Sau nửa đầu năm bão tố, chứng khoán Mỹ liệu có xanh mát trong nửa cuối năm?

Dù thị trường chứng khoán Mỹ đã từng một vài lần phục hồi trong nửa cuối năm sau các nửa đầu năm tồi tệ, giới phân tích vẫn đưa ra nhận định rất thận trọng về nửa chặng còn lại của năm 2022.

Ít tương quan

S&P 500 đã trải qua nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970. Tuy nhiên, diễn biến ảm đảm của chỉ số này trong 6 tháng đầu năm nay không thể báo trước những gì có thể xảy ra trong tương lai, phân tích của S&P Dow Jones Indices chỉ ra.

Bloomberg dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu của S&P Dow Jones cho biết, có rất ít hoặc không có mối tương quan giữa hiệu suất của chỉ số S&P 500 trong nửa đầu và nửa sau của năm.

(Ảnh minh hoạ: Getty Images).

S&P 500 đã mất 21% trong 6 tháng đầu năm 1970, trong bối cảnh lạm phát tăng cao - một môi trường tương tự như ở thời điểm hiện tại. Sau đó, chỉ số này bật tăng 27% trong nửa cuối năm đó.

Tương tự, vào năm 2020, cú sốc kinh tế từ đại dịch COVID-19 đã khiến S&P 500 bốc hơi 4% trong nửa đầu năm nhưng cuối cùng tăng khoảng 21% trong 6 tháng cuối năm.

Song, điều đó không có nghĩa là thị trường chứng khoán Mỹ sẽ phục hồi. Nửa cuối năm 2022 diễn biến ra sao vẫn còn rất khó đoán, bà Anu Ganti - Giám đốc cấp cao tại S&P Dow Jones cảnh báo.

Vị giám đốc nhấn mạnh: “Rất khó để biết hoặc dự đoán những gì sẽ xảy ra với thị trường chứng khoán Mỹ dựa vào hiệu suất trong quá khứ”.

Ở chia sẻ khác với Bloomberg, ông Brent Schutte - Giám đốc đầu tư tại hãng tài chính Northwestern Mutual Wealth Management, cho rằng triển vọng cho phần còn lại của năm 2022 là rất khả quan, vì thị trường đã dự đoán về khả năng Mỹ bị suy thoái nhẹ.

“Dù vậy, tôi nghĩ điều đáng sợ là năm nay trông có vẻ giống những năm 1970, khi nhu cầu sụt giảm nhưng lạm phát không hạ nhiệt”, ông cảnh báo. “Điều đó cho thấy Fed có thể phải tiếp tục tăng lãi suất và có nguy cơ đẩy Mỹ vào suy thoái sâu hơn…”

“Tôi sẽ không ngạc nhiên khi giữa quá khứ và tương lai không có mối tương quan nào”, ông Schutte lưu ý. “Tôi chưa bao giờ tìm cách kiếm tiền bằng cách nhìn vào gương chiếu hậu”.

Nhìn lại quá khứ

MarketWatch đã dẫn một phân tích khác của Dow Jones Market Data. Kết quả cho thấy, sau khi sa sút trong nửa đầu năm, chỉ số S&P 500 đã phục hồi trong nửa cuối năm với xác suất từ 15% trở lên.

Cụ thể, S&P 500 đều bật tăng trong 5 lần, với mức tăng trung bình là 23,66% và mức tăng trung vị là 15,25%. Tuy nhiên, kích thước mẫu vẫn hơi nhỏ vì chỉ có 5 ví dụ từ năm 1932 đến nay.

 

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng có thể quan tâm tới các thước đo vĩ mô liên quan tới thị trường gấu, đặc biệt là những suy đoán rằng liệu kế hoạch thắt chặt chính sách mạnh tay của Fed có đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái hay không.

Quả thực, một phân tích của Viện Đầu tư Wells Fargo cho thấy các cuộc suy thoái đi kèm một cuộc suy thoái khác trung bình kéo dài 20 tháng và tạo ra tỷ suất sinh lời -37,8%.

Thị trường gấu xuất hiệnn sau suy thoái kéo dài trung bình 6 tháng và tạo ra tỷ suất -28,9%. Tính chung, một thị trường gấu trung bình kéo dài khoảng 16 tháng và tạo ra lợi nhuận là -35,1%.

Tương tự S&P 500, các chỉ số khác cũng ghi nhận nửa đầu năm 2022 rất ảm đạm. Chỉ số Dow Jones mất 15,3% - đánh dấu nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ mức giảm 23,2% vào năm 1962.

Bảng dưới đây cho thấy hiệu suất của chỉ số blue-chip sau khi giảm hơn 10% trong nửa đầu năm. Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Dow Jones đã giảm thêm 22,68% trong nửa cuối năm.

 

Trong 15 ví dụ, Dow Jones bật tăng trong nửa cuối năm với tỷ lệ hơn 60%, tạo ra tỷ suất sinh lời trung bình 4,45% và tỷ suất trung vị gần 7%.

Nasdaq Composite đã giảm hơn 29% trong nửa đầu năm nay, mức lao dốc nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Trong quá khứ, chỉ có hai năm 2002 và 1973, chứng kiến Nasdaq tiếp tục trượt dài trong 6 tháng còn lại của năm. Trong cả hai trường hợp, chỉ số thiên về công nghệ này đều mất khoảng 8,7% trong nửa cuối năm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sau-nua-dau-nam-bao-to-chung-khoan-my-lieu-co-xanh-mat-trong-nua-cuoi-nam-20227316327672.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/