Shark Bình khuyên startup thương mại mĩ phẩm: Khi gặp đối thủ mạnh, nguyên tắc là không đối đầu trực diện

Trong chương trình "Chuyến xe bạc tỉ", ông Nguyễn Hòa Bình trao đổi về chiến lược không đối đầu trực diện đối thủ mạnh với người sáng lập NAMICOS, công ty bán mĩ phẩm và thực phẩm chức năng.

Tham gia Shark Tank mùa 3 với tư cách nhà đầu tư, Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình để lại nhiều ấn tượng với khán giả. 

Tự nhận bản thân đến với Shark Tank là để "đánh đập, dạy dỗ" để các startup có thể "tỉnh táo, bớt ngáo giá", thế nhưng bên cạnh đó Shark Bình cũng rất muốn tạo cơ hội để các công ty khởi nghiệp có thể tìm ra "long mạch" để phát triển.

Chương trình "Chuyến xe bạc tỉ cùng shark tri kỉ" cũng là một dự án ra đời để các startup có cơ hội nhận tư vấn và hợp tác cùng Chủ tịch Tập đoàn NextTech. Ứng dụng gọi xe FastGo là đơn vị tổ chức chương trình.

shark_binh-1939

Shark Bình muốn giúp các startup tìm "long mạch" để phát triển. Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Shark Bình sẽ chọn ngẫu nhiên một chuyến xe FastLux (dịch vụ gọi xe sang của FastGo) và trao đổi, chia sẻ cơ hội hợp tác với vị khách may mắn. Và theo fanpage của ông, danh tính startup đầu tiên xuất hiện trên "Chuyến xe bạc tỉ" đã lộ diện.

Người may mắn là anh Nguyễn Văn Tú, chủ của thương hiệu Namicos và đang kinh doanh thương mại mảng thực phẩm chức năng và mĩ phẩm chính hãng. Hiện tại Namicos đang là đối tác của thương hiệu lớn từ nước ngoài như OHUI, DHC, Evoluderm hay Cenota.

Trong quá trình trao đổi, nhà sáng lập Văn Tú đang băn khoăn liệu kinh doanh theo mô hình thương mại có phải là một mô hình bền vững, và liệu một startup thương mại mĩ phẩm nhảy vào làm sản xuất có phải là một sự lựa chọn hợp lí ở thời điểm này.

Quan điểm của ông Nguyễn Hòa Bình là việc chuyển sang làm sản xuất sẽ vấp phải rất nhiều những thách thức mới. Ngoài việc phải có lượng vốn khổng lồ để đầu tư nguyên vật liệu, nhà xưởng, hoạt động tiếp thị cho thương hiệu mới cũng tốn rất nhiều chi phí.

Shark Bình nhận định thị trường thương mại mĩ phẩm vẫn rất lớn. Ngoài ra việc làm thương mại sẽ có những lợi ích nhất định, như công ty có thể kinh doanh nhiều hãng mĩ phẩm khác nhau. 

Untitled

Chủ tịch NextTech đưa ra lời khuyên cho nhà sáng lập Namicos. Ảnh: FastGo

Bên cạnh đó, việc cạnh tranh với các đối thủ trong ngành cũng là một vấn đề khó khăn cho các công ty mới thành lập. Nhiều công ty có thế mạnh về qui mô sẵn sàng giảm biên lợi nhuận, thậm chí có thể bán với giá thấp hơn giá vốn để lôi kéo khách hàng.

"Khi gặp các đối thủ mạnh, nguyên tắc là không nên đối đầu trực diện. Hãy tránh họ ở những nơi họ mạnh nhất, tránh họ ở những nơi có sở trường, đồng thời tìm ra những thị trường ngách", ông Bình phân tích.

Chủ tịch Tập đoàn NextTech nhấn mạnh nhắm vào các thị trường nhỏ hơn như thị trường tỉnh hay thậm chí là thị trường nước ngoài như Myanmar, Campuchia sẽ là chiến lược cần thiết khi công ty muốn mở rộng qui mô.

Trước đó, theo ông, các startup nhỏ lẻ nên cắt giảm chi phí tối đa bằng cách sử dụng dịch vụ thuê ngoài như kho vận. Công ty có thể sử dụng các kênh tiếp thị liên kết (thuê các website khác quảng bá sản phẩm và trả phí môi giới) để tiết kiệm chi phí bán hàng.

"Các công ty lớn thường khổng lồ và chậm chạp. Với bộ máy hoạt động lớn và chi phí cao (văn phòng, nhân viên) sẽ là bất lợi so với startup linh động, nhanh nhẹn", Shark Bình khép lại câu chuyện.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/shark-binh-khuyen-startup-thuong-mai-mi-pham-khi-gap-doi-thu-manh-nguyen-tac-la-khong-doi-dau-truc-dien-20191016111708116.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/