Sau 20 năm làm việc tại Bộ Nông nghiệp, vị trưởng phòng khởi nghiệp ở tuổi ngũ tuần: Muốn làm điều gì đó cho cuộc đời

Đổi nghề ở tuổi 45, lần đầu tiên lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn với mong muốn tìm người đồng hành với mình trong hành trình đưa sản phẩm nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng. Cựu Trưởng phòng thuộc Bộ Nông Nghiệp, Đỗ Hồng Quân đã khởi nghiệp như thế nào?

Trong những ngày đầu Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện với ông Đỗ Hồng Quân, Founder và CEO CTCP Tư vấn đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp Việt Nam, người khi đó vừa gọi vốn thành công trên sóng chương trình Shark Tank Việt Nam.

Sau 20 năm làm việc tại Bộ Nông nghiệp, vị trưởng phòng khởi nghiệp ở tuổi ngũ tuần: Muốn làm điều gì đó cho cuộc đời - Ảnh 1.

Ông Quân đã gật đầu trước đề nghị của Shark Liên và Shark Phú với 10 tỷ đồng cho 35% cổ phần. Nhưng trên tất cả, câu chuyện khởi nghiệp sau khi rời bỏ vị trí cao tại Bộ Nông Nghiệp của ông Quân đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Chào ông Quân, việc từ bỏ công việc nhà nước, đặc biệt là một vị trí cấp cao ở trong Bộ Nông Nghiệp để khởi nghiệp có lẽ không ít người dám làm, vậy điều gì đã đưa ông tới quyết định?

Tôi nghĩ startup cũng đơn giản thôi! Cuộc đời mình ngoài việc mưu sinh, kiếm tiền thì mình phải cố gắng làm được gì đó tạo ra giá trị, tự mình đóng góp cho xã hội. Với năng lực chuyên môn của mình, đóng góp được chút nào hay chút ấy. Việc mình làm nhà nước đôi khi không được làm nhiều thứ mà phải theo chỉ đạo của cấp trên, nhiều cái mình muốn làm khác đi cũng khó. Nếu làm ở bên ngoài, tôi thấy mọi thứ sẽ chủ động hơn.

Sau 20 năm làm việc tại Bộ Nông nghiệp, vị trưởng phòng khởi nghiệp ở tuổi ngũ tuần: Muốn làm điều gì đó cho cuộc đời - Ảnh 2.

Về lĩnh vực nông nghiệp, qua quá trình công tác, tôi thấy còn quá nhiều vấn đề mà mình có thể phát huy khả năng. Vì thế, tôi quyết định ra ngoài làm, tự mình bươn chải để cùng với người nông dân tạo ra giá trị tốt hơn cho cả hai bên.

Tuổi 45, từ bỏ vị trí cấp cao ở Bộ Nông Nghiệp để làm khởi nghiệp, ông đã gặp phải những rào cản nào?

Tất cả mọi người đều không đồng tình. Từ bạn bè, anh em, gia đình đều khuyên mình không nên. Cá nhân tôi nghĩ nếu đã sống trên cuộc đời thì mình nên làm gì đó khác đi, tôi không muốn đi vào những lối đi nề nếp, cứng nhắc. Tất nhiên khởi nghiệp ở lúc tuổi cao cũng có nhiều hạn chế, ví dụ ngày mình còn trẻ thì sẽ có nhiều năng lượng hơn so với bây giờ. Nhưng tôi thấy mình có lợi thế về kinh nghiệm chuyên môn so với người trẻ.

Sau 20 năm làm việc tại Bộ Nông nghiệp, vị trưởng phòng khởi nghiệp ở tuổi ngũ tuần: Muốn làm điều gì đó cho cuộc đời - Ảnh 3.

Khởi nghiệp là mình phải đi làm những cái gì đó mà người khác chưa làm, không thể bắt chước vì họ đã làm từ lâu, đã thành công rồi thì mình không thể chen chân vào. Trừ khi mình bắt đầu với những thứ khác lạ hoặc người khác đã làm nhưng chưa thành công và khi đó, người ta sẽ bắt đầu đánh giá mình có vấn đề. Nói chung là khi đó không có ai ủng hộ tôi cả. 

Khởi nghiệp từ năm 2013, ông đã bắt đầu từ đâu?

