Sau xe tăng chủ lực, Ukraine nhắm tới máy bay chiến đấu từ phương Tây

Sau khi được phương Tây đồng ý cung cấp xe tăng chủ lực hiện đại, Ukraine đang cố gắng có được máy bay chiến đấu từ các đồng minh. Tuy nhiên, Kiev sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ phòng không Nga, cũng như các vấn đề về bảo dưỡng, vận hành.

Theo CNBC, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ sự biết ơn sau khi các đồng minh gửi xe tăng chủ lực (MBT). Tuy nhiên, ông cũng đã yêu cầu Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hỗ trợ thêm.

“Chúng ta phải mở ra khả năng cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, mở rộng hợp tác về pháo binh, viện trợ máy bay cho Ukraine. Đây là một giấc mơ. Đây là một nhiệm vụ”, ông cho biết.

Ukraine không giấu giếm mong muốn nhận được các máy bay chiến đấu, chẳng hạn như F-16 “Fighting Falcon” từ các đồng minh. F-16 là loại máy bay chiến đấu đa năng, đang được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng.

Máy bay chiến đấu đa năng F-16 "Fighting Falcon". (Ảnh: Larry MacDougal/MCDOL/AP).

Kiev dường như tự tin rằng, giống như xe tăng chủ lực của phương Tây, cuối cùng Ukraine cũng sẽ có được máy bay F-16. “Chúng tôi sẽ mua F-16”, ông Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nói với CNBC

“Hiện tại, hơn 50 quốc gia trên thế giới đã sở hữu máy bay F-16. Tôi không thấy lý do hay bất kỳ lời giải thích hợp lý nào cho việc tại sao Ukraine không nên mua F-16 hoặc các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 khác”, ông nói thêm.

Mỹ đã rất kín tiếng về vấn đề cung cấp cho Ukraine máy bay F-16, hoặc cho phép các nước khác chuyển giao máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất cho Kiev.

Leo thang dần dần

Theo Politico, đầu năm ngoái, các đồng minh phương Tây đã đồng ý một “chính sách bất thành văn” về việc không cung cấp cho Ukraine một gói vũ khí đầy đủ toàn diện sau cuộc tấn công của Nga, vì lo sợ “phản ứng lớn từ Moscow”, một nhà ngoại giao từ châu Âu cho biết.

Phương Tây cho rằng nên hỗ trợ cho Ukraine dần dần và đánh giá phản ứng của Nga. “Nhiều quốc gia phương Tây nghĩ rằng nếu cung cấp tất cả vũ khí mà Ukraine yêu cầu trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, thì Nga sẽ phản ứng mạnh mẽ, bao gồm cả vũ khí hạt nhân”, nhà ngoại giao này nói.

Nguồn cung vũ khí từ phương Tây có xu hướng leo thang chậm, nhưng đều đặn, từ tên lửa chống tăng Javelin và các hệ thống phòng không di động như Stinger, cho đến tên lửa đất đối đất HIMARS, tên lửa phòng không Patriot.

Mỹ và Đức từng bác bỏ yêu cầu của Ukraine về việc viện trợ xe tăng chủ lực nhưng đến ngày 25/1 vừa qua, cả hai nước đã đồng ý sẽ chuyển giao hàng chục chiếc Abrams M1A1 và Leopard 2 A6. Do đó, việc chuyển giao máy bay “chỉ là vấn đề thời gian”, nhà ngoại giao dự đoán.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã gặp các quan chức cấp cao của Mỹ tại Washington vào tuần trước để thảo luận về việc hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine, ngoài việc cung cấp xe tăng. 

Các nhà ngoại giao châu Âu đồng ý rằng phương Tây trước tiên sẽ cố gắng sử dụng hết tất cả các lựa chọn khác để hỗ trợ Ukraine, bao gồm máy bay không người lái tấn công và có thể cả tên lửa tầm xa. 

Gần đây, Washington đã phê duyệt một lô hàng tên lửa không Zuni từ thời chiến tranh Lạnh. Ukraine có thể sử dụng loại tên lửa này trên các máy bay MiG.

Vào tháng 7, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt ngân sách 100 triệu USD để đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu của Mỹ. Vào tháng 10, Ukraine tuyên bố một nhóm khoảng vài chục phi công đã được lựa chọn để đào tạo với máy bay chiến đấu của phương Tây.

Vào tháng 8, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl đã nói với các phóng viên rằng “không thể loại trừ khả năng trong tương lai, máy bay phương Tây sẽ được gửi đến Ukraine”.

Trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times hôm 25/1, CEO của tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin, ông Frank St. John, cho biết có “rất nhiều cuộc thảo luận về việc chuyển giao F-16 của bên thứ ba”, nghĩa là các quốc gia muốn mua máy bay của Mỹ và xuất khẩu đến Ukraine.

