Sản vật 'quốc dân' lép vế trước cơn sốt Saffron

Ngoài nhiều công dụng tốt cho đời sống con người, một số loại trái cây, thảo mộc đặc trưng của các quốc gia còn được biết đến với tiềm năng kinh tế lớn và là bài học điển hình cho câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia thời hội nhập.

Tiềm năng ngành kinh doanh "sản vật"

Dù có thể xuất hiện ở nhiều nơi, đều quý hiếm và mang giá trị cao, nhiều sản vật thiên nhiên vẫn có giống cây, phân loài đặc thù khi xuất hiện ở một số quốc gia nhất định, gọi chung là sản vật thiên nhiên “quốc dân”. Chúng sở hữu truyền thống canh tác lâu đời, giá trị kinh tế cao và khả năng ứng dụng đặc biệt hơn hẳn các loài khác cùng họ.

Đó cũng là lý do vì sao cứ nhắc đến Hàn Quốc là nói đến nhân sâm, Trung Quốc với đông trùng hạ thảo hay Nhật Bản với củ wasabi (cải ngựa Nhật Bản) dù các loại cây thảo này vẫn có thể được tìm thấy ở nơi khác. Sự khác biệt lớn về mặt giá trị chính là tiền đề quan trọng để những sản vật này hình thành nền công nghiệp của riêng mình, nhất là tại những quốc gia có truyền thống canh tác lâu năm các giống cây này.

Xu hướng sử dụng và khái niệm về các sản vật quốc dân đã được biết đến từ rất sớm trong lịch sử loài người. Các bậc đế vương xưa kia xem những sản vật quốc dân là của quý của quốc gia và thường có các quy định canh tác nghiêm ngặt, được xem như cống phẩm và là món hàng được săn đón của nhiều thương gia, giới quý tộc ngày xưa.

Thời gian trôi đi, song giá trị về các sản vật vẫn không hề thay đổi. Ngày nay, đây vẫn là dòng sản phẩm mà các “thượng đế” hiện đại tìm kiếm, tuy nhiên sự bùng nổ của phân khúc người tiêu dùng trung - thượng lưu buộc các sản vật này phải mở rộng phạm vi và sản lượng.

Gần đây nhất, xu hướng kinh doanh trái cây đặc sản đã xuất hiện ở Việt Nam. Các giống trái cây lạ được săn đón. Những chùm nho mẫu đơn có giá gấp 10 lần nho thông thường. Hay một vỉ vải thiều Nhật Bản chỉ có sáu quả nhưng được bán với giá 990 nghìn đồng vẫn đắt hàng ở Việt Nam.

Một số loại nhãn ở Việt Nam được xếp vào hàng siêu hiếm, giá vô cùng đắt đỏ lên tới gần một triệu đồng/kg như nhãn đường phèn, nhãn bắp cải, nhãn tím. Khách Trung Quốc sang tận vườn hỏi mua những loại nhãn này nhưng chủ vườn từ chối không bán, còn người Thái Lan sang lùng mua từng cây.

Theo bà Nguyễn Ngọc Huyền, nhà sáng lập Mia Fruit, mặt hàng trái cây cao cấp tuy giá cao (từ vài triệu đến chục triệu đồng mỗi kg) nhưng sức mua tại Việt Nam không hề nhỏ. Tỉ lệ khách tái hồi của Mia Fruit rất khả quan bên cạnh việc nhiều khách quen là người nổi tiếng.

Số liệu khảo sát của Mia Fruit cho thấy, có đến 70% khách hàng VIP của công ty này là các ngôi sao lớn của làng giải trí, tiếp sau là các chủ doanh nghiệp, tập đoàn và giới chính khách cấp cao.

Sản vật 'quốc dân' lép vế trước cơn sốt Saffron - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Ngọc Huyền - nhà sáng lập Mia Fruit, đơn vị kinh doanh trái cây cao cấp.

Chính cơ hội từ những giá trị này đã được các công ty từ quy mô nhỏ đến các tập đoàn mỹ phẩm và kinh doanh dược liệu có tên tuổi trên thế giới khai thác như một tiềm năng kinh tế lớn.

