Quĩ bình ổn giá xăng dầu: Sau bao lâu tiếp tục nóng chuyện bỏ hay giữ

Ra đời trong sự tranh cãi dữ dội, sau 10 năm, vai trò của Qũi bình ổn giá xăng dầu vẫn tiếp tục là chủ đề nhận nhiều ý kiến trái chiều. Mới đây vấn đề này lại nóng lên sau đề nghị bỏ quĩ của đoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội...

Quĩ bình ổn giá xăng dầu: Sau bao lâu tiếp tục nóng chuyện bỏ hay giữ - Ảnh 1.

Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ ngay 6 quỹ, trong đó có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu...

Theo quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng.

Thời gian qua, đề xuất bỏ quỹ bình ổn xăng dầu đã được bàn đi bàn lại nhiều lần. Rất nhiều quan điểm trái chiều được đưa ra xung quanh loại quỹ này.

Liên Bộ Tài chính Công Thương – với vai trò quản lý nhiều lần khẳng định việc sử dụng quỹ này giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: Người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước.

Ở chiều ngược lại, không chỉ từ phía các chuyên gia, mới đây, tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về nội dung báo cáo giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018" thì quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng được cho là cần bỏ vì nhiều lý do.

Theo báo cáo giám sát, với quỹ này, số tiền trích quỹ được để lại cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (mức trích hiện nay 300 đồng/lít), thực chất là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy cơ sở để bình ổn giá đã không còn phù hợp (giá cơ sở dựa trên giá CIF, trong khi sản xuất trong nước đã đáp ứng đến 90% nhu cầu, bên cạnh việc đặt ra lãi định mức và chi phí kinh doanh định mức là phi thị trường).

Việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng rất lớn của người dân trong công tác điều hành giá và thực hiện bình ổn giá xăng dầu.

Theo Luật giá, có 11 mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong khi chỉ có mặt hàng xăng dầu có quỹ bình ổn giá là chưa phù hợp.

Với phân tích như trên, đoàn giám sát đã đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xác định rõ lộ trình hoặc bãi bỏ ngay quỹ bình ổn giá xăng dầu để mặt hàng xăng dầu cũng được quản lý giá như các mặt hàng khác theo Luật giá mà không cần quỹ bình ổn.

Trao đổi với Dân trí, TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế, Giám đốc nghiên cứu Công ty nghiên cứu thị trường VietAnalytics đồng quan điểm cho rằng không cần thiết duy trì quỹ này nữa.

Theo vị này, cứ điều hành theo cơ chế thị trường là tốt nhất, giá xăng dầu lên thì người tiêu dùng chịu mà giá xuống thì họ hưởng lợi.

Bản chất của quỹ này chỉ là "kìm" việc tăng giá trong một mức nhất định, sau đó giá cũng sẽ được điều chỉnh, người tiêu dùng gần như không được hưởng lợi mà còn phải ứng tiền trước cho quỹ.

Trong khi đó, doanh nghiệp phải gửi tiền vào một tài khoản cố định, doanh nghiệp hoàn toàn không được động vào số tiền này. Nhưng khi quỹ âm thì doanh nghiệp phải vay ngân hàng hoặc bỏ vốn tự có bù đắp.

Việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay theo ông Đinh Tuấn Minh cũng chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng của người dân thời gian qua.

“Khi nào anh tiêu, mục đích như thế nào, thu bao nhiêu, chi ra sao. Người dân không biết được”, ông Minh nói.

Về tác dụng “tránh tăng sốc” của quỹ bình ổn này, ông Minh cho rằng: Ý nghĩa của vấn đề này không nhiều, song khi đó phải cân đối thiệt - lợi thì thấy bỏ đi vẫn có lợi hơn.

“Bản thân cơ chế xăng dầu điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày đã giúp làm “mềm” giá, giảm tăng sốc đi nhiều rồi”, ông Minh nói.

Về vấn đề kiểm soát lạm phát, ông Minh cho rằng xăng dầu cũng đóng góp một phần vào lạm phát song cung tiên mới là yếu tố quyết định lạm phát có tăng mạnh hay không. “Nếu kiểm soát cung tiền tốt thì lạm phát vẫn sẽ được kiểm soát”, ông Minh nói.

Đề cập đến vấn đề này với với Dân trí trước đó, ông Nguyễn Văn Tiu – Chủ tịch HĐQT Công ty Xăng dầu Tự lực I (Hà Nội) cho rằng, nên bỏ quỹ bình ổn này bởi nó không cần thiết.

“Nên để giá xăng xầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường, thế giới lên thì mình cũng lên, họ giảm mình cũng giảm. Các nước họ cũng đâu có cần quỹ bình ổn này đâu”, ông Tiu nói.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Vy – Tổng thư ký Hiệp hội năng lượng Việt Nam nói với Dân trí: “Giá xăng dầu hiện nay vẫn cần có sự điều tiết từ phía nhà nước. Nếu không có quỹ thì ổn định giá bằng cách gì – đó là vấn đề đặt ra khi muốn bỏ quỹ này”.

Theo quan điểm cá nhân của ông Vỹ thì quỹ bình ổn vẫn cần duy trì để tránh việc tăng sốc. Có chăng điều cần thay đổi là làm sao có cơ chế để minh bạch hơn, tăng cường giám sát từ các bên hơn.

Liên quan tới quỹ này, báo cáo kết quả kiểm toán giai đoạn 2015-2016 của Kiểm toán Nhà nước cũng từng chỉ ra hàng loạt bất ổn liên quan đến điều hành giá xăng dầu, trong đó có quỹ bình ổn

Tuy thừa nhận việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn là cần thiết trong trường hợp giá xăng dầu thế giới có biến động, Kiểm toán Nhà nước vẫn cho rằng việc trích quỹ này vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, khi giá cơ sở tăng so với kỳ trước điều hành giá, cơ quan điều hành giá lại đồng thời thực hiện cả trích quỹ và chi .

Như vậy, khi bù trừ phần chi quỹ và phần trích quỹ cho nhau thì giá xăng dầu vẫn không được hỗ trợ nhiều và nhiều trường hợp vẫn phải tăng giá...

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/qui-binh-on-gia-xang-dau-sau-bao-lau-tiep-tuc-nong-chuyen-bo-hay-giu-20190815154835947.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/