Hồ Thị Mỹ Diễm. 

Theo đó, VinaCapital và bà Hồ Thị Mỹ Diễm lần lượt nắm 49% và 31% vốn cổ phần tại Chứng khoán Vina. 

Tuy nhiên, dù có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại, tình trạng kinh doanh thua lỗ vẫn liên tục "ăn" vào vốn chủ sở hữu khiến Chứng khoán Vina không đảm bảo an toàn tài chính. Tháng 4/2012, công ty đã bị UBCKNN đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. 

Tháng 10/2012, tuy Chứng khoán Vina được đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt, VinaCapital đã bán toàn bộ 49% vốn cổ phần. Đồng thời, hai cổ đông lớn là ông Trần lệ Nguyên và bà Hồ Thị Mỹ Diễm cũng thoái hết vốn tại công ty.

"Thay máu đổi chủ" vẫn không cứu nổi công ty

Ngay trước thời điểm năm 2018 kết thúc, ngày 28/12/2018, các cổ đông lớn đồng thời là lãnh đạo của Chứng khoán Vina đã đồng loạt chuyển nhượng 100% cổ phần cho 8 nhà đầu tư mới đến từ Hàn Quốc. Với mức giá chuyển nhượng là 2.265 đồng/cp, công ty được các nhà đầu tư này định giá ở mức 42 tỷ đồng.

Tới ngày 26/2/2019, Hội đồng quản trị Chứng khoán Vina cũng được thay thế bởi các nhà đầu tư Hàn Quốc trên. Trong đó, ông Kim Taehyung đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT (tỷ lệ sở hữu 24%). Đồng thời, ban lãnh đạo mới còn thực hiện bước đi mạo hiểm là thành lập văn phòng đại diện tại Seoul, Hàn Quốc. 

Vina - Ảnh 2.

(Nguồn: Bảo Ngọc tổng hợp từ BCTC của Chứng khoán Vina).

Bất chấp quá trình đổi chủ, Chứng khoán Vina vẫn tiếp tục chìm trong thua lỗ. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, công ty chỉ đạt 6 tỷ đồng doanh thu và lỗ sau thuế 69 tỷ đồng, ghi nhận con số lỗ kỷ lục kể từ khi hoạt động. 

Sang đến quý I/2021, công ty chỉ đạt khoản doanh thu 76 triệu đồng và lỗ sau thuế gần 9 tỷ đồng. Công ty hiện không có khoản đầu tư tài chính nào.

Tình trạng thua lỗ triền miên khiến Chứng khoán Vina "ăn" hết vốn đầu tư của chủ sở hữu. Theo báo cáo tài chính quý I, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ còn 31 tỷ đồng trong khi lỗ luỹ kế tới 243 tỷ đồng.

Với tình trạng năng lực tài chính yếu kém nhiều năm liên tiếp và nằm trong diện kiểm soát đặc biệt, Chứng khoán Vina có thể đối mặt với nguy cơ bị "xoá sổ" hoạt động trên thị trường.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/so-phan-bap-benh-cua-cong-ty-chung-khoan-tung-trong-tay-kido-vinacapital-roi-cac-dai-gia-han-quoc-20210429154636596.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/