Ông St. John cho biết Lockheed có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất máy bay chiến đấu có thể “đáp ứng việc chuyển giao vũ khí nhằm giúp giải quyết xung đột hiện tại”.

Liệu F-16 có thay đổi cục diện chiến trường?

Theo CNN, giống như nhiều loại vũ khí đã được cung cấp trước đây, một mình F-16 không thể thay đổi cục diện chiến trường.

Ông Tim Sweijs, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược The Hague, cho biết: “Bản thân F-16 sẽ không giúp Ukraine thay đổi thế trận”. 

“Xe tăng, quân đội, tất nhiên, các hệ thống tên lửa tầm xa, với khả năng tiêu diệt các radar của Nga – kết hợp với F-16 – có thể sẽ giúp Ukraine lật ngược tình thế”, ông nhận định.

Ông Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao về sức mạnh không quân tại RUSI, cho biết rào cản chính đối với F-16 là hệ thống phòng không của Nga. Ông Bronk nói: “Ý tưởng về việc máy bay chiến đấu của phương Tây sẽ cho phép Ukraine thực hiện các phi vụ trên lãnh thổ Nga theo các hình thức thông thường chỉ là tưởng tượng”.

“Máy bay của phương Tây sẽ bị hạn chế rất nhiều bởi mối đe dọa từ các hệ thống phòng không của Nga”, ông giải thích.

Hệ thống phòng không S-400 trong lễ duyệt binh mừng Ngày chiến thắng 9/5. (Ảnh: Reuters).

Ông Bronk cho rằng trong tương lai gần, F-16 sẽ là vũ khí phòng thủ của quân đội Ukraine, giúp Kiev bắn hạ tên lửa Nga tốt hơn và phòng thủ trước bất kỳ chuyến bay hiếm hoi nào của Nga qua tiền tuyến.

Ông cũng tin rằng F-16 là một vũ khí phức tạp đối với quân đội Ukraine: “Hầu hết các loại vũ khí không đối đất của phương Tây đều được tối ưu hóa để phóng từ độ cao trung bình, với thiết bị nhắm mục tiêu (targeting pod). Cách chiến đấu này không thực sự khả thi ở tiền tuyến vì mối đe dọa từ phòng không Nga”.

Ông Peter Wijninga, một Đại tá đã nghỉ hưu trong Lực lượng Không quân Hà Lan, hiện là nhà phân tích quốc phòng, nhận định: “Để có thể sử dụng F-16 một cách hiệu quả, Ukraine sẽ phải đạt được ưu thế trên không ở một mức độ nào đó. Ukraine sẽ cần phá hủy các hệ thống phòng không S-400 và cả S-300 của Nga”.

Cơn ác mộng hậu cần

Việc gửi F-16 đến cho Ukraine cũng mang đến vô vàn thách thức về hậu cần. Máy bay của phương Tây yêu cầu đường băng dài, chất lượng cao. Trong khi đó, Ukraine thường sử dụng các sân bay nhỏ, với đường băng gồ ghề.

Máy bay chiến đấu của Liên Xô/Nga thường có bộ càng đáp được gia cố tốt, phù hợp với điều kiện khắc nghiệt. (Ảnh: Gleb Garanich/Reuters).

Ông Justin Bronk, cho biết các máy bay chiến đấu F-18 của Mỹ hoặc Gripen của Thụy Điển sẽ phù hợp hơn, vì chúng có thể cất cánh từ sân bay ngắn và không yêu cầu bảo dưỡng cao.

Các máy bay chiến đấu khác, chẳng hạn như Rafale do Pháp sản xuất, sẽ cần đến một lượng lớn kỹ sư trên mặt đất để bảo trì và vận hành. Có thể những kỹ sư này sẽ phải đến từ phương Tây.

Nhiều quốc gia châu Âu vận hành F-16, bao gồm cả nước láng giềng Ba Lan. Với các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng, Ukraine có thể gửi máy bay sang Ba Lan để bảo dưỡng. Tuy nhiên, việc bảo trì hằng ngày sẽ phải được thực hiện bởi các kỹ sư Ukraine.

“Đây là những chiếc máy bay cực kỳ phức tạp, đặc biệt là về phần mềm”, ông Bronk nói. “Và chúng được thiết kế và chế tạo theo cách rất khác so với máy bay MiG-29 hay Sukhoi-27 mà các kỹ thuật viên Ukraine đã quen vận hành và bảo dưỡng”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sau-xe-tang-chu-luc-ukraine-nham-toi-may-bay-chien-dau-tu-phuong-tay-2023127852961.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/