Phó Chủ tịch SMC: Những thứ SMC đang làm sẽ thay đổi cách định giá của thị trường với công ty, ít nhất bằng giá trị sổ sách

SMC đang tìm kiếm cơ hội tại các thị trường ngách thông qua việc đẩy mạnh sản xuất thép dẹt và gia tăng hàm lượng gia công ở các sản phẩm thép, từng bước đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung.

SMC - Ảnh 1.

Ban quản trị của SMC. (Ảnh: Minh Hằng).

Sáng nay (23/4), CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 với 80 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 50 triệu cổ phiếu đang lưu hành, chiếm tỷ lệ 82% số cổ phần có quyền biểu quyết. Kết thúc đại hội, các tờ trình đều được thông qua.

Thận trọng với kế hoạch lợi nhuận 300 tỷ đồng sau thuế

SMC đã trình cổ đông kế hoạch doanh thu bán hàng 18.000 tỷ đồng, tăng 14% so với kết quả năm 2020; lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, giảm 5%. Các con số dựa trên giả định SMC tiêu thụ 1,35 triệu tấn thép trong năm nay.

ĐHĐCĐ Thép SMC: 'Phải đánh vào thị trường ngách để tránh cạnh tranh khốc liệt của ngành' - Ảnh 2.

Kết quả lợi nhuận sau thuế của SMC. (Ảnh tư liệu: M.H tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất của SMC).

Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) SMC cho biết, ban đầu kế hoạch năm 2021 là 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Song do thị trường thép tích cực nên công ty đã mạnh dạn đặt kế hoạch sau thuế 300 tỷ đồng.

Song, công ty cho biết vẫn thận trọng khi đặt kế hoạch lợi nhuận thấp hơn năm ngoái do lo sợ nguồn cung cầu thép sẽ có nhiều chuyển biến sau giai đoạn giá tăng mạnh.

Về kế hoạch cổ tức năm nay, công ty dự kiến chia với tỷ lệ ít nhất 10% bằng tiền hoặc cổ phiếu.

Bên cạnh đó công ty đã trình lên cổ đông kế hoạch chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, trước đó công ty đã chi trả với tỷ lệ 5%.

Xây mới đồng thời ba nhà máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Ban lãnh đạo công ty cho biết năm 2021 sẽ là một năm đầy thách thức với kế hoạch triển khai những dự án mới. Trong đó, công ty dự kiến lắp đặt mới một dây chuyền tẩy rỉ và một hệ thống xử lý acid thải tại nhà máy SMC Cơ khí. Bên cạnh đó, SMC sẽ triển khai lắp đặt mới hai dây chuyền cuốn ống tại nhà máy sản xuất ống thép Sendo. 

Năm nay, SMC đặt kế hoạch xây mới nhà máy gia công thép SMC Phú Mỹ với công suất gia công cắt chặt thép tấm lá các loại lên đến 200.000 tấn/năm.

Song song với đó, SMC sẽ xây mới nhà máy cơ khí chính xác SMC Phú Mỹ với công suất gia công đột nhập định hình sản phẩm lên 8 - 10 triệu sản phẩm/năm.

Đồng thời, SMC liên doanh với công ty Samsung C&T trong việc thành lập nhà máy gia công thép tại KCN Phú Mỹ 2, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm tạo ra các sản phẩm thép dành cho lĩnh vực sản xuất điện tử, điện gia dụng.

Chia sẻ thêm, ông Đặng Huy Hiệp, Tổng Giám đốc SMC cho biết nhu cầu thép của thế giới đã tăng 4,1% trong năm 2020, nhu cầu tiêu thụ tăng 8% nhờ các động lực từ đầu tư hạ tầng, sự hồi phục của ngành bất động sản,...

Còn theo Chủ tịch công ty, ngành thép vẫn sẽ tích cực đến quý II/2021 còn quý III và quý IV sẽ cần xem xét lại tình hình.

Trước thời cơ này, ông cho biết các kế hoạch đầu tư nhà máy sẽ "phải hoàn thành trong năm 2021" để đáp ứng nhu cầu thị trường đang tăng cao.

Với kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, công ty sẽ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là sắt thép với sản lượng tiêu thụ thép các loại đạt 1,8 triệu tấn vào năm 2025, phấn đấu tỷ lệ xuất khẩu đạt tối thiểu 15% tổng sản lượng tiêu thụ.

Ông Đặng Huy Hiệp cho biết thêm, SMC sẽ đầu tư thêm một đến hai nhà máy sản xuất gia công thép trong vòng 5 năm tới với sản lượng ít nhất đạt 1 triệu tấn/năm. Ước tính tổng lợi nhuận sau thuế sẽ đạt tối thiểu 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025.

*Phần thảo luận:

Câu hỏi: Xin công ty chia sẻ thêm về kế hoạch xây dựng ba nhà máy mới.

Chủ tịch HĐQT cho biết, hiện tất cả các nhà máy của SMC đã hoạt động hết công suất. Để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng trong 5 năm tới, công ty buộc phải đầu tư các nhà máy và nhanh chóng đưa vào hoạt động sản xuất.

Bà Loan cho biết ba nhà máy xây mới đã khởi công vào tháng 1/2021 và công ty sẽ phấn đầu hoàn thành xong vào tháng 7/2021. Công ty sẽ đưa ba nhà máy trên hoạt động cùng một lúc.

