Sản xuất tàu bay 777X: Robot không làm được việc, Boeing đưa con người vào làm thay

Sau 4 năm làm việc theo phương thức thử và sai (trial and error), tập đoàn Boeing đã quyết định loại bỏ một số robot trong qui trình sản xuất thân tàu bay 777 và phiên bản nâng cấp 777X.

Thay vào đó, tập đoàn sản xuất tàu bay có trụ sở tại Chicago này sẽ sử dụng các thợ máy tay nghề cao để chèn thủ công đinh vít vào các lỗ đã được khoan tự động trên thân tàu bay.

Theo Bloomberg, Boeing cho biết việc chuyển đổi sang hệ thống sản xuất người+máy này đã bắt đầu từ quí II và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Số nhân sự cho sản xuất dòng tàu bay 777 ở Everett, bang Washington dự kiến sẽ không thay đổi.

"Giải pháp người+máy này tỏ ra đáng tin cậy hơn, đòi hỏi ít lao động bằng tay, ít gia công lại hơn là khi sử dụng robot", phát ngôn viên của Boeing nói.

Boeing bloomberg

Các nhân viên Boeing đang kiểm tra chất lượng linh kiện cho chiếc 777X tại cơ sở của Boeing ở bang Missouri, Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Giới doanh nghiệp nói chung rất khao khát tự động hóa qui trình sản xuất bởi lẽ một lực lượng lao động được cơ giới hóa hoàn toàn sẽ không ốm đau, không mệt mỏi và không biết đói.

Tuy nhiên các nhà sản xuất nhận thấy có nhiều trường hợp mà công nghệ vẫn chưa thể đạt được sự khéo léo và chính xác của bàn tay và đôi mắt con người. Hãng xe điện Tesla từng cố gắng xây dựng một nhà máy ô tô tự động hóa hoàn toàn ở Fremont, California nhưng sau đó vẫn phải xây thêm một khu xưởng nữa ở bên ngoài để xử lí một số công đoạn bằng tay.

Sáng kiến tự động hóa hoàn toàn của Boeing (FAUB) dựa vào các robot phối hợp nhịp nhàng cùng khoan lỗ chính xác trên thân máy bay và gắn chốt các tấm kim loại thẳng đứng với nhau để tạo ra phần khung ngoài của các tàu bay hai động cơ.

Sáng kiến này từng được quảng bá là một phần trong kế hoạch sản xuất tiên tiến mà Boeing đang đi tiên phong đối với dòng 777X. Tập đoàn cũng dự định mở rộng sáng kiến này sang các chương trình sản xuất tàu bay chở khách trong thập kỉ tới.

Tuy nhiên trong thực tế, Boeing gặp khó khăn trong việc giữ cho các robot ở bên trong và bên ngoài thân tàu bay hoạt động đồng bộ với nhau, gây ra một số vấn đề trong quá trình sản xuất dòng tàu bay 777.

Một bài viết của tờ Seattle Times năm 2016 đã mô tả tình trạng công nhân phải làm việc thêm giờ và nhiều công đoạn dang dở phải hoàn thành sau khi tàu bay đã ra khỏi nhà máy.

Trả lời phỏng vấn đầu năm nay, ông Jason Clark – Phó Giám đốc phụ trách sản xuất dòng 777X nói: "Tự động hóa rất khó. Tôi đã mất nhiều năm cuộc đời vì tự động hóa".  

Việc đầu tư vào công nghệ robot không phải là một sự lãng phí hoàn toàn. Boeing đã học được những bài học đáng giá trong "lần đầu tiến quân vào lĩnh vực công nghệ này", ông Clark nói. "Nó đã dạy cho chúng tôi cách thiết kế cho tự động hóa".

Phương thức sản xuất người+máy mới được áp dụng sẽ giảm áp lực công việc đối với các công nhân do máy móc đã thực hiện công đoạn vất vả nhất trong quá trình lắp ráp thân máy bay, đó là khoan lỗ xuyên qua kim loại.

777X dự kiến sẽ là dòng tàu bay phản lực chở khách lớn nhất trong lịch sử Boeing. Tuy vậy phải đến năm 2020 chiếc 777X mới có thể cất cánh do cần đợi General Electric xử lí xong vấn đề với động cơ GE9X.

Phần lớn qui trình sản xuất dòng máy bay này được Boeing giao cho các robot thực hiện, từ việc trực tiếp chế tạo các linh kiện tới các phương tiện tự dẫn đường để vận chuyển những bộ phận lớn đi lại trong nhà máy.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/san-xuat-tau-bay-777x-robot-khong-lam-duoc-viec-boeing-dua-con-nguoi-vao-lam-thay-20191115115412664.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/