Chẳng hạn, khi nói đến mỹ phẩm Hàn Quốc, không thể không nhắc tên gã khổng lồ của ngành mỹ phẩm Amorepacific, đơn vị sở hữu gần 30 thương hiệu thuộc các lĩnh vực mỹ phẩm, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe như Sulwhasoo, Hera, Laneige, IOPE, innisfree, Etude, Mamamode hay Happy Bath, doanh thu hàng năm đạt khoảng 6 tỷ USD.

Amorepacific dành trung bình khoảng 3,5 % tổng số doanh thu cho việc nghiên cứu các loại thảo dược và phát triển sản phẩm mới. Hãng này đánh trúng tâm lý muốn tìm về thiên nhiên của người tiêu dùng bằng cách tập trung khai thác các loại hương liệu đặc trưng của phương Đông như nhân sâm, trà xanh, hoa trà, thảo dược,… Trong đó, thương hiệu Sulwhasoo nổi tiếng với các sản phẩm được chiết xuất từ nhân sâm.

Bài học cho Việt Nam

Trong bối cảnh của nền kinh tế mở, các sản phẩm quốc dân ngày càng có vị trí, tầm ảnh hưởng cũng như phủ sóng xuyên biên giới một cách nhanh chóng. Còn nhớ cơn sốt về những chùm nho mẫu đơn Nhật vào năm 2015, dù được bán với mức giá “trên trời” – 5 triệu đồng/kg nhưng vẫn được săn đón trên thị trường Việt.

Theo nhà sáng lập Mia Fruit, những loại trái cây không chỉ sạch, tươi ngon, chất lượng tốt mà còn là định nghĩa đúng đắn về trái cây cao cấp - không dễ để tìm mua và là đặc sản từ vùng trồng trọt chính gốc.

Hay mới đây công ty Miso Inc của doanh nhân Steve Bùi, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Hàn đã ra mắt các sản phẩm nước uống làm từ hồng sâm do Tập đoàn Miso (Hàn Quốc) sản xuất. Nguyên liệu là những củ hồng sâm sáu năm tuổi từ trang trại sâm ở tỉnh Geumsan Hàn Quốc, nơi sản sinh ra giống nhân sâm có giá trị và hàm lượng saponin cao nhất.

Hoặc ở vùng Địa Trung Hải lại nổi tiếng với “vàng đỏ” Iran là Saffron, hay còn gọi là nhuỵ hoa nghệ tây, đang rộ lên ở Việt Nam trong thời gian gần đây, mặc dù được bán với giá “cao hơn cả vàng bốn số 9” bởi những công dụng cho cả sắc đẹp và sức khoẻ.

Sản vật 'quốc dân' lép vế trước cơn sốt Saffron - Ảnh 2.

Thương hiệu Saffron Saharkhiz, thương hiệu Saffron lâu đời nhất Iran (1932), kinh đô của “vàng đỏ” Trung Đông.

Theo anh Trần Nhật Thăng, Giám đốc công ty XNK Saha, nhà phân phối độc quyền thương hiệu Saffron Saharkhiz Iran tại Việt Nam - thương hiệu Saffron lâu đời nhất thế giới (1932), để được trở thành đại diện độc quyền phân phối Saffron Saharkhiz tại Việt Nam, công ty Saffron Saha đã phải mất rất nhiều công sức và thời gian, cam kết về doanh số, cũng như tạo được niềm tin và chứng minh tâm huyết của mình với Saffron Saharkhiz.

Anh Thăng cho biết, công ty chọn Saffron Saharkhiz vì nó như thương hiệu Saffron quốc dân của Iran, cũng như nói tới cà phê Việt Nam là nói tới thương hiệu Trung Nguyên.