Những ngày đầu khởi nghiệp, tôi bắt đầu từ sản phẩm máy nông nghiệp. Đó là máy móc dựa trên mẫu thiết kế của nước ngoài và qua bao nhiêu năm tích lũy kiến thức, nghiên cứu tài liệu công nghệ, tôi đã tự cải tiến và biến nó phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hiện tại, tôi đã có đủ các loại máy phục vụ cho công việc gieo trồng, sản xuất lạc và khoai tây.

Ngày trước, trong quá trình nghiên cứu máy, tôi phải thuê ruộng của nông dân, trả toàn bộ chi phí từ tiền giống đến vật tư cho họ để test máy. Tôi còn trả thêm tiền cho sản phẩm mà họ thu hoạch được.

Hồi đấy tôi không được hỗ trợ nhiều, ai cũng bảo kế hoạch của mình là viển vông. Tôi đã phải hi sinh rất nhiều, đưa máy đi khắp Việt Nam để thử nghiệm, hoàn thiện máy sao cho phù hợp mới điều kiện của nước mình, nhiều khi không có thời gian dành cho gia đình. Đến bây giờ, mọi thứ cơ bản đã được hoàn thiện.

Ý tưởng ban đầu là sản xuất máy công nghiệp phục vụ người nông dân canh tác, vậy đâu là điểm bắt đầu câu chuyện sản xuất dầu lạc?

Tôi sản xuất máy công nghiệp giúp người nông dân tăng năng suất, mỗi ngày có thể tạo ra sản lượng thu hoạch trên một héc ta, tăng rất nhiều so với trước kia khi chỉ thu hoạch bằng tay. Tuy nhiên, khi năng suất tăng, nguồn cung nhiều thì người nông dân lại bị thương lái ép giá. 

Chính vì thế tôi đã đứng ra thu mua lạc cho người nông dân sử dụng máy của mình và thay vì ép giá nông dân, người mua lại quay sang ép giá tôi. Và từ đó tôi bắt đầu sản xuất dầu lạc. 

Tôi tổ chức một quy trình sản xuất khép kín từ việc xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất máy phục vụ gieo trồng và thu hoạch... đến nhà máy ép dầu, chế biến mang đi xuất khẩu. Bên cạnh đó, tôi cùng với người nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đem đến sản phẩm chất lượng cho thị trường nước ngoài.

Tại sao lại là cây lạc?

Đối với sản xuất nông nghiệp, tôi phải xác định loại cây trồng nào sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho đối tác của mình - người nông dân. Tôi nhận thấy cây lạc dễ trồng và mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn rất nhiều so với cây lúa.

Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường rất là lớn, Việt Nam sản xuất chỉ được 400.000 tấn/năm trong khi nhập khẩu lên tới 260.000 tấn/năm. Tôi nhận thấy năng lượng sản xuất cũng như xuất khẩu của mình là hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Ở thời điểm đó, tôi nhận thấy nông dân của mình chỉ sản xuất thủ công nên năng suất và hiểu quả thấp. Mỗi người chỉ có thể gieo được 200 m vuông lạc nhưng nếu sử dụng máy thì hai người hoàn toàn có thể làm 3 - 5 héc ta/ngày.

Sau 20 năm làm việc tại Bộ Nông nghiệp, vị trưởng phòng khởi nghiệp ở tuổi ngũ tuần: Muốn làm điều gì đó cho cuộc đời - Ảnh 4.

Có một nỗi đau đáu với nền sản xuất nông nghiệp nước nhà, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, xin ông chia sẻ thêm về hành trình đưa sản phẩm dầu lạc hữu cơ ra nước ngoài?

Tôi hợp tác với người nông dân và giúp họ giữ được ruộng. Nếu bây giờ bạn quay về các vùng nông thôn, hầu hết chỉ có các ông bà già làm, thanh niên trai trẻ đi xa tìm kiếm những công việc khác. 

Người già thì sức của họ có hạn, không làm được nhiều nên phải bỏ ruộng hoang. Khi tôi đưa máy của mình vào đồng ruộng, tôi chỉ cần những lao động lớn tuổi giúp mình làm những công việc nhẹ nhàng, ví dụ người từ 30 - 40 tuổi thì lái máy, người từ 50 - 60 tuổi trở lên thì đi đổ lạc, bón phân... 

Với những lao động trẻ tuổi, tôi sử dụng gọi họ là "lao động hậu công nghiệp", tức là khi còn trẻ thì đi làm công nghiệp, về già thì làm sản xuất cho tôi. Tôi tiến hành thuê đất của những người đi làm ăn xa, đến khi họ có tuổi và quay về thì tôi thuê lại họ làm việc cho tôi, không phải bán ruộng và cũng không lãng phí đất.