Câu hỏi: Vì sao công ty đặt sản lượng tiêu thụ thép dẹt cao hơn thép dài cho năm 2021, trong khi tỷ lệ này ở năm 2020 ít hơn?

SMC - Ảnh 2.

Chi tiết kế hoạch sản lượng tiêu thụ năm 2021 của SMC. (Nguồn: SMC).

Giải thích về sự thay đổi trong tỷ lệ sản lượng tiêu thụ, ông Hiệp cho biết, ban đầu SMC là một đơn vị kinh doanh thép dài, sau đó công ty chuyển qua kinh doanh thép dẹt. 

Ông cho rằng thép dẹt là xương sống của ngành thép. Ở các nước phát triển, sản lượng tiêu thụ thép dẹt lớn hơn nhiều so với thép dài, trong khi hiện tại Việt Nam tiêu thụ thép dài nhiều hơn do vẫn là nước chậm phát triển.

Với sự khởi sắc trong phát triển kinh tế, Việt Nam tương lai sẽ đẩy mạnh tiêu thụ thép dẹt. Do đó, SMC đang nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh sản xuất loại thép này.

Cụ thể, trước đây, tỷ lệ tiêu thụ thép dẹt của công ty chiếm 40% tổng sản lượng, song đến giờ tỷ lệ thép dẹt đã tăng lên 51%.

Trong năm 2021, SMC sẽ đẩy mạnh sản xuất và gia công thép dẹt và tăng tỷ lệ của loại thép này lên 55%.

Câu hỏi: Đóng góp của SMC vào nhà máy gia công thép với Samsung C&T như thế nào?

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Phó Tổng Giám Đốc công ty liên doanh giữa Samsung C&T và SMC, nhà máy gia công thép được xây dựng với mục đích cung cấp nguồn thép đã qua gia công có độ chính xác cao cho các dây chuyền sản xuất sản phẩm điện tử của Samsung tại khu vực Châu Á. Đồng thời nhà máy sẽ đáp ứng nhu cầu thép cao cấp cho linh kiện điện tử và điện gia dụng tại thị trường Đông Nam Á.

Năm 2020, SMC đã gia công cho Samsung 15.000 tấn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong sản lượng của Samsung. Tuy nhiên, khi SMC đi sâu vào khâu chế biên công nghiệp, SMC sẽ xây nhà máy cơ khí sản xuất những sản phẩm chi tiết và đòi hỏi độ chính xác hơn với công suất 10 triệu tấn/năm, cho ra khoảng 20.000 sản phẩm/năm. Điều này chứng tỏ SMC đang góp mình vào chuỗi gia công toàn cầu của Samsung.

Câu hỏi: Xin công ty đánh giá về rào cản xâm nhập ngành

Theo nhận định của Tổng Giám đốc SMC, ngành thép đang được mở rộng rất nhiều với đủ mọi thành phần tham gia: liên doanh, nhà nước, 100% vốn nước ngoài, tiểu thủ công nghiệp,... Với đà mở rộng kinh tế, cạnh tranh ngành thép dự kiến tiếp tục khốc liệt. 

Do đó, "chúng tôi phải đánh vào thị trường ngách để tránh những cạnh tranh khốc liệt của ngành", ông Đặng Huy Hiệp chia sẻ.

Chủ tịch HĐQT bổ sung thêm, 5 năm tới, SMC sẽ đi sâu vào khâu gia công chế biến, cho ra những sản phẩm với hàm lượng gia công nhiều hơn.

Cụ thể, trong mảng ống, SMC sẽ đi sâu vào sản xuất các loại ống chất lượng cao. Công ty dự kiến sẽ đầu tư thêm hai máy ống tại nhà máy sendo để phục vụ mảng sản xuất này.

Câu hỏi: PE hiện tại của SMC đang ở 4 - 5 lần và thanh khoản của cổ phiếu đang thấp. Phải chăng nhà đầu tư đang đánh giá thấp SMC?

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi, Phó Chủ tịch SMC chia sẻ, hiện PE cho ngành thép là 7 - 8 lần. Bà cho rằng nhà đầu tư đang đánh giá SMC chỉ là một công ty thương mại. Hiện SMC đang thay đổi và chuyển thành một công ty sản xuất gia công các sản phẩm thép.

"Tôi tin rằng với những thứ SMC đang làm sẽ thay đổi cách định giá của thị trường với công ty, ít nhất bằng giá trị sổ sách", bà Nhi bày tỏ.

Ra mắt HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2025

Kết thúc đại hội, 5 thành viên ban quản trị nhiệm kỳ 2021 - 2025 đã được bầu, trong đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan và bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi tiếp tục trúng cử vào ban quản trị.

ĐHĐCĐ Thép SMC: 'Phải đánh vào thị trường ngách để tránh cạnh tranh khốc liệt của ngành' - Ảnh 4.

Danh sách ban quản trị SMC nhiệm kỳ 2021 - 2025. (Nguồn: SMC).

ĐHĐCĐ Thép SMC: 'Phải đánh vào thị trường ngách để tránh cạnh tranh khốc liệt của ngành' - Ảnh 5.

Các thành viên HĐQT của SMC nhiệm kỳ 2021 - 2025. (Nguồn: Minh Hằng).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/pho-chu-tich-smc-nhung-thu-smc-dang-lam-se-thay-doi-cach-dinh-gia-cua-thi-truong-voi-cong-ty-it-nhat-bang-gia-tri-so-sach-20210422232112267.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/