Rủi ro đầu tư trái phiếu bất động sản khi hoạt động triển khai, mở bán dự án đình trệ vì COVID-19

Thanh khoản của thị trường bất động sản có xu hướng giảm, cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần; các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến là những rủi ro mà SSI Research đưa ra.

Doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu nhiều nhất nửa đầu năm?

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mới nhất của SSI Research, trong quý II, các doanh nghiệp phát hành 164.000 tỷ đồng trái phiếu, gấp 3,6 lần lượng phát hành trong quý I và tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 89% trái phiếu phát hành riêng lẻ trong nước. 

Các ngân hàng thương mại (NHTM) là tổ chức phát hành nhiều nhất (41%) trong quý với tổng cộng 67.000 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ.

Tính chung nửa đầu năm 2021, tổng lượng TPDN phát hành là gần 209.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) huy động nhiều nhất, đạt hơn 92.000 tỷ đồng, chiếm 44% tổng lượng phát hành. Tiếp đó là ngành ngân hàng với hơn 68.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 33%.

Trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục 'sốt' trong quý III - Ảnh 1.

Biểu đồ tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo ngành nghề kinh doanh. (Nguồn: HNX, SSI tổng hợp).

Theo SSI, dù lãi suất phát hành TPDN nằm trong xu hướng giảm từ quý III/2020 đến nay nhưng với tỷ lệ rất nhỏ so với mức giảm sâu của lãi suất tiền gửi. SSI cho rằng chênh lệch giữa lãi suất phát hành TPDN và lãi suất tiền gửi giữ ở mức cao khiến thị trường TPDN tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021.

Kể từ khi luật chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, hiện tượng các tổ chức phát hành chia nhỏ thành 20 - 60 đợt phát hành với ngày phát hành, điều kiện điều khoản trái phiếu giống hệt nhau không còn phổ biến trong nửa đầu năm nay. 

Lý do là các đợt phát hành riêng lẻ không bắt buộc phải chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) như trước đây theo quy định.

Rủi ro đầu tư trái phiếu bất động sản khi hoạt động triển khai, mở bán dự án đình trệ vì COVID-19 - Ảnh 2.

Gần 60.000 tỷ đồng trái phiếu dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo

Loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác hầu hết là không có tài sản đảm bảo, các TPDN còn lại được phát hành trong nửa đầu năm có 18,6% được bảo đảm bằng BĐS; 11% được đảm bảo bằng tài sản; 33% được đảm bảo bằng một phần tài sản/BĐS và một phần là cổ phiếu; 9,3% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 28% là không có tài sản đảm bảo.

Báo cáo cho biết có 29.000 tỷ đồng trái phiếu BĐS được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Nếu tính cả các trái phiếu BĐS được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng lượng trái phiếu BĐS phát hành 6 tháng.

SSI Research lưu ý rằng việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng. 

Nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục cao trong quý III

Về thị trường TPDN trong quý III, hiện có hiện tượng các nhà đầu tư giảm nắm giữ trái phiếu để chuyển sang đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, SSI cho rằng thị trường chứng khoán dự báo sẽ kém thuận lợi hơn so với nửa đầu năm 2021, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại kênh đầu tư lãi suất cố định để trú ẩn nên nhu cầu đầu tư TPDN sẽ vẫn ở mức cao.

Về lãi suất TPDN, mặc dù hàng loạt ngân hàng công bố các gói giảm lãi suất từ 0,5 - 1,5% cho khách hàng theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng giá rẻ không hề đơn giản. SSI nhận định, lãi suất phát hành TPDN bình quân vẫn sẽ dao động quanh mức 10%/năm.

Mặt khác, SSI cũng chỉ ra những rủi ro đối với TPDN đang tăng lên khi thanh khoản của thị trường bất động sản có xu hướng giảm, cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần; các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến.

Các yếu tố trên làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các trái phiếu năng lượng cũng đang chịu rủi ro khá lớn từ chính sách. Tổng số trái phiếu năng lượng phát hành từ 2019 đến 30/6/2021 là khoảng 65.000 tỷ đồng nhưng cho đến nay dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn đang trong quá trình thẩm định và chưa rõ sẽ sửa đổi theo hướng nào. 

Các doanh nghiệp năng lượng đặc biệt là năng lượng mặt trời vẫn đang sản xuất cầm chừng vì sức cầu hạn chế và chờ đợi cơ chế giá mới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/rui-ro-dau-tu-trai-phieu-bat-dong-san-khi-hoat-dong-trien-khai-mo-ban-du-an-dinh-tre-vi-covid-19-20210727185938026.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/