Tôi làm sản phẩm chất lượng cao. Mỗi lít dầu lạc tôi sản xuất bán tại Việt Nam với giá 360.000 đồng, trong khi ở thị trường châu Âu được bán lên tới 900.000 đồng. Hiện, sản phẩm dầu của tôi đang làm thị trường để gửi đi nước ngoài.

Mục đích cuối cùng của tôi là mong muốn đưa sản phẩm từ nông nghiệp sạch, chất lượng mang thương hiệu Việt đến với nước ngoài. Bản thân tôi tự tin rằng mình là đơn vị duy nhất thực hiện quy trình khép kín, làm từ A - Z, từ đồng ruộng đến lúc cho ra sản phẩm. Trong quá trình sản xuất hữu cơ, tôi phải bỏ thời gian để tiến hành cải tạo đất - kết quả của bao nhiêu năm người nông dân trồng trọt không có định hướng, sử dụng nhiều hóa chất.

Như vậy, mục đích, lý tưởng kinh doanh của ông khi bắt đầu con đường này phải chăng là vì sức khỏe của người tiêu dùng?

Rõ ràng dầu của tôi sản xuất ra có giá không hề rẻ, nhiều người sẽ chưa chọn sản phẩm này khi họ chưa hiểu được giá trị thật sự của sản phẩm. 

Dù mục tiêu của tôi vẫn là thị trường nước ngoài, nơi người tiêu dùng quan tâm tới giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn muốn truyền tải giá trị của một sản phẩm nông nghiệp sạch đến người tiêu dùng. Sắp tới tôi sẽ mở các buổi livestream, không bán hàng, chỉ giới thiệu những giá trị mà sản phẩm dầu lạc sạch, giúp người dùng trong nước hiểu hơn về giá trị của sản phẩm.

"Đổi nghề" ở tuổi 45, ông có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp?

Sau 20 năm làm việc tại Bộ Nông nghiệp, vị trưởng phòng khởi nghiệp ở tuổi ngũ tuần: Muốn làm điều gì đó cho cuộc đời - Ảnh 5.

Xuất phát điểm của tôi là con nhà nông, ngày trước đi học thì bạn bè rủ nhau chứ không có định hướng nào cả. Năm 1994, tốt nghiệp đại học Thủy Lợi, tôi đi làm nhà nước. Đến năm 2003, bắt đầu làm lãnh đạo tại Tổng Cục Thủy Lợi, chuyển sang Bộ cũng làm lãnh đạo. Tuy vậy trong suốt thời gian làm việc, tôi cảm thấy mình vẫn chưa được làm nghề yêu thích. Đến năm 45 tuổi, tôi đổi nghề và kể từ đó, tôi mới cảm nhận được "cái nghề" của mình đang theo đuổi nó rất đáng yêu.

Hiện tại, tôi luôn bảo với các con của mình phải xác định được ngành nghề mình yêu thích. Nếu không được làm nghề mình yêu thích thì rất khổ sở. Tôi khuyên những bạn đang có giấc mơ khởi nghiệp hãy chọn lĩnh vực mà mình yêu thích, xem mình có mất ăn mất ngủ vì nó không. Bên cạnh đó, sản phẩm của mình làm ra phải có điểm khác biệt và đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Ngày xưa chúng tôi được học về lý tưởng rằng trong cuộc đời này, nếu mình làm được những điều mang lại lợi ích, niềm vui cho người khác, giúp ích được cho đời thì đó mới là hạnh phúc đích thực, dù phải trải qua bao nhiêu khó khăn. Nếu người ta vui một thì mình vui mười! Mình cảm giác mình mang được giá trị đến cho đời thì rất là vui, tạo động lực tiếp tục đam mê.

Cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị và đầy cảm hứng.

Sau 20 năm làm việc tại Bộ Nông nghiệp, vị trưởng phòng khởi nghiệp ở tuổi ngũ tuần: Muốn làm điều gì đó cho cuộc đời - Ảnh 6.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/sau-20-nam-lam-viec-tai-bo-nong-nghiep-vi-truong-phong-khoi-nghiep-o-tuoi-ngu-tuan-muon-lam-dieu-gi-do-cho-cuoc-doi-20211008123356737.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/