Như vậy nếu nói đến viên uống tảo biển, người tiêu dùng sẽ nhắc ngay đến Nhật Bản, sâm sẽ nhắc đến Hàn Quốc, hay Saffron sẽ nhắc đến Iran. Thế nhưng một điều đáng tiếc là Việt Nam có nhiều sản phẩm “quốc dân” nhưng lại đang không được khai thác một cách hiệu quả. Chúng ta đang đi phân phối các sản phẩm “quốc dân” của các nước khác nhưng lại bỏ ngỏ các sản phẩm quý của chính mình.

Nếu biết cách khai thác thì không những tạo một hệ sinh thái cho nhiều doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề phát triển mà còn tạo được thương hiệu quốc gia trong cộng đồng người tiêu dùng quốc tế.

Nói về dược liệu, Việt Nam có truyền thống quý báu về y học cổ truyền và có nhiều cây thuốc quý nổi tiếng. Hiện Việt Nam có hơn 5.100 loài thực vật có công dụng làm thuốc. Tuy nhiên, có một nghịch lý là đa phần các công ty sản xuất dược liệu của Việt Nam đang phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc trồng và chế biến dược liệu tuy có nguồn lực nhưng vẫn phát triển tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng.

Để một sản phẩm được “săn đón” như một sản phẩm quốc dân, sẽ cần đến nhiều yếu tố. Thứ nhất là về giá trị lịch sử, văn hoá. Những sản phẩm trăm năm luôn mang một giá trị rất lớn. Nhờ truyền thống canh tác lâu đời, nhân sâm Hàn Quốc đã hoàn thiện nền công nghiệp nhân sâm của mình từ rất sớm với quy hoạch vùng canh tác, hiệp hội và tổ chức bảo vệ chuyên môn.

Theo tài liệu ghi chép cổ, sâm Hàn Quốc bắt đầu được gây giống từ triều đại Choson (1567 - 1608) và được chăm sóc trong điều kiện khá tốt tại các vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi của Hàn Quốc.

Việt Nam rõ ràng cũng có các sản phẩm như vậy; tuy nhiên đã không được khai thác và quảng bá hiệu quả. Không ở đâu xa xôi, cây chè tổ hơn 300 năm nằm trên đồi chè cổ thụ ở huyện Văn Chấn (Yên Bái) còn nhiều tuổi hơn cả nhiều loại chè hảo hạng của Trung Quốc trong khi chỉ được bán với mức giá thấp hơn khoảng 50 lần.

Khoảng mười năm về trước, người con trai của chủ tịch tập đoàn Sony sau 5 năm làm việc ở Việt Nam đã vác ba lô về vùng chè cổ thụ ở Fansipan với ý nguyện đơn giản là cắm trại ngủ dưới rừng chè nguyên sinh và hái những lá chè tinh khiết để pha nước chè uống trước khi về lại Nhật Bản như một trải nghiệm đỉnh cao.

Các yếu tố quan trọng tiếp theo phải kể đến năng lực canh tác, đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu, chất lượng và hình ảnh. Đối với các sản phẩm “quốc dân” xuất phát từ một khu vực cụ thể, cách thức sản xuất an toàn, sạch được đầu tư và quảng bá rộng rãi cũng là một điểm nhấn quan trọng để làm nên giá trị sản phẩm.

Những sản phẩm “xa xỉ” chứa đựng sự tinh tuý trong từng chi tiết nhỏ nhất. Thế nhưng đây có lẽ vẫn là một yếu điểm ở Việt Nam. Từ năm 2013 đến nay, có nhiều người đã đầu tư tiền tỷ vào nông nghiệp sạch nhưng không còn mấy dự án tồn tại được, chưa nói gì đến các sản phẩm “xa xỉ”.

Hoặc nếu có trồng được các giống cây chất lượng thì có thể thấy hầu như Việt Nam chỉ đang xuất đi các sản phẩm thô và chưa hề có thương hiệu cho mình mà đáng lẽ ra nếu làm tốt, những sản phẩm quý mang thương hiệu Việt đã được nhắc đến nhiều hơn trên thế giới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/san-vat-quoc-dan-lep-ve-truoc-con-sot-saffron-20191109094948214.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/